Đằng sau quyết định chuyển nhà máy smartphones sang Việt Nam của LG
LG đã theo bước Samsung chuyển đơn vị sản xuất điện thoại thông minh (smartphones) sang Việt Nam để tận dụng lợi thế chi phí lao động thấp.
LG Electronics sẽ ngừng sản xuất điện thoại thông minh tại Hàn Quốc, đặt dấu hỏi cho tương lai của thương hiệu điện thoại thông minh cấp hai trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp và cạnh tranh nóng từ các công ty Trung Quốc.
Nhà sản xuất thiết bị điện tử nổi tiếng với màn hình uốn cong mới nhất cho biết hôm 25.4 rằng họ có kế hoạch chuyển sản xuất điện thoại thông minh cao cấp của mình từ một nhà máy ở Pyeongtaek, ngoại ô Seoul, đến một nhà máy ở Hải Phòng. Điều này nhằm cải thiện tình trạng thua lỗ của đơn vị sản xuất smartphones này.
Nhà máy Pyeongtaek có công suất hàng năm là 5 triệu đơn vị. Sự thay đổi sẽ tăng năng lực sản xuất hàng năm của nhà máy tại Hải Phòng lên mức 11 triệu.
LG Electronics cũng sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Hãng đã bán khoảng 40 triệu điện thoại thông minh trên toàn cầu vào năm 2018, chiếm gần 3% thị trường toàn cầu. Nhưng đơn vị này luôn báo lỗ hoạt động vào mỗi quý trong gần 4 năm, tính tới quý IV. 2018.
Theo báo cáo phương tiện truyền thông Hàn Quốc, việc LG chuyển sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam dự kiến sẽ cải thiện lợi nhuận của hãng vì mức lương tối thiểu của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/8 so với Hàn Quốc.
Khoảng 750 nhân viên tại nhà máy Pyeongtaek sẽ được giao việc tại một nhà máy sản xuất gia dụng ở nơi khác trong nước.
Việc tái cấu trúc của LG Electronics được thúc đẩy một phần bởi sự suy giảm trong thị trường điện thoại thông minh. Theo công ty nghiên cứu International Data Corp của Mỹ, doanh số bán smartphones đã giảm năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2018.
Thị trường đã đạt đến độ chín muồi khi sự đổi mới đã chậm lại và các nhà sản xuất khó lòng phát minh ra các tính năng mới, khác biệt.
Hàn Quốc, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, từng là một trung tâm sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu.
Theo truyền thông địa phương, các nhà sản xuất tại Hàn Quốc đã sản xuất 11% điện thoại thông minh của thế giới vào năm 2008. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ năm đó đã thúc đẩy Samsung và LG chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài để giảm chi phí. Do đó, Hàn Quốc đã sản xuất chưa đầy 1% điện thoại thông minh vào năm 2018, theo các nguồn tin trong ngành.
Động thái của LG đến khi các công ty Hàn Quốc khác đang mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đất nước đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc vào năm ngoái sau Trung Quốc và Mỹ, khi các công ty Hàn Quốc gửi hàng hóa dở dang sang Việt Nam để hoàn thiện.
Nhiều tập đoàn của Hàn Quốc, bao gồm Samsung, LG và CJ, điều hành các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam để cắt giảm chi phí và tận dụng nhu cầu tăng lên từ các thị trường địa phương.
"Hầu hết các nước ASEAN đều chịu ảnh hưởng của Nhật Bản, nhưng Việt Nam là một ngoại lệ. Đất nước có quan hệ chặt chẽ với Hàn Quốc", Lee Tae-joo, chủ tịch Viện Phát triển Định hình lại cho biết.
Các nhà đầu tư của LG hoan nghênh quyết định này khi cổ phiếu của hãng đã tăng 4,48% lên 77.000 won vào ngày 25.4 sau khi có tin tức trên, với kỳ vọng lợi nhuận trong mảng di động của LG sẽ được cải thiện.
"Với việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, LG muốn cắt giảm chi phí lao động vốn là tâm điểm chú ý trong 3-4 năm qua, để có thể sinh lãi", Kim Ro-ko, nhà phân tích tại Hana Financial Investment, cho biết. Ông nói thêm:"Nó tương tự như việc Samsung Electronics sản xuất nhiều điện thoại thông minh tại Việt Nam".
Phương Anh / Nikkei Asian Review
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư