Tại sao các thương hiệu lifestyle online nhìn giống nhau?
Các công ty mới cạnh tranh với những doanh nghiệp lâu năm không chỉ bằng việc tạo chất riêng cho sản phẩm mà còn bỏ luôn các chiến thuật marketing và thiết kế cũ, đổi lấy sự giản dị. Điều đó có vẻ hiệu quả. Nhưng tại sao?
Ban đầu, họ xuất hiện trên podcast – những thương hiệu bán trực tiếp đã chào hàng tôi với giày dép, dao cạo râu, bàn chải…
Sau đó, họ đến Facebook và Twitter, rồi lại qua Instagram.
Bỗng nhiên, họ ở khắp mọi nơi; tôi không thể không biết thông tin của những sản phẩm tự nhận là sẽ khiến cuộc sống tôi thoải mái và khỏe mạnh hơn.
Các bạn chắc cũng đã thấy chúng: quảng cáo Allbirds, Harry’s, Quip, hims, Brandless và một số thương hiệu khác. Chúng đều hoạt động trên cùng một nguyên tắc: giảm thiểu phương pháp bán thông qua cửa hàng để tới trực tiếp với người tiêu dùng. Điều đó đang kích động các nhà đầu tư lớn trên toàn thế giới.
Nghĩ cũng đúng, vì khi bạn loại bỏ được những công ty trung gian, khách hàng và doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng ngoài việc đó, có một điểm chung khác giữa các thương hiệu lifestyle online này: cách họ thiết kế quảng cáo.
Ở thời đại mà thông tin nhiều tới mức gây choáng ngợp trên mạng xã hội, các startup này lại loại bỏ toàn bộ sự phân tâm đến từ việc sử dụng KOL và thiết kế màu mè. Thay vào đó là những quảng cáo đơn giản chỉ có 2 thành phần: sản phẩm và background trơn.
Các công ty mới cạnh tranh với những doanh nghiệp lâu năm không chỉ bằng việc tạo chất riêng cho sản phẩm mà còn bỏ luôn các chiến thuật marketing và thiết kế cũ, đổi lấy sự giản dị. Điều đó có vẻ hiệu quả.
Nhưng tại sao?
Vì nó phù hợp với những người dùng Instagram
Đặc tính tập trung hiển thị hình ảnh của Instagram khiến người dùng thay đổi cách nhìn (so với tinh thần đọc trước nhìn sau của các mạng xã hội khác như Twitter hay Facebook). Instagram trở thành nơi mặc định để “khoe” bản thân.
Giày mới? Instagram. Đi chơi với bạn? Instagram. Quảng bá một lễ hội âm nhạc tưởng tượng để lừa hàng trăm người tới một hòn đảo với chỉ 1 đường về? Chắc chắn Instagram.
Instagram như một thiên đường cho các marketer; gần như không có sự khác biệt giữa hình ảnh quảng cáo với hình ảnh người dùng đăng. Caption kém quan trọng hơn và hình ảnh có thể đính kèm (tag) tên thương hiệu khiến người tiêu dùng khó nhận thức được hình họ đang xem là quảng cáo hay không.
Ở các trang mạng xã hội khác cũng đang có những thay đổi tương tự.
Nghe có vẻ hơi bất chính, nhưng nó cũng giải thích được lý do các startups áp dụng thiết kế đơn giản: làm quảng cáo nhìn giống influencers trong khi influencers đang dần nhìn giống quảng cáo.
Kế hoạch thiết kế marketing của Allbirds là một ví dụ. Ở dưới là hai post của Allbirds và Nike Run Club trên Instagram.
Khá khác biệt phải không? Nike hào nhoáng, trừu tượng và nghệ thuật hơn Allbirds rất nhiều. Tuy nhiên, post của Allbirds có phần tinh tế - nhưng bạn vẫn có thể nhận ra đây là quảng cáo. Hãy thử một ví dụ khác: dưới đây là hai hình đều của Allbirds; một của công ty và một của influencers.
Đột nhiên, ranh giới giữa quảng cáo và nội dung bị xoá nhoà. Tấm hình người đàn ông đi giày Allbirds đang nựng chó nhìn khá bình thường, như một tấm hình ai đó mà bạn đã follow. Nếu nó xuất hiện trên tường, bạn có thể sẽ không để ý đó là quảng cáo.
Thông qua khảo sát trên mạng và trò chuyện cùng những chuyên gia, tôi biết rằng các startup nhỏ, công ty lớn hay PR agency đều đang theo đuổi trào lưu thiết kế đơn giản này.
Điều này không những chứng tỏ sự thành thạo của các thương hiệu trong việc chạm tới khách hàng, mà nó còn cho phép các thương hiệu nhỏ khả năng cạnh tranh với những thương hiệu lớn hơn. Trong khi những quảng cáo phức tạp mang tính đột phá trên TV chỉ dành cho những công ty đặc biệt lớn, những doanh nghiệp nhỏ hơn vẫn có thể tạo ra những nội dung chất lượng cao với vài bạn thiết kế tài giỏi.
Điều thú vị nhất bạn cần rút ra trong bài viết này là bức tranh đang rất sáng sủa cho các team thiết kế nhỏ lẻ. Khi độ lớn không còn là điểm bất lợi, các team thiết kế có thể yên tâm tìm hiểu và theo đuổi những xu hướng thiết kế mới có khả năng đem lại thành công khổng lồ.
Không chỉ là nắm bắt thị hiếu
Jacob Chang, Giám đốc Insights tại công ty tư vấn JÜV, chia sẻ: có điều gì đó sâu xa hơn đang diễn ra. Đúng là sự đơn giản hoá là chủ ý – nhưng không phải vì các công ty đang dùng chiến thuật du kích. Các thương hiệu bán trực tiếp tới khách hàng thường ít chiêu trò, chân thành hơn trong quảng cáo để thu hút giới trẻ.
“Điều quan trọng nhất đối với Gen Z là các thương hiệu có một thông điệp thuyết phục, xác thực và phù hợp với hình ảnh thương hiệu nói chung”. Ông Chang nói thêm “Trong kho tàng câu chuyện mà các công ty muốn truyền tải, chân thực luôn là yếu tố khiến khán giả chú ý và bàn luận, nhờ đó, độ nhận diện thương hiệu tăng thêm”.
Suốt cuộc trò chuyện với Chang, từ “hiệu quả” được ông lặp lại nhiều lần khi nói về cách các startups có thể thành công trong việc marketing. Phần lớn các công ty nhỏ đều nắm rõ nhu cầu khách hàng. Họ có thể áp dụng những từ khoá độc đáo đi cùng thiết kế để trình bày quảng cáo một cách hiệu quả nhất.
Tính chất cơ bản và rập khuôn của quảng cáo mạng xã hội tạo điều kiện cho các marketer có thể sản xuất nội dung nhanh hơn, và lan truyền mạnh mẽ hơn.
Dianna Cohen, Founder của Levitate – Marketing agency, có cùng cách suy nghĩ. Mặc dù hình thức quảng cáo này dễ thu hút người xem trên mạng xã hội với mức giá hiệu quả, cách khách hàng tiếp nhận thương hiệu vẫn là thứ quan trọng nhất.
“Khách hàng có nhiều quyền năng hơn bao giờ hết”, bà Cohen chia sẻ. Và với quyền năng này, khách hàng đang chọn và ủng hộ những công ty có giá trị phù hợp.
Phong cách thiết kế đơn giản tạo cảm giác dễ chịu cho người xem từ đó tăng độ tin tưởng cho thương hiệu. Thương hiệu lifestyle online vô cùng chủ động – không chỉ với quảng cáo, mà còn với chăm sóc khách hàng. Các bài post nhẹ nhàng giúp ‘nhân cách hoá’ công ty, tạo cảm giác thân thiện, dễ tiếp cận.
Sự đồng điệu và đơn giản trong phong cách thiết kế quảng cáo kèm với dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt dần tạo ra một cộng đồng bao gồm những khách hàng có lòng trung thành với thương hiệu cao tới mức sẵn sàng quảng cáo miễn phí. Nó cũng tạo ra môi trường với ít sự phân tâm, nơi khách hàng mua trực tiếp những món hàng họ thấy trên quảng cáo.
Bà Cohen nói: “Đây là kết quả của cách các thương hiệu này tiếp cận trên mạng xã hội; trình bày tốt – cả về quảng cáo lẫn quan hệ công chúng – dẫn đến tăng độ gắn bó, thân mật của người tiêu dùng với thương hiệu. Chỉ cần vậy là bạn đã có một chàng mặc Allbird hoặc một cô khoác Flamingo.
Kết hợp những yếu tố này lại – nhắm tới thế hệ trẻ, chủ nghĩa tối giản, xây dựng cộng đồng – và chúng ta có một chiến thuật nhận dạng thương hiệu rõ nét, độc đáo. Khi quảng cáo được đơn giản hoá và công nghệ trở nên dễ tiếp cận hơn thì cuối cùng thứ duy nhất tách biệt các thương hiệu với nhau là vẻ ngoài của họ.
Tương lai
Mọi thứ phải có hồi kết và như cả ông Chang và bà Cohen nói “phương pháp quảng cáo hiện tại sẽ không tồn tại mãi mãi”. Đã có những dấu hiệu sụt giảm từ loại hình quảng cáo đơn giản này, đặc biệt là ở những thành phố trọng điểm. Bà cũng nhắc tới việc các thương hiệu đang tự đưa ra định hướng thương hiệu và chiến lược tiếp cận khách hàng riêng.
Dù thương hiệu chọn cách nào thì vẫn sẽ có một mấu chốt chung: quảng cáo đang được cá nhân hoá. Điều đó đáng sợ bởi vì chúng ta đã từng gặp trường hợp kinh khủng này – quảng cáo của những món hàng bạn đã tìm hoặc thậm chí những quảng cáo trùng khớp lạ lùng với những sản phẩm bạn vừa mới nhắc đến trong 1 cuộc trò chuyện bình thường.
Thương hiệu biết rõ mọi thông tin về bạn dường như là một tương lai không đẹp lắm.
May mắn thay, các thương hiệu cũng dần nhận ra điều đó. Thay vì dùng những quảng cáo nhắm đến cá nhân để chỉ cho người tiêu dùng biết nên mua gì, các công ty sẽ dùng thông tin về demographic để tạo quảng cáo và trải nghiệm có giá trị liên quan đến người xem. Nếu bạn thích chạy bộ, bạn có thể sẽ thấy quảng cáo ứng dụng sản phẩm của công ty đó trong việc chạy bộ hoặc được cộng đồng những người chạy bộ ủng hộ.
Nhiều thế kỷ qua, phương pháp bán hàng tốt nhất vẫn là marketing đẩy, thông qua billboards, báo, tạp chí, radio, tv hoặc mạng xã hội. Sự xuất hiện của những người tiêu dùng hiện đại hơn kéo theo những cách tiếp cận mới, đẩy lùi tâm lý chỉ chăm chăm bán, bán và bán. Cách tiếp cận khách hàng tự nhiên hơn sẽ dẫn đến thành quả tốt đẹp hơn.
Ngày nay, thiết kế và quảng cáo có nổi bật hay không là do thế hệ trẻ quyết định. Millennials và Gen Z không ngại nói ra luận điểm và chứng tỏ sở thích, các thương hiệu chỉ cần dựa theo đó mà tìm ra hướng đi phù hợp.
Quanny Nguyễn / Brands Vietnam
Nguồn Jake Underwood / Invision