Bỏ trần quảng cáo: Đừng kỳ vọng "chiếc đũa thần"

“Nếu bỏ khống chế chi phí quảng cáo thì nền kinh tế và khách hàng được lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp VN cũng đừng kỳ vọng đó là chiếc đũa thần... Quảng cáo nhiều mà không hiệu quả chẳng khác nào tự mình cắt cổ mình" – ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý VN nhận xét.

Bỏ phí trần quảng cáo: Ai được hưởng lợi?

Vừa qua, câu chuyện nới hạn mức chi phí dành cho quảng cáo, khuyến mãi đã trở thành chủ đề nóng phiên thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động marketing, bán hàng.

Có ý kiến cho rằng: Đặt ra giới hạn tỷ lệ chi quảng cáo không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp trong cạnh tranh, vì vậy đề nghị bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ngay trong lần sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng này.

Bỏ trần quảng cáo: Đừng kỳ vọng chiếc đũa thần

Quảng cáo nhiều mà không hiệu quả chẳng khác nào tự mình cắt cổ mình

Tuy nhiên, trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Viện Quản lý VN cho rằng: “Nếu bỏ khống chế chi phí quảng cáo thì nền kinh tế và khách hàng được lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp VN cũng đừng kỳ vọng đó là chiếc đũa thần. Với những quảng cáo dở, càng quảng cáo nhiều bao nhiêu thì càng tệ bấy nhiêu. Nếu như slogan của sản phẩm ngây ngô và không hấp dẫn, chiến lược marketing càng nhiều và càng quy mô thì càng làm cho nhiều khách hàng đọc, thấy và cảm nhận những sự ngây ngô đó trong thương hiệu sản phẩm. Quảng cáo nhiều mà không hiệu quả chẳng khác nào tự mình cắt cổ mình”.

Ông Tuấn Anh đưa ra ví dụ cụ thể như các quảng cáo của Bia Sài Gòn mang dòng chữ “Niềm tự hào của Việt Nam” chưa truyền tải được những điểm mạnh và thuyết phục tới tay người dùng. Hơn nữa, slogan này đặt ra một câu hỏi đó là “thật sự Bia Sài Gòn có là niềm tự hào không và đã qua kiểm chứng như thế nào?”.

Nếu như thương hiệu Bia Sài Gòn sử dụng “hoàn hảo trước thời gian“ nhấn mạnh một thương hiệu bia duy nhất ở Việt Nam đã tồn tại phục vụ cho khách hàng Việt Nam sẽ hiệu quả và mang ấn tượng mạnh hơn khi so sánh với các thương hiệu bia trên thị trường.

Cũng nhìn nhận về vấn đề này, một chuyên gia marketing cho biết: Nếu bỏ phí trần khống chế quảng cáo thì tập đoàn đa quốc gia và thương hiệu quốc gia được lợi, tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ mất công bằng và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.

"Phải chăng 68 năm nữa chúng ta mới theo kịp được? Tôi sợ lúc đó không còn doanh nghiệp Việt Nam nữa, chúng ta chỉ thu thuế của doanh nghiệp nước ngoài” - ĐB Dương Trung Quốc

Vị chuyên gia này giải thích: Ví dụ như trong ngành sữa, nếu bỏ phí trần khống chế quảng cáo, các Tập đoàn đa quốc gia như Fiso, Abbott sẽ tha hồ tăng thời lượng quảng cáo trên truyền hình.

Các công ty sữa lớn của Việt Nam cũng vô tư tăng cường khuyến mại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Hanoi Milk hay Ba Vì sẽ không cạnh tranh nổi và sẽ “chết” từ từ, vì nguồn tài chính của họ không cho phép họ vung tiền thoải mái như các “ông lớn” khác.

“Và khi chi phí đổ vào quảng cáo nhiều, tôi nghĩ giá cả của sản phẩm sẽ bị đẩy lên theo, lúc đó kẻ chịu thiệt thòi nhất sẽ là người tiêu dùng” – vị chuyên gia trên nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, dù cho DN Việt được quảng cáo "thả phanh", cũng không thể chạy đua được với các công ty đa quốc gia bởi về đường dài, nguồn tài chính của các DN FDI hùng mạnh, dài hơi hơn.

Đứng trên khía cạnh người tiêu dùng, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh: “Đối với người tiêu dùng quan trọng nhất là được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ để người ta thực thi cái quyền lựa chọn cho chính xác. Việc đặt ra giới hạn tỷ lệ chỉi thuộc về quản lý, tuy nhiên, nếu hạn chế ở một mức giới hạn nào đó mà không đủ cho phép doanh nghiệp quảng bá đầy đủ, theo tôi cũng không tốt. Nhưng ngược lại, nếu cho doanh nghiệp được quảng bá một cách “thả phanh’, trong nhiều trường hợp, có doanh nghiệp lại lạm dụng để “khai khống” các chi phí”.

“Quảng cáo làm sao phải đúng mức, đủ và trung thực. Hiện nay nhiều quảng cáo lợi dụng để kinh doanh không trung thực” – ông Tuấn thừa nhận.

Bỏ trần quảng cáo, DN Việt có thể thua trên sân nhà?

Trong phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: Trung Quốc là thị trường rất lớn, một quốc gia có truyền thống về kinh tế. Ngược lại Việt Nam ai cũng biết “non trẻ”.

Bỏ trần quảng cáo: Đừng kỳ vọng chiếc đũa thần“Vì thế tôi cho rằng cần phải xem xét cả con số 5%. Tại sao không phải là 20%, 25%? Phải chăng chỉ vì chúng ta có tâm trạng chung là cảnh giác, dè chừng chứ không phải tin cậy các doanh nghiệp? Chúng ta không phải mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp phát triển, không thấy rằng chính doanh nghiệp phát triển sẽ mang được nguồn thu bền vững mới là quan trọng” – ông Quốc nói.

Trước đó, cũng đề cập tới vấn đề này, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho rằng: “Việc tăng mức khống chế từ 10 lên 15% theo dự thảo là một bước tiến, sau rất nhiều than phiền của doanh nghiệp từ khi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ra đời. Tôi không cho rằng, việc bỏ tỷ lệ khống chế sẽ làm giảm nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách. Doanh nghiệp buộc phải chi các khoản này để tồn tại, để cạnh tranh được, để tăng thị phần và để gia tăng lợi nhuận của chính họ. Họ không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn nhằm giảm lợi nhuận của họ và dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Thực tế những doanh nghiệp trong một số ít ngành hàng mới cần chi ở mức cao, trong khi đại đa số doanh nghiệp không cần chi nhiều”.

Cũng qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thấy không cần phải khống chế theo tỷ lệ phần trăm 10% hay 15% đối với những khoản chi quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Theo đại biểu Vẻ, nếu khống chế tỷ lệ phần trăm như dự thảo thì vừa phức tạp, vừa khó khăn cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu; trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hãng nước ngoài bán hàng vào thị trường của ta có tiềm lực mạnh, thương hiệu lớn và có nguồn lực tài trợ từ công ty mẹ nước ngoài tài trợ cho họ để chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp nước ta.

“Vô hình chung doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thua ngay trên sân nhà bởi chính những quy định của chúng ta, đó là chưa kể đến doanh nghiệp của ta phải quảng bá và vươn ra nước ngoài trường hợp cần phải giữ tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước thì xin quy định tỷ lệ phần trăm hợp lý tính trên doanh thu”, đại biểu nhấn mạnh.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn