Số cửa hàng bán lẻ Mỹ mất đi trong quý 1.2019 vượt xa con số cả năm 2018
Tính tới thời điểm hiện tại của năm 2019, có 3.353 cửa hàng bán lẻ đã bị đóng cửa tại Mỹ, trong khi tính toàn năm 2018 con số này là 2.625, Coresight Research cho hay.
Thông tin gây chấn động, bởi từ trước đến nay số tấc đất được dùng để bày bán sản phẩm luôn là kim chỉ nam cho chiến lược kinh doanh của rất nhiều nhà bán lẻ. Nhiều người cho rằng con số này còn là tín hiệu thể hiện xu hướng của toàn nền kinh tế.
Nhưng liệu nhận định như trên có đúng?
Những năm gần đây thị trường chứng kiến sự thay đổi cách thức kinh doanh của ngành bán lẻ. Khi số cửa hàng bị đóng cửa gia tăng, thì đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là những chủ nhà đất. Nhiều chủ nhà đất phải chật vật trong thời gian dài để chấp nhận thực tế này và hạ giá cho thuê. Điều này vô hình trung tạo ra khoảng trống trên thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ trên toàn nước Mỹ.
Nhưng việc cho rằng số cửa hàng giảm đi sẽ khiến doanh thu bán lẻ sụt giảm không hẳn đã chính xác, và nếu cho đây là thước đo sức khỏe của ngành bán lẻ cũng không còn đúng nữa. Mặc dù việc thu hẹp số lượng cửa hàng có thể khiến số lượng sản phẩm được bày bán ít đi, nhưng không đồng nghĩa rằng đó là tình trạng chung của toàn ngành bán lẻ. Trên thực tế, doanh số bán lẻ vẫn tăng lên mặc cho hàng chục ngàn cửa hàng biến mất trên thị trường trong vài năm gần đây.
Vì mục tiêu tồn tại của các cửa hàng hiện đã thay đổi. Trước đây, các cửa hàng chính là nơi lưu trữ hàng hóa, nơi khách hàng lui tới khi muốn mua bất cứ thứ gì. Cục diện bây giờ đã thay đổi: bán hàng trực tuyến phát triển giúp người tiêu dùng có thể mua tất cả mọi thứ, tại bất cứ thời điểm nào, bất kể họ ở nơi đâu.
Tương lai của các cửa hàng phụ thuộc vào việc các nhà bán lẻ muốn tận dụng chúng để làm gì. Ngoài công năng truyền thống là lưu trữ và bán sản phẩm, các cửa hàng giờ đây gánh vác nhiều trọng trách hơn: là nơi kích thích doanh số bán hàng online, là địa điểm để khách mua hàng online tới nhận hay trả sản phẩm, hoặc trở thành kho hàng để hỗ trợ cho kênh bán hành trực tuyến cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Các cửa hàng cũng là một biển quảng cáo nhắc người tiêu dùng rằng doanh nghiệp bán lẻ vẫn đang tồn tại; cung cấp thông tin về sản phẩm mới và gợi nhắc về nhãn hàng mỗi khi họ lướt web. Rất nhiều hãng ghi nhận doanh số bán hàng online tăng mạnh ngay trong khu vực họ đặt cửa hàng. Hiệu quả của việc "trưng bày" là khách hàng đến cửa hàng để xem sản phẩm và sau đó mua hàng trên mạng.
Trong tương lai, các cửa hàng sẽ còn vươn rộng ra khỏi bốn bức tường hiện tại. Thay vì yêu cầu khách hàng tới tận nơi để xem và mua, các cửa hàng còn xuất hiện tại các sự kiện, tại tiền sảnh của các khách sạn, thậm chí tại nhà riêng. Bất cứ nơi nào khách hàng lui tới và có xu hướng sẵn sàng chi tiêu, đó sẽ là nơi các cửa hàng hiện hữu.
Cách thức bán lẻ thay đổi đang đòi hỏi các nhà bán lẻ phải trang bị những kỹ năng mới. Trong 25 năm qua, họ tập trung vào việc tối thiểu hóa rủi ro bằng cách cắt giảm hàng tồn kho, cố gắng tăng doanh số trên mỗi mét vuông cửa hàng và kinh doanh các mặt hàng ít rủi ro hơn. Nhưng ngành bán lẻ ngày nay trở nên vô cùng phức tạp và càng nhiều rủi ro hơn.
Để thành công, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nguồn lực tài chính và nhân lực hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp phải dũng cảm từ bỏ lối tư duy cũ, bắt tay vào thử nghiệm để tìm ra giải pháp kinh doanh hiệu quả nhất.
Trong tương lai, những doanh nghiệp không thể thay đổi cửa hàng để thích ứng với môi trường kinh doanh mới sẽ nhanh chóng biến mất. Chỉ những công ty thành công trong việc đưa cửa hàng “cài cắm” vào tâm trí người dùng mới có thể ghi nhận được doanh số trên mỗi cửa hàng gia tăng.
Lời khuyên cho các nhà bán lẻ hiện giờ là, bắt đầu suy ngẫm về một chỉ số bán lẻ chính xác hơn để có thể đo lường được tình hình kinh doanh của chính doanh nghiệp mình. Nếu chỉ xem trên số lượng cửa hàng tăng hay giảm sẽ không mô tả đúng tình trạng sức khỏe của các nhà kinh doanh bán lẻ.
Richard Kestenbaum
Nguồn Forbes Vietnam