5 kĩ năng cần có để trở thành một “cao thủ” PR
Trong quá khứ, người ta từng nghĩ rằng để trở thành một nhà PR chuyên nghiệp, tất cả những gì bạn cần là óc tổ chức, chút khả năng viết lách và khả năng mở rộng mối quan hệ.
Thế nhưng, ngày nay, với tốc độ phát triển chóng mặt của các mạng truyền thông xã hội, nghề PR ngày một trở nên cạnh tranh và đòi hỏi cao hơn. Không thể chỉ cần đưa ra những thông cáo báo chí “nóng hổi” là bạn có thể trở thành một nhà PR giỏi. PR hiện đại yêu cầu khả năng nắm bắt thông tin, đi sâu vào chi tiết cũng như xây dựng những ý tưởng có tốc độ lan tỏa cao. Ngoài ra, một “cao thủ” PR cũng cần phải sở hữu những kĩ năng thiết yếu sau:
1. Tổ chức một bữa tiệc đáng nhớ
Kì thực, bạn không chỉ đơn giản là đang tổ chức một buổi tiệc thông thường – bữa tiệc ấy phải cho thấy bạn là con người có khả năng kết nối đặc biệt. Mặc dù ai cũng hiểu rằng những người làm quan hệ công chúng đều phải xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ sâu rộng, họ còn cần biết cách tạo ra những mối liên kết giữa những người mà mình quen biết nữa. Một nhà quan hệ công chúng khá nổi tiếng trong giới – Susan MacTavish được biết đến với những buổi dạ tiệc đình đám tại Thung lũng Silicon. Các nhà báo, nhà biên tập tại các tạp chí lớn sẵn sàng làm tất cả để có được tấm vé mời tham gia những sự kiện này, bởi chúng là cơ hội vàng giúp họ tiếp cận các CEO cũng như những nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong ngành. Thông qua đó, mạng lưới của bạn cũng sẽ được củng cố nhân lên với tốc độ “khủng khiếp”.
2. Quản lý blog cá nhân
Một phần quan trọng trong công việc của người PR là thu hút các bloggers cũng như độc giả online. Cách duy nhất để bạn nắm được phương pháp lôi kéo mọi người đến với chiến dịch của mình, phát tán nội dung mà bạn muốn truyền tải đi xa nhất cũng như những khía cạnh nào của chiến dịch bạn nên tập trung khai thác nhất chính là nhuần nhuyễn những kĩ năng quản lý blog cá nhân của bạn. Bằng cách xây dựng blog của chính mình, bạn sẽ hiểu rõ quy trình viết blog, sắp xếp lịch lên bài, cũng như làm thế nào để khéo léo đưa vào những lời kêu gọi, thậm chí chào mời khách hàng tiềm năng, khiến những bloggers khác phải viết về bạn. Mỗi khi một mạng xã hội mới ra đời hoặc Google đưa ra những thuật toán mới, chiến lược PR của bạn cần được “F5” hoàn toàn. Không ai có thể dạy bạn những điều này. Cũng đừng phí thời gian cho những buổi hội thảo. Hãy bắt đầu tạo dựng blog cá nhân ngay từ bây giờ!
3. Làm thế nào để kết bạn với những nhân vật quan trọng
Trong những năm vừa qua, xu hướng PR cùng những nhân vật có “máu mặt” trong cộng đồng mạng ngày một bùng nổ; và mỗi khi danh sách các bloggers đình đám nhất được cập nhật cũng là lúc họ bị “săn đón” bởi khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng tiếp cận các “hot bloggers” của bạn cũng ngày càng giảm sút. Bạn cần xây dựng mối quan hệ với những con người này ít nhất 3 tháng trước khi mối quen biết ấy có thể chuyển thành công việc. Nói cách khác, bạn luôn phải “đi trước đón đầu” trong công cuộc săn đón những con người có tầm ảnh hưởng rộng trên thế giới ảo. Bằng không, cơ hội sẽ nhanh chóng tuột khỏi tay bạn.
Vậy bạn phải làm gì để nắm bắt cơ hội khi nó còn trong trứng nước? Trước hết, hãy đọc thật nhiều blogs, nhiều nhất có thể. Thứ hai, bạn cần tương tác với các bloggers. Đừng chỉ gửi email cho họ mỗi khi bạn cần nhờ họ giúp đỡ quảng bá cho mình – đó không phải là một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ làm việc lâu dài. Hãy gửi thư thăm hỏi mỗi khi họ công bố một sự kiện trọng đại nào đó, chẳng hạn như gửi lời chúc mừng khi họ vừa chào đón đứa con đầu lòng, hoặc chia sẻ những bài viết, những câu nói của họ mà bạn cho là thú vị. Hãy cho họ thấy bạn là người luôn lắng nghe và dõi theo từng bước đi của họ trên Internet. Cuối cùng, nếu có thể, hãy sắp xếp một buổi gặp mặt. Những bloggers đình đám thường xuyên nhận được hàng tấn email và lời mời kết bạn hàng ngày, vì vậy bạn cần phải làm gì đó để trở nên nổi bật trong đám đông ấy. Đừng bỏ qua cơ hội đăng kí tham gia các buổi offline hoặc mời họ đi ăn trưa nếu bạn có điều kiện.
4. Nắm vững thủ thuật “Google”
Google là “chiếc đũa thần” quyền năng trong nghề PR. Để có thể bắt kịp với nhịp phát triển không ngừng nghỉ của PR hiện đại, bạn sẽ phải cập nhật thông tin nhanh nhất có thể. Chỉ với một từ khóa chuẩn xác, dấu ngoặc kép được đặt đúng chỗ, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy địa chỉ liên lạc của các biên tập viên, các bloggers quan trọng mà bạn cần trong chiến dịch PR sắp tới, chi tiết về đối thủ cạnh tranh với khách hàng, các xu hướng mới ra đời và hơn thế nữa. Điều quan trọng hơn cả là bạn cần nắm vững những thủ thuật căn bản của công cụ tìm kiếm Google. Một khi đã làm được điều này, cả thế giới thông tin sẽ nằm trong tay bạn.
5. Biết chọn lọc thông tin để chia sẻ
Mỗi khi có ai đó đưa ra lời khuyên về những điều bạn nên và không nên chia sẻ online, họ thường nói rằng bạn nên xóa tất cả những tấm ảnh “say xỉn” đáng xấu hổ trên Facebook, dùng ảnh đại diện là một nhân vật hoạt hình trên Twitter, cũng như “giấu” đi tất cả hành tung của bạn để tránh khỏi những con mắt dò xét cũng như đảm bảo tính riêng tư cho thông tin cá nhân của bạn. Ngược lại, một nguyên tắc để trở thành một nhân vật “đình đám” trên mạng, đó là công khai “tất tần tật” về đời tư của bạn trên các phương tiện truyền thông. Họ cũng rất thích được nghe những câu chuyện về những người xung quanh, và khi bạn email họ, họ muốn biết bạn là ai. “Lẩn trốn” trên Internet chỉ làm giảm độ lan tỏa, cũng như khiến mọi người cảm thấy ngần ngại khi trả lời email của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ rằng, không phải bất cứ điều gì cũng nên được “phơi bày” trên mạng – chẳng hạn như bức ảnh say xỉn trên Facebook có thể khiến bạn mất việc như chơi. Vì lẽ đó, một người PR giỏi là một người hiểu rõ điều gì nên, điều gì không nên chia sẻ cho cộng đồng mạng.