Khi bao bì sản phẩm biết "nói"

Sự xuất hiện và lan tỏa nhanh chóng của thương mại điện tử đang biến đổi cách thức các nhãn hàng tương tác với người tiêu dùng. Bao bì sản phẩm nhanh chóng được tận dụng để tăng độ tín nhiệm, quảng bá thương hiệu hoặc thậm chí lôi kéo khách hàng vào mạng lưới quảng bá của nhãn hàng trên mạng xã hội.

ùng với sự nở rộ của các nền tảng thương mại điện tử, cánh cửa để nhãn hàng trò chuyện trực tiếp với khách hàng đang dần khép lại. Họ không còn có thể kết nối trực tiếp với khách hàng và tái tiếp thị (sử dụng đối với những khách hàng đã từng click vào sản phẩm xem nhưng chưa mua) theo ý muốn như trước đây được nữa. Amazon, gã khổng lồ của ngành thương mại điện tử đưa ra những yêu cầu rất nghiêm ngặt cho các nhãn hàng về việc "cố tình luồn lách qua quy trình bán hàng có sẵn" của công ty. Bất cứ nhãn hàng nào cố tình thao túng các nhận xét và đánh giá sản phẩm trên trang của Amazon sẽ phải chịu hậu quả vô cùng nặng nề.

Các thương hiệu sành sỏi thị trường ngày nay bắt đầu tìm đến những cách xây dựng mối quan hệ với khách hàng thông qua bao bì sản phẩm. Cụ thể hơn, họ thường thêm các giá trị thặng dư vào trong bao bì, trở thành yếu tố thúc đẩy và tạo lập mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Kêu gọi khách hàng viết đánh giá và phản hồi sản phẩm

Anker là một thương hiệu gắn liền với sàn thương mại điện tử Amazon và là một tấm gương đáng học hỏi trong việc khuyến khích khách hàng để lại các phản hồi tích cực trực tuyến.

Khi bao bì sản phẩm biết nói

Thẻ ý kiến phản hồi hai mặt của Anker. Ảnh: Kiri Masters.

Mỗi khi mở hộp sản phẩm của Anker, người tiêu dùng sẽ tìm thấy một tấm thẻ ghi nhận ý kiến phản hồi. Thẻ này có hai mặt: một mặt "vui vẻ" dành riêng cho những người hài lòng với sản phẩm, trong đó kêu gọi họ viết đánh giá tích cực cho Anker trên Amazon. Mặt còn lại "chưa vui" dành cho những khách hàng chưa thực sự ưng ý, kèm theo đó là ba cách thức người mua có thể lựa chọn để đội ngũ chăm sóc khách hàng của Anker có thể trực tiếp giải quyết vấn đề họ đang gặp phải.

Điều này không những giúp công ty có thể chủ động trong việc chăm sóc khách hàng, mà còn tăng tỉ lệ đánh giá tích cực cho các sản phẩm của Anker trên Amazon.

Kích thích tương tác trên mạng xã hội

Nhiều nhãn hiệu hiện nay ngày càng chú trọng việc dẫn dắt khách hàng tìm đến họ trên mạng xã hội thông qua các thông tin đính kèm trên bao bì, đặc biệt là các thương hiệu trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ dùng nhà bếp, thời trang và làm đẹp...

Doanh nghiệp thường "mời" khách hàng tham gia các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội bằng các phiếu mua hàng, mã giảm giá cùng hàng loạt những ưu đãi khác đính trong bao bì.

Chẳng hạn như Sport Research, một thương hiệu tinh dầu thiên nhiên, đã tổ chức một cuộc thi dành cho những khách hàng đăng tải hình ảnh hoặc video sản phẩm lên Instagram và người thắng cuộc sẽ có cơ hội nhận được phiếu mua hàng trị giá 100 đô la Mỹ trên Amazon.

Khi bao bì sản phẩm biết nói

Lời kêu gọi khách hàng tham gia chương trình quảng bá trên Instagram đính kèm trong bao bì sản phẩm của Sport Research. Ảnh: Kiri Masters.

Quảng bá thương hiệu và bán chéo sản phẩm khác

Trong những chiếc hộp đựng sản phẩm của Apple bao giờ cũng có miếng dán hình logo quả táo cắn dở. Hãng làm điều này để biến khách hàng trở thành người truyền bá logo cho mình.

Khi bao bì sản phẩm biết nói

Logo tặng kèm trong hộp sản phẩm của Apple. Ảnh: Kiri Masters.

Tuy vậy không phải thương hiệu nào cũng có đủ độ nhận diện công chúng để có thể làm như Apple. Micro, một công ty cung cấp xe scooter cho trẻ em, đang làm rất tốt việc quảng bá thương hiệu. Nhãn hàng này tặng thêm điểm tích lũy trong tài khoản cho các khách hàng nhí mỗi dịp sinh nhật. Số điểm sẽ tương ứng với một khoản giảm giá nhất định khi các cô, cậu bé mua các sản phẩm tiếp theo của công ty. Đây là một cách tốt để nhãn hàng được các em nhỏ và gia đình nhớ tới hằng năm nếu họ quyết định mua một chiếc scooter mới vì các em lớn quá nhanh không thể sử dụng chiếc scooter cũ nữa.

Ngoài ra Micro còn đính kèm các catalog giới thiệu mọi dòng sản phẩm công ty đang sản xuất và phân phối cùng với các lưu ý đảm bảo an toàn khi sử dụng trong bao bì các sản phẩm bán ra. Tất cả các "giá trị thặng dư" trong bao bì nói trên đều được thiết kế và trình bày với màu sắc bắt mắt và dễ tương tác, phù hợp với những "thượng đế nhí" nhãn hàng đang phục vụ.

Khi bao bì sản phẩm biết nói

Catalog đầy màu sắc đi kèm trong hộp sản phẩm của Micro. Ảnh: Kiri Masters.

Bảo hành

Bảo hành sản phẩm vốn đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua để xây dựng lòng tin của khách hàng và là minh chứng cho sự cam kết chất lượng sản phẩm của các thương hiệu.

Tuy nhiên, một lợi ích nằm đằng sau việc đăng ký bảo hành chính là: khách hàng sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin cho nhãn hàng. Đây là cách trực tiếp nhất để nhãn hàng có thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng của mình.

Khi bao bì sản phẩm biết nói

Tờ phiếu bảo hành quen thuộc trong hộp đựng của nhiều sản phẩm. Ảnh: Kiri Masters.

Hướng dẫn sử dụng

Đây rõ ràng là phương thức được tận dụng phổ biến nhất. Thông qua hướng dẫn sử dụng, các nhãn hàng có thể cung cấp thêm nhiều thông tin và giúp khách hàng tìm ra cách dùng sản phẩm tốt nhất. Thực phẩm và các sản phẩm nhà bếp thường được đính kèm với công thức nấu ăn để khơi nguồn cảm hứng nấu nướng và tăng khả năng nấu thành công.

Khi bao bì sản phẩm biết nói

Công thức nấu ăn tặng kèm trong hộp sản phẩm máy thái lát rau củ của OXO. Ảnh: Kiri Masters.

Trong khi đó, trong bao bì sản phẩm bút chấm màu của Cameron Frank Products, khách hàng có thể tìm thấy các hình vẽ vui nhộn có in sẵn phần cần tô màu để phụ huynh có thể dùng với các em nhỏ.

Khi bao bì sản phẩm biết nói

Tranh vẽ tặng kèm hộp bút màu của Cameron Frank Products. Ảnh: Kiri Masters.

Kiri Masters
Nguồn Forbes Vietnam