Điểm yếu của ngành F&B tại Việt Nam
Ngành F&B ở Việt Nam có một thực trạng là rất nhiều người tham gia lĩnh vực này trong tâm thế thích thì làm, không theo một quy trình bài bản nào. Chúng ta thường có thói quen nói là bắt tay vào làm ngay nhưng trong quá trình làm, gặp lỗ hổng lại phải quay ngược lại…
Khó khăn nào cho ngành F&B?
Trao đổi trước thềm triển lãm về ngành công nghiệp thực phẩm, dịch vụ khách sạn và nhà hàng tại Việt Nam sẽ diễn ra vào 25-26/4 tới, bà Châu Tiểu Ngọc cho rằng, ngành F&B ở Việt Nam còn rất nhiều lợi thế để phát triển song song với tiềm năng về du lịch. Các nhà đầu tư đến Việt Nam đều nghĩ nơi đây sẽ mang lại cơ hội đầu tư tốt cho họ. Trong khi các doanh nghiệp Việt lại có cơ hội thử sức ở những sản phẩm mới trước bối cảnh thị trường F&B đang khá mở như hiện nay.
Theo bà Ngọc, xu hướng ngành F&B của Việt Nam trong vòng 2 năm tới sẽ là những món ăn Việt thuần túy, hơi hướng một chút decor (trang trí) của Âu, Nhật nhưng vẫn tập trung vào món ăn của người Việt. Hiện nay, rất nhiều người Nhật khởi nghiệp tại Việt Nam với phong cách ẩm thực Việt. Là thực phẩm của Nhật nhưng xuất xứ từ Việt Nam và được người Việt đón nhận.
Tuy nhiên, Giám đốc Sunshine Equipment cũng thừa nhận, ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đang bị cạnh tranh khá khốc liệt bởi các đơn vị nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, nội tại của ngành này cũng gặp không ít khó khăn, cụ thể là khó khăn về nhân sự và cách suy nghĩ đúng ở giai đoạn sơ khai ban đầu. Bà Ngọc chỉ ra: Hiện nay có rất nhiều người tham gia lĩnh vực F&B trong tâm thái thích là làm, không theo một quy trình bài bản hay bước đầu nghiên cứu, phân tích kỹ càng. Thực tế, người Việt rất nhanh, nói là bắt tay vào làm ngay nhưng khi làm, gặp lỗ hổng lại phải quay ngược lại.
Bên cạnh đó, ngành F&B ở Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực. Hầu hết các nhà hàng lớn hiện nay chia sẻ, ngày trước phỏng vấn nhân sự thì yêu cầu rất kỹ, ra trường bao lâu, kinh nghiệm như thế nào thì hiện nay chỉ cần tuyển đủ số lượng. Kiếm sao cho đủ chỉ số rồi đào tạo tính sau.
“Rõ ràng, mọi người đều hiểu nguồn nhân lực rất quan trọng đối với ngành nghề này nhưng lại bị cuốn theo sự phát triển của ngành rồi suy nghĩ, nếu mình không nhanh thì mình sẽ bị chậm lại. Tôi nghĩ, nếu chúng ta không tập trung vào tìm kiếm con người chất lượng và đào tạo bài bản, dành không đúng thời gian cho nó thì đi nhanh té lúc nào chẳng hay…”, bà Ngọc giãi bày.
Còn ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty UBM VES, đơn vị tổ chức triển lãm Food & Hotel Việt Nam 2019 cho rằng, trong ngành F&B có một thực tế là vấn đề bảo vệ môi trường sống cần được nâng cao. Thay vì sử dụng các loại nhựa từ ngành này quá đà thì nên khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhựa vi sinh học hoặc hạn chế đồ dùng bằng nhựa.
“Quan trọng nhất khi khởi nghiệp ở lĩnh vực F&B là phải chọn đúng sản phẩm muốn đưa đến tay người tiêu dùng, đừng bắt chước hay copy mô hình mà quốc tế đang rất thành công. Khi làm phải có bản sắc riêng.”
Ông BT Tee dẫn chứng, cách đây 20 năm đến Hạ Long của Việt Nam nước rất trong và sạch nhưng hiện tại nước đã có rất nhiều rác. “Ngành thực phẩm của chúng ta là ngành công nghiệp đi sau, liên quan mật thiết với du lịch, nếu tình trạng này còn diễn ra thì du khách sẽ không trở lại và vô tình ảnh hưởng đến ngành F&B. Nhựa không thể một sớm, một chiều biến khỏi cuộc sống của chúng ta được nhưng ít nhất giảm tiêu dùng của nó tái chế nó thì không chỉ cải thiện giá trị cuộc sống của mình mà còn cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các NĐT nước ngoài vào thị trường Việt Nam”, ông Tee nhấn mạnh.
Khởi nghiệp F&B: “Đừng bắt chước hay copy mô hình quốc tế đang rất thành công”
Bày tỏ quan điểm cá nhân về việc giới trẻ hiện nay tham gia khởi nghiệp ở ngành thực phẩm, đồ uống rất nhiều, bà Châu Tiểu Ngọc cho biết: “Tôi không phản đối các bạn trẻ kinh doanh riêng nhưng chỉ khuyên các bạn đừng nên làm cái người khác đã làm rồi và họ đã làm rất tốt. Tại sao mình không nghĩ ra cái gì khác mới lạ hơn”.
Bà Ngọc ví dụ, hiện nay giới trẻ thường hay đi khởi nghiệp trà sữa vì cho rằng bán trà sữa lời và lúc nào cũng đông khách. Cho nên, rất nhiều bạn trẻ nghỉ làm để đi bán trà sữa. Nhưng tại sao cũng là loại hình đồ uống thay vì làm những cái đã quá nổi rồi mình lại không theo hướng các nước uống căn bản như rau má, đậu nành? Trong khi, theo bà Ngọc vốn đầu tư vào loại hình này không nhiều, thậm chí không cần sử dụng máy móc là đồ công nghiệp cho đắt mà có thể sử dụng đồ gia dụng giá tầm trung.
“Quan trọng nhất khi khởi nghiệp ở lĩnh vực F&B là phải chọn đúng sản phẩm muốn đưa đến tay người tiêu dùng, đừng bắt chước hay copy mô hình mà quốc tế đang rất thành công. Khi làm phải có bản sắc riêng”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sunshine Equipment, ở Việt Nam không thiếu gì những sản phẩm độc, lạ, quan trọng là mình phải nghĩ đúng ngay từ đầu. Ban đầu vốn ít thì làm mô hình nhỏ, không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều vào tiền mặt bằng, còn vận hành thì chọn những món đơn giản thôi.
Khi được hỏi, có quan điểm, trong khởi nghiệp không nhất thiết phải làm sản phẩm duy nhất mà trên thế giới chưa từng làm, bà Ngọc cho rằng, khi làm những cái người ta đã từng làm thì phải thật sự khác biệt, khác về decor, chất lượng, dịch vụ chẳng hạn. Phải có định hướng riêng đừng nên bắt chước. Đặc biệt, ngân sách dự định của mình khi khởi nghiệp là ở mức nào. Mình muốn nhiều thứ nhưng cái mình muốn phải đi đôi với khả năng tài chính.
“Với các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi khuyên nên bắt đầu từ những bước đầu chắc chắn, từng bước một, chậm mà chắc. Mặc dù cơ hội của ngành F&B còn rất nhiều nhưng phải làm cho đúng cách”, bà Ngọc nhắn nhủ.
Phương Nga
Nguồn Trí thức trẻ