FPT đặt mục tiêu tăng trưởng mỗi năm 15%, tập trung vào chuyển đổi số

Ngày 29/3, Tập đoàn FPT đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 và phê duyệt định hướng phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2019-2021. Theo đó, FPT muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.

FPT tập trung làm tư vấn chuyển đổi số

Theo đánh giá của ban lãnh đạo FPT, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, là phương thức quan trọng giúp các doanh nghiêp, tổ chức đạt được những thành công mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo dự báo của IDC, đến năm 2022 quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ CNTT. Năm 2018, riêng chi tiêu cho chuyển đổi số đạt 1.300 tỷ USD, tăng 16,8%, trong khi thị trường dịch vụ CNTT đạt 1.000 tỷ USD và chỉ tăng trưởng 4%.

Với tiềm năng đó, FPT xác định chuyển đổi số sẽ giúp công ty có bước phát triển đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu. Do đó, bắt đầu từ năm 2019, FPT sẽ chuyển dịch từ Công ty cung cấp dịch vụ CNTT thành Tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Tầm nhìn của FPT trong 10 năm tới là lọt TOP 50 các công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.

Riêng trong giai đoạn 2019 – 2021, FPT đặt một số mục tiêu như có thêm 30 khách hàng lớn trong danh sách Fortune Global 500 mỗi năm, luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 15% hàng năm.

FPT đặt mục tiêu tăng trưởng mỗi năm 15%, tập trung vào chuyển đổi số

Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2019, FPT cũng đã chính thức ra mắt dàn lãnh đạo trẻ bao gồm Tổng Giám đốc, 3 Phó Tổng Giám đốc và 5 Giám đốc nghiệp vụ (gồm Giám đốc Công nghệ, Giám đốc Chuyển đổi số, Giám đốc CNTT, Giám đốc Truyền thông, Giám đốc Chất lượng và Giám đốc Nhân sự). Trong đó, ông Nguyễn Văn Khoa chính thức đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc FPT từ ngày 29/3.

Đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 15 % và 16%

ĐHĐCĐ thường niên FPT năm 2019 cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng lần lượt là 15% và 16% so với năm 2018, đạt 26.660 tỷ đồng và 4.460 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận khối Công nghệ dự kiến đạt 15.450 tỷ đồng và 1.933 tỷ đồng chiếm gần 60% tổng doanh thu và 43% tổng lợi nhuận của toàn Tập đoàn.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng lần lượt là 15% và 16% so với năm 2018, đạt 26.660 tỷ đồng và 4.460 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ FPT năm 2019 đã thông qua tỷ lệ cổ tức cho cổ đông năm 2018 là 30%, trong đó cổ tức bằng tiền mặt là 20% (2.000 đồng/cổ phiếu) và 10% bằng cổ phiếu. Cụ thể, cổ tức bằng tiền mặt đã được Tập đoàn tạm ứng 10% trong năm 2018, 10% cổ tức còn lại bằng tiền mặt dự kiến được chi trả trong Quý 2/2019. Ngoài ra, kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% từ nguồn lợi nhuận để lại cũng sẽ được thực hiện vào Quý 2/2019.

Trước đó, trong năm 2018, doanh thu Chuyển đổi số của FPT tăng trưởng 31% so với cùng kỳ, chiếm 20% tổng doanh thu của mảng xuất khẩu phần mềm. FPT cũng trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam sở hữu nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI. Trong năm 2018, nền tảng này đã nhận được 3,4 triệu yêu cầu/tháng. Hiện có 7.720 lập trình viên đang phát triển các ứng dụng trên nền tảng này và gần 155.000 giờ giọng nói đã được các đối tác sử dụng.

Kết thúc năm 2018, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 23.214 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 3.858 tăng 31% so với năm 2017 trong điều kiện so sánh tương đương (kết quả kinh doanh năm 2017 không bao gồm lợi nhuận thoái vốn từ FPT Retail và Synnex FPT đồng thời hợp nhất kết quả kinh doanh của hai công ty này theo phương pháp vốn chủ).

Hà My
Nguồn Trí thức trẻ