Nhiệm kỳ chớp nhoáng của CEO
Vì sao các CEO mới nhậm chức thường ra đi trong ê chề?
Gần 50% CEO cho biết vai trò CEO là trách nhiệm “mà họ không hề trông đợi trước đó”. Đó là kết quả rút ra từ các cuộc phỏng vấn 20 cựu CEO và CEO đương nhiệm của các công ty đại chúng lớn trong đó có Bupa, Husky Energy, Standard Chartered, ATCO và Lloyds Banking Group, do các nhà nghiên cứu Harvard Business Review thực hiện gần đây. Mục tiêu là nhằm nhận diện một số thách thức và những phương pháp có thể giúp CEO làm tốt vai trò mới.
Những CEO có nhiệm kỳ rất ngắn cho đến những nhà lãnh đạo thành công đều thừa nhận có sự khác biệt lớn giữa những gì tưởng tượng và hiện thực phũ phàng khi đứng ở vị trí CEO. Điều này có thể là lý do vì sao nhiệm kỳ trung bình của CEO tại các doanh nghiệp S&P 500 chỉ là 5 năm vào cuối năm 2017, giảm từ mức 6 năm của năm 2013. Trong suốt giai đoạn 5 năm đó, có hơn 280 CEO trong S&P 500 đã ra đi.
Hầu hết các CEO cho biết quá trình chuyển giao là thách thức rất lớn, thậm chí đối với những nhà lãnh đạo gạo cội. Theo họ, có nhiều yếu tố các CEO mới cần cân nhắc: quản lý hiệu quả năng lượng và thời gian, thiết lập một khung rõ ràng cho việc quản lý mối quan hệ với hội đồng quản trị và các cổ đông bên ngoài và đảm bảo rằng thông tin truyền tải trong và ngoài tổ chức là chính xác, không bất nhất.
Quản lý năng lượng
“Bị sức ép về thời gian là một chuyện nhưng quan trọng là quản lý năng lượng của bản thân. Tôi nhận thức rất rõ mình đang phân bổ năng lượng của mình như thế nào, vào đâu, lấy lại năng lượng ra sao, điều gì khiến mình mất năng lượng”, Stuart Fletcher, cựu CEO Bupa, cho biết.
Lấy ví dụ, tất cả các CEO đều dành nhiều thời gian xây dựng và phát triển mối quan hệ gắn kết với hội đồng quản trị. Nhiều CEO nhận ra rằng xem các thành viên ban quản trị như một nguồn cố vấn và cung cấp thông tin sâu, thay vì một nghĩa vụ đã giúp họ biến trải nghiệm làm việc với ban quản trị từ một nguồn lấy đi năng lượng thành một nguồn cung cấp năng lượng. “Điều đó cho tôi cảm giác như có nhiều người ủng hộ mình”, một CEO cho biết.
Đối với hầu hết các CEO, một yếu tố khác giúp họ quản lý tốt thời gian và năng lượng là sớm lập một đội ngũ điều hành cấp cao có năng lực. Nhiều CEO tiếc nuối cho biết họ ước gì đã sắp xếp, bổ nhiệm người vào các vị trí quan trọng ngay từ đầu. “Tôi đã bỏ ra quá nhiều thời gian nhảy vào nhiều vai trò khác nhau trong khi đáng lẽ tôi nên tuyển dụng những người mới có năng lực để hỗ trợ mình”, Paul Foster, CEO của Sellafield, nói.
Quản lý các mối quan hệ trong, ngoài
Các CEO nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc tạo dựng niềm tin và gắn kết với các cổ đông, theo đó ưu tiên tập trung vào thành viên hội đồng quản trị, nhà đầu tư, giới truyền thông và các mối quan hệ liên quan với chính phủ. Trong số các CEO được phỏng vấn bởi Harvard Business Review, hầu hết dành trung bình 50% thời gian quản lý các mối quan hệ trong ngoài.
Gần phân nửa trong con số 50% thời gian đó là dành cho hội đồng quản trị. Gần như tất cả các cựu CEO mà không tập trung phát triển quan hệ với các thành viên hội đồng quản trị cho biết họ ước gì đã sớm làm điều đó. Khi không được kết nối tốt với CEO, các thành viên hội đồng quản trị có thể bị ảnh hưởng bởi nhà đầu tư hoặc các nguồn truyền thông mà chỉ chăm bẵm vào mục tiêu ngắn hạn, cổ xúy các chiến lược mà cho ra các kết quả trước mắt nhưng gây tổn hại cho chiến lược tạo giá trị lâu dài cho doanh nghiệp. Rủi ro này đặc biệt cao ở hội đồng quản trị không thực sự hiểu chiến lược kinh doanh hoặc các cơ hội tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.
Các CEO thành công nhất cho biết họ dành thời gian đáng kể vào việc duy trì mối quan hệ gắn khít với từng thành viên ban quản trị. Nhưng việc xây dựng mối quan hệ với nhà đầu tư và các cổ đông bên ngoài khác (như khách hàng, giới truyền thông, các mối quan hệ trong ngành, cơ quan nhà nước…) thường khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Bill Winters, CEO Standard Chartered, lưu ý quá trình này thường là trải nghiệm cá nhân của CEO, vì thế không thể trông cậy vào sự hỗ trợ từ các nhà điều hành khác.
Các CEO như Peabody thừa nhận mối quan hệ tốt với các cổ đông bên ngoài là “con đường hai chiều”. Những CEO thường xuyên kết nối với nhà đầu tư có thể dựa vào ý kiến phản hồi của họ để cải thiện “giao tiếp” trong các báo cáo trình bày, tài liệu của công ty và trong các cuộc trả lời phỏng vấn với giới truyền thông.
Những CEO dành thời gian giao tế với các cơ quan chính quyền thường dễ nhận biết những thay đổi về quy định, chính sách mà có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh sau này, giúp CEO kịp thời đưa ra các thay đổi về mặt chiến lược.
Quản lý dòng chảy thông tin
Khi được giao vị trí CEO, nhiều người cảm thấy rất khó đưa ra các quyết định mà không hiểu chi tiết các hoạt động hằng ngày như khi họ còn giữ các vị trí giám đốc sản xuất, hay quản lý các bộ phận. Chìa khóa để vượt qua thách thức này là tạo một cơ cấu và một văn hóa mà theo đó thông tin sẽ được truyền tải trong nội bộ doanh nghiệp một cách chính xác cũng như khi được truyền tải cho hội đồng quản trị và các cổ đông khác.
Nhiều CEO cho biết, các thành viên hội đồng quản trị ít khi nào ủng hộ một quyết định mà dựa vào trực giác, bản năng. Vì thế, CEO nên giải thích các lý lẽ đằng sau quyết định được đưa ra và trình bày quyết định đó giúp công ty đạt các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn như thế nào. Rõ ràng, cách truyền tải thông tin là rất quan trọng.
Truyền tải thông tin bất nhất thường gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa CEO với các cổ đông bên ngoài. Giá cổ phiếu thường biến động một phần do thông điệp một CEO truyền tải cho các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và giới truyền thông. Học cách kiểm soát dòng chảy thông tin này là một yếu tố quan trọng quyết định liệu nhiệm kỳ của CEO đó dài hay ngắn.
Ngô Ngọc Châu / HBR
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư