Công nghệ sẽ đưa du lịch đến đâu?
Không ai chắc chắn rằng công nghệ sẽ đưa ngành du lịch đến đâu. Có những công ty đang đi theo cách phát triển từ nhà điều hành tour đơn thuần thành nhà cung cấp sản phẩm nhằm giành lợi thế trong thời công nghệ ngày càng trở nên áp đảo.
Công nghệ “bủa lưới” du lịch
Một số doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tham gia Hội chợ Du lịch ITB Berlin, vừa diễn ra hồi đầu tháng 3 tại Đức, cho biết hội chợ lần này chứng kiến “sự đổ bộ” của các công ty công nghệ. Những người đi giới thiệu điểm đến, dịch vụ từ Việt Nam được nhiều công ty mời chào hàng loạt công nghệ mới như phần mềm điều hành tour, phần mềm đại lý du lịch, hệ thống đặt phòng, hệ thống thanh toán...
Theo thông cáo báo chí của Ban tổ chức hội chợ, công nghệ du lịch tiếp tục bùng nổ tại đây với hơn 250 nhà triển lãm tham gia trong mảng này. Hàng loạt hội thảo với đề tài liên quan như tiếp thị kỹ thuật số; số hóa tại các điểm đến; ảnh hưởng của truyền thông xã hội và cách các khu vực, công ty có thể đối phó; cách đổi mới kỹ thuật có thể giúp cải thiện hệ thống tiếp thị cho công ty lữ hành và đại lý du lịch chẳng hạn như làm thế nào để AI (trí tuệ nhân tạo) có thể được sử dụng để nhận ra các yêu cầu của khách hàng nhằm tạo ra doanh số cao hơn... cũng được tổ chức để gợi ý cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp không khói từ khắp nơi trên thế giới tiếp cận với những công nghệ mới.
“Đó là những xu hướng. Công nghệ sẽ là hạt nhân của ngành du lịch”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nói.
Bằng công nghệ, bằng dữ liệu lớn, nhiều nhà cung cấp dịch vụ biết khách hàng đang làm gì từ lúc đặt phòng cho đến khi khởi hành. Doanh nghiệp cũng biết khách hàng đã làm gì trong những lần du lịch trước, biết sở thích và có thông tin điện tử của họ nên dễ dàng điều chỉnh dịch vụ cho phù hợp hơn. Nhờ vậy, số lượng đặt chỗ trực tuyến tăng lên.
ITB Berlin dẫn Phân tích Du lịch 2019 của Cộng đồng nghiên cứu về kỳ nghỉ và du lịch (FUR) cho biết, nếu như trước đây khách hàng chủ yếu đặt chỗ trực tuyến cho các chuyến đi ngắn, cỡ bốn ngày trở xuống, thì vào năm 2018 lần đầu tiên thị trường Đức ghi nhận số lượng đặt chỗ cho các chuyến đi dài ngày cao hơn các chuyến ngắn. Các kênh trực tuyến rất quan trọng với thị trường, nếu tính cả những chuyến đi có thời gian ngắn nhất là một đêm thì có hơn 60% số lượng đặt chỗ đến từ đây và đang tăng trưởng rất nhanh.
Thị trường trong nước cũng có những diễn biến tương tự. Nhiều doanh nghiệp cho biết mảng bán hàng trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng trong khoảng 2-3 năm gần đây. Chẳng hạn tỷ lệ khách trong nước đặt tour của Công ty Fiditour, dịch vụ trực tuyến hiện chiếm 30-40% trong tổng số khách hàng. Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist có tỷ lệ khách Việt Nam mua tour trọn gói là 30%, trong khi ba năm trước chỉ hơn 10%.
Phải chuyển mình thật nhanh
Doanh nghiệp kinh doanh du lịch cho rằng xu hướng công nghệ là không thể tránh khỏi và phải chuyển mình thật nhanh để phát triển. Nhiều công ty đã chuyển từ tiếp thị qua kênh truyền thống sang kỹ thuật số; tạo ra hàng loạt sản phẩm linh hoạt để đáp ứng từ những nhu cầu nhỏ nhất của từng phân khúc khách hàng.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Công ty Lữ hành Saigontourist, cho rằng vài năm gần đây công nghệ đã tạo nên một bộ mặt mới trong tiếp thị. Hơn hai phần ba hoạt động đã được chuyển sang tiếp thị số để có thể đo đếm hiệu quả chính xác hơn thông qua việc đưa tour cùng các hoạt động trải nghiệm lên không gian mạng. “Mọi thứ liên quan đến tiếp thị du lịch đã thay đổi”, bà nói, “Chúng tôi gọi đây là những trải nghiệm trước tour”.
Vài năm gần đây công nghệ đã tạo nên một bộ mặt mới trong tiếp thị. Hơn hai phần ba hoạt động đã được chuyển sang tiếp thị số để có thể đo đếm hiệu quả chính xác hơn thông qua việc đưa tour cùng các hoạt động trải nghiệm lên không gian mạng.
Ông Trần Xuân Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Du lịch Viking nói thêm rằng, thay vì trang web thì nay những kênh như mạng xã hội Facebook, Instagram được tập trung hơn do phần lớn khách hàng của công ty thích xem thông tin tại đây. Một điều đặc biệt nữa là những người đưa hình ảnh, clip hay trả lời những bình luận của khách hàng trên những kênh tiếp thị này không phải là người ở trụ sở chính của Viking, mà là người Indonesia, sống tại Indonesia, vốn là thị trường chính của Viking.
Một số doanh nghiệp đánh giá, giá trị của những nhà điều hành, tổ chức tour truyền thống đang giảm đi nhanh chóng vì những hiểu biết về điểm đến, nhu cầu khách hàng và cả lợi thế về giá bị cạnh tranh gay gắt bởi những kênh chuyên bán hàng trực tuyến hàng đầu của thế giới.
Để cạnh tranh, doanh nghiệp cần sáng tạo các trải nghiệm đặc biệt hoặc xây dựng nền tảng kỹ thuật số tốt hơn và đầu tư mạnh vào các dịch vụ có liên quan như khách sạn, tàu thuyền, hàng không... nhằm phát triển thành một công ty có thương hiệu lớn, cung cấp sản phẩm đa dạng thay vì chỉ là một nhà điều hành, nhà tổ chức tour truyền thống. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và khá mạo hiểm cho những doanh nghiệp chưa rành rẽ về thị trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, một số công ty, trong đó có Vietravel, đang đi từ việc cung cấp một vài dịch vụ thành nơi tạo ra nhiều dịch vụ trong chuỗi cung ứng gồm nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận chuyển, lữ hành... Việc chuyển đổi trở thành đơn vị có thể cung ứng số lượng lớn những dịch vụ này ra thị trường và lợi thế về nguồn khách sẽ đem lại lợi thế cho doanh nghiệp.
“Rõ ràng là công nghệ đang tạo sức ép rất lớn cho du lịch nhưng nếu chúng ta chủ động trong các khâu dịch vụ, giữ được thị trường nguồn thì không ngại”, ông nói và cho biết năm ngoái Vietravel có 912.000 khách hàng. Năm nay, công ty kỳ vọng lượng khách sẽ đạt hơn 1,1 triệu.
Đào Loan
Nguồn The Saigon Times