Cuộc chinh phục mới của Vinamilk
Cuối tháng 3 này Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ khánh thành trang trại bò sữa Tây Ninh lớn nhất nước. Thiết bị công nghệ ấn tượng của trang trại hiện có 8.000 con bò sữa này là dây chuyền cắt bắp ủ chua, công suất 2.000 tấn/ngày.
Vinamilk tự trồng bắp, thu hoạch non, ủ chua trong 25 ngày và sử dụng làm thức ăn cho bò suốt cả năm. Nhờ máy móc cơ giới hạng nặng, và áp dụng công nghệ cải tạo đất, trồng, thu hoạch bắp của Nhật nên năng suất bắp của công ty gấp ba lần của bà con nông dân trong vùng.
Sau trang trại Tây Ninh, Vinamilk đang tập trung nhân lực, nguồn lực tài chính cho dự án lớn khác tại cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng) bên Lào. Đây là liên doanh giữa các đối tác Lào - Nhật - Việt trên diện tích 5.000 héc ta, trong đó Vinamilk chiếm 51% vốn. Trang trại organic ở Lào dự kiến khánh thành vào dịp lễ 30-4-2019 với sự tham dự của một đoàn cựu chiến binh đã từng chiến đấu tại cánh đồng Chum.
Khí hậu cánh đồng Chum giống Đà Lạt, thích hợp với nuôi bò sữa, nhưng đất lại bạc màu. Vinamilk áp dụng công nghệ men vi sinh của Nhật làm đất trở thành đất đen màu mỡ, hệt như người Nhật từng áp dụng ở Hokkaido và biến Hokkaido thành một trong những trung tâm nông nghiệp của đất nước mặt trời mọc. Ở đây liên doanh của Vinamilk có chu trình sản xuất khép kín từ nhập bò đến cải tạo đất, trồng cỏ, bắp, chế biến thức ăn và nhà máy chế biến sữa. Liên doanh dự kiến nuôi cả bò thịt giống Nhật.
Chính phủ Lào đánh giá dự án liên doanh của Vinamilk là trọng điểm và sẵn sàng cấp thêm 5.000 héc ta đất nữa nếu cần thiết. Người Nhật có công nghệ và tiềm lực tài chính. Vinamilk cũng chẳng kém về tài chính với số tiền mặt thường trực hơn 10.000 tỉ đồng gửi sẵn ở ngân hàng. Hơn nữa, Vinamilk lại có tầm quản trị doanh nghiệp và tầm nhìn lâu dài cho tương lai. Liên doanh tại Lào, ngoài cung cấp sản phẩm cho thị trường Lào, còn được định hướng xuất sang Myanmar và Trung Quốc. Nếu Hiệp định Thương mại song phương Việt - Trung được ký kết trong tháng 4-2019, Vinamilk tự tin có thể xuất khẩu sản phẩm sang quốc gia đông dân nhất thế giới ngay sau đó. Công ty thậm chí đã tìm được nhà phân phối sản phẩm tại Trung Quốc và một cổ đông ngoại lớn của Vinamilk là Jardine có thể giúp công ty tận dụng mạng lưới bán lẻ của họ.
Cho đến nay sản phẩm sữa organic của Vinamilk vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa kể một số nhà nhập khẩu nước ngoài đang đề nghị được bao tiêu sữa organic của công ty. Trên nền tảng tiếp tục chiến lược gia tăng thị phần, mở các trang trại mới (như trang trại 150 héc ta ở Quảng Ngãi), cải tiến kỹ thuật chăm sóc để bò cho năng suất sữa tốt hơn, Vinamilk đang “tấn công” vào khâu hạ chi phí giá thành sản phẩm dựa vào nhập khẩu giống bò mới, làm ra thức ăn tại chỗ cho bò và tăng cường đa dạng hóa các sản phẩm, bao gồm nước trái cây tươi đóng hộp như nước dừa.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Vinamilk cho biết trong quí 1-2019 doanh thu của công ty tăng trưởng ở mức hai con số và tăng trưởng lợi nhuận cũng đang tịnh tiến đến hai con số. Từ tháng 12 năm ngoái, doanh thu + lợi nhuận của công ty đã lấy lại được đà bứt phá. Với tốc độ mới, thị phần của Vinamilk trên thị trường đã gần tiệm cận 50%.
Dường như mục tiêu nâng thị phần thêm 1 điểm phần trăm/năm đã trở nên “lạc hậu” khi mới đây Vinamilk chào mua công khai xấp xỉ 46,7% cổ phần của Công ty cổ phần GTNfoods để nắm giữ 49% (trước đó Vinamilk đã là cổ đông sở hữu hơn 2% cổ phần GTNfoods). GTNfoods có 51% quyền biểu quyết tại Công ty Sữa Mộc Châu - một trong những đơn vị có sản lượng sữa cao nhất ngành, và thị phần hiện tại đâu đó chừng 8-10%. Điểm yếu của Mộc Châu chính là kênh phân phối, tiếp thị và chưa thể tận dụng hết những điểm mạnh về khí hậu, quy mô đàn bò, chủ động khâu chế biến thức ăn cho bò bởi hạn chế về tài chính.
Bằng con đường M&A, Vinamilk có thể nhanh chóng mở rộng thị phần, đi tắt đón đầu trong củng cố vị trí dẫn đầu ngành. Phải thừa nhận việc thâu tóm GTNfoods là một lựa chọn không tồi khi, theo báo cáo tài chính quí 4-2018, GTNfoods có tới 1.137 tỉ đồng tiền mặt, không vay vốn ngân hàng và sở hữu tỷ lệ trên 70% cổ phần Tổng công ty Chăn nuôi Vilico, Tổng công ty Chè, 35% cổ phần Công ty Thực phẩm Lâm Đồng (trong đó có thương hiệu Vang Đà Lạt) và một số doanh nghiệp khác. Tái cấu trúc GTNfoods hoàn toàn trong tầm tay của Vinamilk. Giả sử Vinamilk chỉ giữ lại sữa Mộc Châu và tách nhỏ các doanh nghiệp của GTNfoods rồi đem bán, lợi nhuận không hề nhỏ.
Quan trọng hơn, về với Vinamilk, sữa Mộc Châu sẽ được sử dụng kênh phân phối rộng khắp nước của Vinamilk, đồng thời việc mở rộng quy mô sẽ không còn là vấn đề. Quản trị doanh nghiệp, tiền bạc giàu có của Vinamilk sẽ hỗ trợ Mộc Châu phát triển nhanh và mạnh.
Giới tài chính hiểu rõ rằng tầm cỡ như Vinamilk không thể nào chỉ dừng lại việc sở hữu GTNfoods ở mức 49%. Con số tối thiểu phải 65%.
Thông tin mới nhất là Chính phủ đã đồng ý giao Nông trường Sông Hậu cho Vinamilk tái cơ cấu, bao gồm trả cả khoản nợ của nông trường. Năm nay là năm Vinamilk vào nhịp bứt phá để tăng tốc từ năm 2020 trở đi.
Hải Lý
Nguồn The Saigon Times