Ánh sáng le lói cho Vinasun
Vụ kiện giữa Vinasun và Grab chưa mang lại kết quả như Vinasun mong muốn, nhưng sau nhiều nỗ lực đổi mới, ánh sáng đã bắt đầu le lói cho Vinasun.
Kinh doanh tụt dốc
Trước sự chen chân của hãng taxi Công nghệ, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun; HoSE:VNS), vua “taxi truyền thống” một thời, đã có năm thứ 4 liên tiếp kinh doanh không thành công. Trong suốt 4 năm qua, doanh thu và lợi nhuận của Vinasun liên tục giảm. Nguồn thu chính của hãng này đến từ hoạt động thanh lý xe cũ.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu trong năm của Vinasun chỉ đạt 2.073 tỉ đồng, giảm gần 30%% so với thực hiện 2017. Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách bằng taxi chỉ đạt 890 tỉ đồng, giảm 57% so với năm 2017. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm 4,8%, nguyên nhân chủ yếu đến từ giá nhiên liệu tăng mạnh.
Theo giải trình từ Vinasun, giá xăng, dầu tăng khiến chi phí nhiên liệu tăng theo, làm tăng giá vốn của các hãng vận tải, trong đó có Vinasun. Tuy nhiên, hãng này không thể điều chỉnh giá cước xe vì thủ tục rườm rà và sẽ ảnh hưởng đến tình hình cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ.
Doanh thu từ cho thuê xe năm 2018 tăng gấp 1,5 lần 2017, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho những khoản kinh doanh khác sụt giảm. Cụ thể, hoạt động thanh lý xe cũ năm 2018 chỉ bằng 25% của năm 2017 nên lợi nhuận trước thuế của Vinasun chỉ đạt 115,2 tỉ đồng, giảm 53% so với 2017 là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Việc quá phụ thuộc vào hoạt động thanh lý xe nói lên khó khăn của công ty.
Nhìn lại thị trường taxi truyền thống. Không chỉ có Vinasun mà hầu hết các hãng taxi truyền thống ngày càng khó khăn hơn vì không thể cạnh tranh được với hãng taxi công nghệ. Trước đó, Tập đoàn Mai Linh Group cũng đối mặt với nhiều khó khăn và dần thu hẹp kinh doanh vận tải tại khu vực miền Tây Nam Bộ vì thua lỗ. Gần nhất, Tập đoàn Mai Linh đã phải hợp nhất các công ty con để duy trì hoạt động kinh doanh và trả nợ. Taxi Hoàng Long cũng mất hút trên thị trường su một thời gian thu hẹp kinh doanh và sống lay lắt.
Ánh sáng le lói
Dù vậy, cũng chính trong năm 2018, tình hình kinh doanh của Vinasun cho thấy những dấu hiệu thay đổi. Nếu trong nửa đầu năm 2018, lợi nhuận của công ty còn khá ì ạch thì đến nửa cuối 2018, chỉ tiêu này đã được cải thiện rõ rệt. Bắt đầu từ đầu quý II.2018, doanh thu và lợi nhuận của VNS hồi phục dần. Đặc biệt, trong quý III và quý IV lợi nhuận sau thuế đã quay trở lại trên mức 30 tỉ đồng, gần gấp 3 lần so với Quý I và quý II. Khá trùng hợp là đà hồi phục của Vinasun cũng đến trùng với thời điểm Uber rút khỏi thị trường Việt Nam từ đầu tháng 4.2018.
VNS cũng có nhiều thay đổi để theo kịp các ứng dụng công nghệ với việc đầu tư app (ra mắt năm 2015), khách hàng có thể xem trước giá cước và chọn loại xe trước khi đặt.
Bên cạnh đó, Vinasun cũng áp dụng mô hình khoán xe. Với mô hình này, lái xe nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định theo ngày. Tài xế chịu các chi phí khác liên quan đến xe.
Ngoài ra, VNS cũng đã thực hiện việc thương quyền cho các tài xế sở hữu ô tô riêng giống như Grab/Uber. VNS sẽ thu phí thương quyền theo năm một. Và tài xế cũng sẽ trả một tỷ lệ doanh thu hằng ngày cho hãng.
Giới phân tích đánh giá Vinasun vốn sở hữu nhiều lợi thế, từ giá trị thương hiệu, cơ cấu tài chính lành mạnh, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn dương ở mức cao (gần 490 tỉ đồng khi kết thúc năm 2018), cùng với đó đến kinh nghiệm tích lũy nhiều năm về vận hành, quản lý và dịch vụ khách hàng. Đây là điều mà các hãng mới không dễ gì có được để có thể xây dựng một mô hình kinh doanh kết hợp được ưu điểm của cả yếu tố truyền thống và hiện đại.
Sơn Mai
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư