FastGo sẽ đi đến đâu?
Công ty Cổ phần FastGo Việt Nam vừa được kiến nghị cho tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại TP.HCM.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải với nội dung kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho Công ty Cổ phần FastGo Việt Nam tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, mô hình này nhằm khuyến khích nhiều đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng; tránh sự độc quyền đối với hoạt động này, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và góp phần hạ giá thành vận tải.
Được biết, FastGo là ứng dụng gọi xe của Việt Nam, một trong các thương hiệu thuộc NextTech Group of Technopreneurs, hệ sinh thái điện tử hoá kinh tế hàng đầu Việt Nam với hơn 20 sản phẩm dịch vụ công nghệ trong lĩnh vực Thương mại Điện tử, Công nghệ tài chính (Fintech) và Hậu cần kho vận.
Chia sẻ về thị trường gọi xe công nghệ hiện nay, ông Phan Bá Mạnh – CEO Startup hỗ trợ xe khách liên tỉnh An Vui nhìn nhận, thị trường này hiện đang cạnh tranh bằng tiền, chưa cạnh tranh được bằng chất lượng dịch vụ.
Theo phân tích của vị CEO từng nung nấu ý định nhảy vào thị trường làm App gọi xe, trong cạnh tranh, có 2 chiến lược rõ ràng: cạnh tranh bằng giá, hoặc khác biệt hóa sản phẩm - dịch vụ. Hiện một tài xế thường cài cả 3 - 4 ứng dụng gọi xe. Các “ông” tài xế của Grab , FastGo, Aber, Go-Viet… bản chất là một người. Xe như nhau, tài xế như nhau. Ai dám nói chất lượng phục vụ của hãng xe công nghệ này tốt hơn hãng khác? Hãng nào cũng nói chất lượng của mình tốt, nhưng bản chất là không thể kiểm soát được chất lượng dịch vụ đó, vì tài xế không phải của họ", ông Mạnh tỏ ra băn khoăn.
Và khi không thể cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, câu chuyện cạnh tranh chỉ xoay quanh chuyện giá. Khi sự thuận tiện lúc gọi xe là ngang nhau, hành khách sẽ chỉ còn quan tâm và lựa chọn hãng có cước phí rẻ hơn. Trong câu chuyện giành khách đó, cũng không còn có chuyện khách hàng trung thành và ông khách này là của ai.
Bởi một khách hàng cũng thường lựa chọn 2-3 App gọi xe, khi có nhu cầu thì hãng nào rẻ và thuận tiện họ đi. Và nếu tính thị phần theo lượt download ứng dụng thì khách hàng của FastGo về bản chất cũng có thể là khách hàng của Go-Viet. Khi câu chuyện chỉ xoay quanh giá rẻ, thì chuyện thị phần cũng chỉ mang tính chất tương đối và tạm thời, bởi bản chất cứ hãng nào giá lập tức sẽ hút được khách là nâng được thị phần. “Và trong cuộc đua đốt tiền của taxi và xe ôm công nghệ, hễ doanh nghiệp nào tính thu hồi lợi nhuận lại có đối thủ nhảy vào", ông Mạnh chia sẻ.
Quả thực, thị trường ứng dụng cung cấp dịch vụ đặt xe hiện nay đang rất khắc nghiệt ở chỗ, nếu thiếu tiền để làm mạnh khuyến mãi thu hút khách hàng, thì chỉ cần tính bằng tháng, ứng dụng sẽ bị nhấn chìm bởi những "ông lớn". Những “ông lớn” như Grab, Go-Jek, Go-Viet chả dại gì mà không dùng khoản ngân sách lớn sẵn có để đè bẹp những ứng dụng như FastGo. Cứ nhìn vào những khoản lỗ của Grab và Uber tại thị trường Việt Nam những năm qua thì rõ. Với FastGo, nếu không đủ nhanh trong phát triển kinh doanh với việc cung cấp dịch vụ an toàn, chất lượng, giá tốt thu hút nhanh được nhiều người dùng để từ đó làm đòn bảy gọi vốn lớn thì rất dễ đi vào số phận "biến mất" như Mai Linh Bike, hay ì ạch như VATO hiện nay.
Nguyễn Việt
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp