Muốn thắng đại gia AB Inbev, các DN bia Việt phải biết "quên"...
Nếu các công ty bia Việt muốn chiến thắng AB Inbev thì phải quên đi việc họ đang ở sân nhà, đang là vua ở phân khúc bình dân.
Các hãng bia nội đều nằm ở phân khúc bình dân
Ngay sau khi nghe tin hãng bia số 1 thế giới AB Inbev vào Việt Nam, không ít các nhà hoạch định chiến lược đã xem nhẹ “ông lớn” này bằng việc nhìn vào sự thất bại của bia Foster và Laser hay Cool Light khi gia nhập thị trường VN mà quên đi một điều rằng, những thương hiệu này đều do một tập đoàn nào đó ở VN mua về hoặc hợp tác làm liên doanh.
Trong khi đó, nhìn vào bộ mặt thực tế của Sapporo khi vào Việt Nam, với một chiến lược và quản trị hoàn hảo mà họ áp dụng trên toàn thế giới, sự thành công tất yếu đã đến.
“Lợi thế của các công ty bia Việt đó là sự có mặt lâu đời và đã đi vào tiềm thức của người dân VN, giúp các công ty này có được chỗ đứng và đánh bại những đối thủ yếu kém. Còn với những tên tuổi tầm cỡ như Heiniken hay Sapporo thì vẫn luôn là một thách thức đối các công ty bia Việt. Nếu các hãng bia Việt không thay đổi thì họ sẽ trở nên thua thiệt” – ông Nguyễn, chuyên gia marketing nhận định.
Theo ông Nguyễn, nếu muốn chiến thắng các đối thủ ngoại, các công ty Việt phải biết mình đang đứng ở vị trí nào trong thị trường bia VN. Hiện tại, tất cả các hãng bia Việt đều đang nằm ở phân khúc bia bình dân. Điều này phù hợp với túi tiền và nhu cầu của đa phần người dân Việt Nam có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, một thực tế được đặt ra là: nếu những hãng bia như Heiniken hay Sapporo bán rẻ gần bằng bia Việt thì người tiêu dùng có thể sẽ sẵn sàng móc hầu bao ra để uống bia ngoại thay vì bia nội, vì chất lượng của bia ngoại luôn được đưa lên hàng đầu.
Liệu có thắng được bia ngoại?
Nhìn vào toàn cảnh ngành bia Việt Nam, có thể thấy, không có một công ty VN nào đang đứng trong phân khúc bia cao cấp.
Lý giải cho điều này, một chuyên gia trong ngành bia – rượu, nước giải khát giải thích: Nếu bước lên phân khúc cao cấp, chắc chắn bia Việt sẽ bị các đối thủ ngoại chèn ép cũng giống như cái cách mà các công ty bia Việt đang chèn ép nhau ở phân khúc bình dân.
Vì vậy, “các công ty bia Việt phải hợp tác với nhau để đối phó với các công ty bia ngoại thay vì tìm cách đấu đá giành thị phần, để rồi khi nhìn lại thì các công ty ngoại đã lấy mất thành quả bao năm của mình mà không hề hay biết” – vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Thêm vào đó, nếu các công ty bia Việt muốn chiến thắng các tập đoàn lừng lẫy như AB Inbev, họ phải quên đi việc họ đang ở sân nhà, quên đi việc mình đang vua ở phân khúc bình dân. Vì tương lai không xa các hãng bia ngoại sẽ tấn công xuống phân khúc thấp hơn, khi đó khả năng các thương hiệu Việt chịu sự lép vế được coi là một hệ quả tất yếu.
“Các công ty Việt nên giữ lại văn hóa nhưng thay đổi để thích nghi hơn. Nhiều sản phẩm của các hãng, tôi thấy hơn chục năm nay chẳng thay đổi điều gì, thậm chí chất lượng còn xuống dốc tồi tệ hơn. Hãy nhìn vào điển hình Heiniken để làm một bài học. Họ luôn thay đổi để làm mới mình trong mắt người tiêu dùng. Và cái họ đạt được là lợi nhuận của họ cao hơn Sabeco công ty đang nắm 47,50% thị trường bia VN. Điều này đủ nói lên cách kiếm tiền của các thương hiệu ngoại như thế nào” – CEO một công ty đồ uống của Việt Nam nhận xét.
Theo vị CEO này thì: Trước mối nguy của sự cạnh tranh khốc liệt khi “người khổng lồ” AB Inbev vào VN, các công ty Việt phải ngay lập tức thay đổi cách quản lý và chiến lược kinh doanh để phù hợp hơn với tình hình hiện tại mà công ty Bia Việt đang gặp phải.
Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Viện Quản lý VN cũng chia sẻ: “Thị trường bia Việt Nam đã ở trong tầm ngắm của AB Inbev từ ít nhất năm năm trước. Chắc chắn, các ngành khác cũng đã có những ông lớn quan sát và chuẩn bị nhảy vào bởi thị trường VN hấp dẫn và đầy tiềm năng”.
Ông Tuấn Anh cho rằng: “Yếu tố thành công bền vững nhất của doanh nghiệp Việt Nam đó chính là hãy chuẩn bị cạnh tranh với những ông lớn trước rất lâu khi họ gia nhập thị trường nước ta”.