Sữa Vinamilk ‘thâu tóm’ sữa Mộc Châu?
Kịch bản 2 dòng sữa Việt về chung một nhà đang trở thành hiện thực, khi Vinamilk vừa tuyên bố sẽ mua lại cổ phần sở hữu "ông chủ" của sữa Mộc Châu.
Sữa Vinamilk (mã chứng khoán VNM) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước về việc chào mua công khai cổ phần GTN Foods (mã GTN).
Cụ thể, công ty sữa chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam này sẽ chào mua tối đa 46,68% cổ phần GTN, tương ứng 116,71 triệu cổ phần đang lưu hành của công ty, với giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Tính theo mức giá này, Vinamilk sẽ chi ra 1.517 tỉ đồng.
Trước khi diễn ra thương vụ này, GTN đã có một chuỗi những phiên tăng trần ấn tượng. Kết thúc phiên giao dịch sáng 13.3, thị giá GTN đạt 16.250 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 60% so với đầu năm.
Tên tuổi của GTN trong ngành nông nghiệp, hàng tiêu dùng không còn xa lạ. Công ty đã mua và nắm được quyền kiểm soát nhiều doanh nghiệp tiềm năng: nắm giữ gần 75% cổ phần Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Vilico tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu là 51%. Ngoài ra, GTN còn nắm giữ 95% cổ phần Tổng Công ty chè Việt Nam; 35% cổ phần LadoFoods (thương hiệu Vang Đà Lạt)…
Năm 2018, GTN đẩy mạnh mảng kinh doanh sữa, tăng chi phí đầu tư xây dựng hệ thống phân phối, tăng chi phí chiết khấu, marketing, quảng cáo và khuyến mại để phát triển, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, khoản chi phí dự phòng tăng cao do GTNFoods trích lập một số khoản phải thu và hàng tồn kho chưa thống nhất trong kết quả bàn giao vốn nhà nước của Tổng Công ty Chè Việt Nam - CTCP (công ty con).
Từ đó, kết quả kinh doanh ghi nhận chi phí phát sinh lớn, lợi nhuận công ty còn 104 tỉ đồng, giảm 31,5% so với năm 2017.
Trong khi đó, Vinamilk là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam với thị phần sữa nước năm 2018 vào khoảng 55%. Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc, hơn 30% thị phần trong ngành hàng sữa bột. Trong năm 2018, doanh thu Vinamilk đạt hơn 52.562 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 10.227 tỉ đồng.
Về cơ cấu doanh thu, doanh thu nội địa tăng gần 1.175 tỉ đồng lên 44.747 tỉ đồng trong khi doanh thu từ nước ngoài cũng tăng thêm 346 tỉ đạt 7.815 tỉ đồng.
Về kết quả kinh doanh sữa Vinamilk, tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của VNM tăng 8% lên mức 37.366 tỉ đồng, trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn ở mức trên 10.000 tỉ đồng. Vay nợ ngắn hạn gấp 4 lần đầu năm lên 1.060 tỉ đồng, tuy nhiên, tổng vay nợ chỉ 1.276 tỉ đồng chiếm tỷ trọng nhỏ so với tài sản. Công ty có 7.155 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Anh Vũ
Nguồn Thanh Niên