Những bước đi mới của Thế giới Di động
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) có những những động thái mới nhằm giải quyết thách thức duy trì đà tăng trưởng của công ty.
Vừa qua, chuỗi thegioididong.com đã chính thức bổ sung thêm sản phẩm đồng hồ vào hệ thống của mình. Trên website chính thức của chuỗi Thế giới Di động có niêm yết loạt mẫu đồng hồ của các nhiều hãng.
Trước Thế giới Di động, cũng có nhiều công ty Việt Nam tham gia vào cuộc đua phân phối đồng hồ tại Việt Nam bao gồm: CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ), hay Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji.
Theo số liệu mà PNJ cung cấp tại Đại hội cổ đông năm 2018, thị trường đồng hồ Việt Nam có giá trị khoảng 17.000 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC; HoSE: VDS) nhận thị trường đồng hồ hiện tại lại rất phân mảnh và không rõ nguồn gốc sản phẩm. Chỉ có một số ít cửa hàng bán lẻ và trung tâm bảo hành được ủy quyền từ các hãng đồng hồ.
Các nhà phân tích của công ty chứng khoán này cũng nhận định thị trường phân phối đồng hồ tiềm năng nhưng không dễ để tham gia, bởi đây vẫn được xem là mặt hàng xa xỉ. Nhu cầu về mặt hàng này rất lớn nhưng không phải tất cả đều dành cho đồng hồ chính hãng. Các loại đồng hồ chính hãng thường có giá bán khá cao so với mức đa số người Việt sẵn sàng chi trả.
Theo như trả lời của ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO MWG - với báo giới, công ty hiện tập trung nhiều hơn vào nhóm đồng hồ giá 2-3 triệu đồng.
Ngoài ra, theo Tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của MWG vừa được công bố, công ty cũng trình mục tiêu kinh doanh năm 2019 đạt doanh thu 108.468 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.571 tỉ đồng.
Theo kế hoạch này, doanh thu của Thế giới Di động phải đạt mức tăng trưởng 25% còn lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng 24% so với năm ngoái mới đạt chỉ tiêu. Năm 2018, Thế giới Di động đạt doanh thu 86.516 tỉ đồng và lợi nhuận 2.880 tỉ đồng.
Hoạt động bán lẻ sản phẩm điện thoại, điện máy vẫn là nguồn đóng góp doanh thu và lợi nhuận của chủ cho Thế giới Di động. Trong đó, ngành hàng điện máy đóng vai trò là nguồn tăng trưởng chính, với mục tiêu hướng đến 40% thị phần ngành. Công ty cũng muốn tiếp tục duy trì thị phần dẫn đầu và mức tăng trưởng tích cực so với thị trường điện thoại.
Liên quan đến chuỗi Bách hóa Xanh, trong năm 2019, MWG sẽ sẽ xây dựng nền móng quan trọng nhằm đảm bảo cho chuỗi Bách hóa Xanh nhân rộng mạnh mẽ trên toàn quốc. Mục tiêu đề ra là cuối 2019, Bách hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, tức là bù đắp hoàn toàn được các chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối.
MWG cũng khẳng định dù đóng góp giá trị trong tổng doanh thu chưa lớn nhưng ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng được kì vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thông qua việc hoàn tất chuyển đổi 100% cửa hàng hiện tại thành cửa hàng tiêu chuẩn. Tăng tốc mở rộng chuỗi Bách hóa Xanh phía Nam, dự kiến vận hành hơn 700 cửa hàng vào cuối 2019.
Ngoài ra, HĐQT Thế giới Di động sẽ trình cổ đông thông qua việc bầu ông Đào Thế Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate), vào vị trí Thành viên HĐQT độc lập. Golden Gate là công ty hàng đầu về chuỗi nhà hàng ăn uống như Vuvuzela, Gogi, Kichi Kichi... Điều này làm giấy lên suy đoán của giới phần tích rằng hệ thống chuỗi nhà hàng của Golden Gate có thể là khách hàng của Bách hóa Xanh.
Bình Minh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư