Nội địa hóa ô tô để cạnh tranh
Đã hơn 20 năm xây dựng ngành công nghiệp ô tô, nhưng đến nay tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn rất thấp. Để tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh thuế suất nội khối ASEAN đã về 0%, các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung cho vấn đề nội địa hóa sản phẩm.
Chưa đạt kỳ vọng
Theo Bộ Công Thương, mặc dù đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2002, 60% vào năm 2010 nhưng đến nay, tỷ lê này mới chỉ đạt từ 7 - 10%. Tại một số doanh nghiệp, tỷ lệ nội địa có cao hơn mức bình quân nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước. Chẳng hạn, tại Trường Hải (Thaco), tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37%, trong khi mức trung bình trong khu vực là 55 - 60% và Thái Lan là 80%.
Không chỉ vậy, các sản phẩm được doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đều mang hàm lượng công nghệ thấp như săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, dây điện, ắc quy, các chi tiết nhựa. Hiện có đến 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao phải nhập khẩu. Hằng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Toru Kinoshita - Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho biết: "Lúc đầu, Công ty gặp nhiều khó khăn khi muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa do thị trường ô tô lúc đó quá nhỏ, chỉ vài ngàn xe mỗi năm nhưng có tới 10 nhà sản xuất với 20 nhãn hiệu. Để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, Công ty đã thuyết phục một số doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện của Nhật vào Việt Nam đầu tư. Khó khăn lớn nhất mà Toyota gặp phải khi nội địa hóa sản phẩm là quy mô thị trường còn nhỏ nên chi phí sản xuất cao và chênh lệch nhiều về giá so với các nước trong khu vực, đặc biệt là thuế nhâp khẩu từ các nước ASEAN về Việt Nam là 0% kể từ đầu năm 2018.
Lãnh đạo ngành công thương cũng thừa nhận quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện còn quá nhỏ. Cụ thể, Việt Nam đứng vị trí cuối trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và bằng 1/14 của Indonesia.
Ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Thaco cho rằng, hiện nay nội địa hóa vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp ngành ô tô. Các doanh nghiệp cần bí quyết công nghệ và sản lượng lớn trong khi thị trường Việt Nam còn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới có thể làm chủ công nghệ, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Chỉ có tăng tỷ lệ nội địa hóa doanh nghiệp mới chủ động được nguồn cung ứng vật tư, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất và gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tăng năng lực sản xuất
Trong bối cảnh thuế suất nhập khẩu ô tô khu vực ASEAN đã về 0%, việc tăng năng lực sản xuất, đặc biệt là tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% để hưởng thuế xuất 0%, gia tăng xuất khẩu (theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA mà Việt Nam là thành viên) là con đường tất yếu để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo ông Toru Kinoshita, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa luôn là ưu tiên hàng đầu của Công ty Toyota Việt Nam trong định hướng phát triển lâu dài. Đến nay, Toyota đã trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ nội địa cao nhất Việt Nam hiện nay.
Cụ thể, đối với mẫu xe Vios, số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng. Hiện đã có 33 nhà cung cấp với trên 400 sản phẩm, trong đó có 5 nhà cung cấp Việt Nam.
Đặt mục tiêu nội địa hóa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu từ rất sớm, bên cạnh các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, từ nhiều năm trước, Thaco đã xây dựng cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ tại khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải thành trung tâm cơ khí - ô tô và công nghiệp hỗ trợ mang tầm khu vực.
Hiện nay, khu phức hợp Thaco có 5 nhà máy lắp ráp ô tô và 15 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, linh kiện cơ khí với các dây chuyền thiết bị hiện đại chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh việc nâng cấp nhà máy hiện hữu, Thaco tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tải, nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á, dây chuyền tự động hóa hoàn toàn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của Mazda Nhật Bản.
Doanh nghiệp này cũng tiếp tục đầu tư để gia tăng hàm lượng sản phẩm sản xuất ô tô trong nước bằng cách phát triển nhà máy linh kiện nhựa, nhà máy sản xuất máy lạnh xe tải, ống xả, mâm. Thaco cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển sang sản xuất công nghiệp, mời gọi đầu tư vào khu phức hợp, liên doanh, liên kết với các đối tác có công nghệ phù hợp để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Mới đầu tư sản xuất và chưa có sản phẩm ra thị trường nhưng VinFast - công ty con của Vingroup cũng công bố tập trung cho vấn đề nội địa hóa sản phẩm. Tại tổ hợp sản xuất ở Hải Phòng, Vinfast đã xây dựng nhà máy sản xuất thân vỏ xe và nội địa hóa gần như toàn bộ việc dập và hàn.
Với sự phát triển của nền kinh tế cùng nhu cầu tiêu dùng đang tăng cao, hy vọng thị trường ô tô Việt Nam sẽ bứt phá trong thời gian tới. Theo dự báo của ngành công thương, đến năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.000 USD và đây sẽ là thời kỳ bùng nổ nhu cầu xe hơi. Và đến năm 2025, nhu cầu xe hơi sẽ đạt khoảng 600.000 chiếc/năm. Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì đến năm 2025 có thể giảm được 3 - 7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu, và như vậy sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện cán cân thương mại.
Trong quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ô tô sẽ là ngành quan trọng của đất nước. Đến năm 2020, phải hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô với sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa.