Intel và thách thức của tân CEO
Ngày 2/5, cái tên Brian M. Krzanich đã được xướng lên. Đó là người được Hội đồng Quản trị Intel lựa chọn cho vị trí Tổng Giám đốc của hãng sản xuất chip số 1 thế giới.
Thay đổi “cầm chừng”?
Krzanich đã làm việc tại Intel 31 năm. Ông gia nhập Intel ngay sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1982 với vị trí kỹ sư. Kể từ đó, ông giữ nhiều chức vụ liên quan đến kỹ thuật như: quản lý sản xuất, quản lý nhà máy và đứng đầu khâu kiểm tra dây chuyền lắp ráp. Hội đồng quản trị Intel cho rằng, chọn một người trong nội bộ làm CEO sẽ có thể nhanh chóng tạo ra những thay đổi vì không phải mất giai đoạn tìm hiểu quy trình tại Intel. Trong khi đó, Krzanich được xem là người sở hữu các kỹ năng lãnh đạo tốt và đã quen điều hành các cơ sở sản xuất của tập đoàn, vốn chiếm phần lớn lực lượng lao động của Intel. Hơn nữa, kể từ khi trở thành COO, ông đã theo dõi, giám sát các bộ phận khác như nguồn nhân lực và bộ phận kinh doanh.
Với cách chọn người trong nội bộ làm CEO, một số chuyên gia phân tích cho rằng, Intel đang chuyển tải thông điệp rằng, tập đoàn không có ý định thực hiện những thay đổi mang tính triệt để. Có lẽ cũng cảm thấy như vậy nên các nhà đầu tư đã tỏ ra không mấy hào hứng. Có thể thấy giá cổ phiếu của Intel đã không có biến động gì sau khi thông tin bổ nhiệm Krzanich được công bố.
Tuy nhiên, với những thách thức Intel đang phải đối mặt, Krzanich sẽ phải thực hiện một số thay đổi lớn nếu muốn giữ vị trí thống trị của Intel trong ngành công nghệ thế giới. Hiện tại, Intel vẫn là ông vua của chip dành cho máy tính cá nhân (PC). Nhưng lượng PC bán ra đang sụt giảm nghiêm trọng do sự bành trướng mạnh của máy tính bảng, điện thoại thông minh, kéo theo là nhu cầu chip PC cũng giảm xuống.
Trong khi đó, chip cho PC là mảng đem lại nguồn thu chính cho tập đoàn. Năm ngoái, gần 2/3 trong tổng số 53 tỉ USD doanh thu của Intel là đến từ sản xuất chip cho PC, một thị trường mà chính ông Krzanich cũng thừa nhận là “không hề tăng trưởng”. Phần lớn trong số 1/3 doanh thu còn lại của Intel đến từ chip cho máy chủ, một lĩnh vực Intel vẫn còn là kẻ thống trị trên thị trường.
Tuy nhiên, ngay tại lĩnh vực này, Intel cũng đang gặp nhiều sóng gió. Các đối tác phần cứng của Intel đã bắt đầu thiết kế các máy chủ sử dụng chip dựa trên công nghệ chip tiết kiệm năng lượng của ARM Holdings (Anh). Krzanich phải giữ được thị phần trước sự cạnh tranh của các đối thủ mới trong khi vẫn phải đảm bảo không hy sinh biên lợi nhuận.
Thách thức lớn
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Krzanich, theo như đánh giá của chuyên gia phân tích Pat Moorhead của Moor Insights & Strategy, vẫn là “phải tấn công được vào thị trường di động”, một thị trường mà Intel là kẻ đến sau. Phải 6 năm sau khi Apple tung ra chiếc iPhone và thay đổi cả bức tranh của ngành máy tính thì Intel mới bắt đầu tìm đường vào lĩnh vực này. Mặc dù Intel, dưới thời của CEO Paul Otellini, đã có những bước tiến lớn trong việc mở đường đưa chip Intel vào điện thoại thông minh và máy tính bảng (trong đó có thương vụ hợp tác với Motorola), nhưng tập đoàn vẫn bị đe dọa bởi nhà thiết kế chip Anh ARM.
Hiện tại, các thiết kế có cấp bản quyền của ARM đang có mặt trên 95% thiết bị di động trên thế giới. Qualcomm và các nhà sản xuất chip khác đều sản xuất chip sử dụng công nghệ chip tiết kiệm năng lượng của ARM. Thậm chí, mối quan hệ hợp tác 3 thập kỷ với “người bạn chí cốt” Microsoft cũng phai nhạt khi Microsoft đã tạo ra một phiên bản Windows mới sử dụng công nghệ chip của ARM. Microsoft cũng đang làm việc với các nhà sản xuất chip khác để sản xuất thiết bị điều khiển video game và máy tính bảng của mình.
Thách thức lớn nhất của Intel là phải tấn công được vào thị trường di động, một thị trường mà Intel là kẻ đến sau
Ưu tiên của tân CEO
Krzanich sẽ làm gì để đưa Intel vượt qua tất cả những thách thức này? Câu trả lời là đến cuối năm nay, Krzanich mới đưa một kế hoạch chi tiết cụ thể về đường hướng phát triển của Intel, nên trước mắt chưa thể trông đợi gì nhiều. Tuy nhiên, theo dự đoán của giới phân tích, có thể Intel sẽ không từ bỏ lĩnh vực PC và máy chủ, vốn là thế mạnh của mình. Nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Intel sẽ tập trung nhiều hơn nữa vào mảng sản xuất, vốn là sở trường của ông. Hiện tại, các cơ sở sản xuất của Intel đang đóng vai trò là “xưởng đúc” cho một số nhà thiết kế chip nhỏ hơn như Altera và Microsemi.
Theo giới phân tích, sản xuất chip di động được thiết kế bởi các công ty khác, thậm chí là những công ty sử dụng công nghệ chip của ARM, có thể sẽ giúp các nhà máy của Intel hoạt động ổn định và tạo ra nguồn tiền mới. Chuyên gia phân tích Chris Danely của JP Morgan ước tính, ngành sản xuất chip của Intel có thể tạo ra tới 4,2 tỉ USD doanh thu hằng năm vào năm 2017, bù đắp cho việc mất doanh thu từ mảng PC.
Ngoài mảng sản xuất, một ưu tiên hàng đầu và trước mắt của Krzanich sẽ là tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra trong lĩnh vực di động và Intel cần phải làm gì để thực sự thành công trên thị trường đó. Intel đã đưa được chip của mình vào một số mẫu điện thoại, nhưng đến nay chip của tập đoàn vẫn chưa xuất hiện được trên một thương hiệu điện thoại lớn nào và lượng bán ra thì vẫn còn thấp.
Hôm 6/5, Intel đã tung ra một phiên bản mới của chip di động Atom, được thiết kế lại gần như hoàn toàn. Vi kiến trúc (microarchitecture) này có tên gọi là Silvermont dành cho thiết bị di động, các máy chủ cỡ nhỏ có mức tiêu thụ điện năng thấp, thích hợp cho các trung tâm dữ liệu hoặc các ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây. Theo thông tin từ Intel, chip mới có hiệu quả hoạt động gấp 3 lần các con chip hiện có và có thể tiết kiệm điện năng tiêu thụ tới 5 lần.
Với chip di động mới, Intel hy vọng có thể sẽ tạo một sự đột phá trên thị trường máy tính bảng và điện thoại thông minh. Năm 2008, Intel đã từng giới thiệu chip di động Atom cho netbook, nhưng cho đến nay con chip này vẫn không được sử dụng rộng rãi trong máy tính bảng, điện thoại thông minh, bất chấp những nỗ lực cải tiến sau đó của Intel. Vì thế, nếu thành công, đây sẽ là bước đầu rất thuận lợi cho Krzanich.