Kỳ lân tham chiến giao đồ ăn

Cuộc đua song mã giữa Grab và Now (Sea) trong lĩnh vực giao đồ ăn ở Việt Nam được cho là sẽ thêm phần thú vị trong thời gian tới khi xuất hiện thêm tay đua mới đến từ Hàn Quốc.

Woowa Brothers, công ty hiện được định giá hơn 2,6 tỉ USD là doanh nghiệp mới nhất gia nhập thị trường gọi đồ ăn ở Việt Nam thông qua việc thâu tóm website đặt món trực tuyến Vietnammm.

Kỳ lân muốn miếng bánh 38 triệu USD

Gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 2.2012, Vietnammm.com được xem là doanh nghiệp tiên phong trong thị trường gọi món trực tuyến trên website. Với số lượng người sử dụng internet chiếm hơn 30% dân số, đa phần là giới trẻ, Vietnammm.com nhanh chóng đạt được tốc độ tăng trưởng đủ ấn tượng để trở thành đối tác của Takeaway.com, trang web nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực đặt món trực tuyến ở khu vực châu Á chỉ hơn một năm sau đó.

Sức hút của thị trường Việt Nam cũng kéo theo một số doanh nghiệp tham gia như Foodpanda.vn của Rocket Internet và chonmon.vn của VCCorp vào năm 2012. Trước đó, VCCorp đã mua lại Eat.vn, một trang web đặt món được thành lập vào năm 2011. Thị trường chính của các doanh nghiệp này chủ yếu là khách nước ngoài sinh sống ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Kỳ lân tham chiến giao đồ ănTrước khi được Woowa Brothers mua lại, doanh thu của Vietnammm chủ yếu đến từ mỗi đơn hàng được đặt trên webstie này, với tỉ lệ từ 15-20% giá trị đơn hàng.

Công ty không có ý định xây dựng đội ngũ giao nhận riêng vì chi phí vận hành đội ngũ giao nhận quá cao. Bài học của Foodpanda.vn là minh chứng rõ ràng nhất, việc xây dựng một đội ngũ giao nhận riêng khoảng 100 người cho khu vực ở Hà Nội và TP.HCM tiêu tốn của đơn vị này hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Không lâu sau đó, Foodpanda đã phải bán lại cho Vietnammm vì gánh nặng chi phí. Để giải quyết bài toán giao nhận, Vietnammm sử dụng đối tác thứ 3 là Ahamove (Scommerce). Giá trị thương vụ cho đến nay không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng là không cao vì các mô hình đặt món trực tuyến đang bị lấn áp mạnh bởi Grab và Foody, vốn đang cung cấp luôn cả dịch vụ giao nhận trong sản phẩm của mình.

Năm 2015, khi chưa có các đơn vị như Grab hay Now, ông Jochem Lisser, Tổng Giám đốc Vietnamm, cho biết, website nhận khoảng 30.000 đơn hàng/tháng. Số liệu chưa kiểm chứng hiện nay của Vietnamm vào khoảng 45.000 đơn hàng/tháng.

Về phần mình, Woowa Brothers đang sở hữu nền tảng giao thức ăn có tên Baedal Minjok ở Hàn Quốc. Việc mua lại Vietnammm vừa ghép vào mảnh dịch vụ còn thiếu của đơn vị này ở Việt Nam, vừa tiết kiệm thời gian cho Woowa Brothers trong việc tiếp cận thị trường nhờ lượng khách hàng sẵn có của Vietnammm.

Không chỉ là cuộc chiến giao đồ ăn

Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Euromonitor, thị trường giao thức ăn là điểm nóng ở Việt Nam, hiện có quy mô khoảng 33 triệu USD và dự kiến đạt 38 triệu USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm.

Có khá nhiều đơn vị đang cung cấp dịch vụ này ở Việt Nam như GrabFood (Grab - Malaysia), Now (Sea - Singapore), Go-Việt (Go-jek, Indonesia)... Trong đó, GrabFood và Now là hai đơn vị đang dẫn đầu thị trường giao thức ăn ở Việt Nam hiện nay. Số liệu chưa kiểm chứng cho biết, hiện GrabFood đạt hơn 24.000 đơn hàng/ngày, Now dao động quanh con số 18.000 đơn hàng/ngày.

Kỳ lân tham chiến giao đồ ănGrab hiện đang là đơn vị có tốc độ phát triển nhanh nhất, kể từ khi ra mắt ở Việt Nam hồi tháng 6 năm ngoái, hiện Grab tuyên bố đã cung cấp dịch vụ ở 15 tỉnh thành tại Việt Nam.

Số lượng tài xế, là một trong những rào cản cho các doanh nghiệp đến sau gia nhập ngành. Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab cho biết một phần thế mạnh của GrabFood còn từ số lượng tài xế đông đảo số một thị trường. Hiện Công ty có khoảng 175.000 đối tác là tài xế xe máy trên toàn quốc.

Cho đến nay, cả Woowa Brothers và Vietnammm vẫn chưa công bố các chiến lược cụ thể ở thị trường Việt Nam. Trước mắt, nhiều khả năng Công ty mở rộng hơn nữa tập khách nước ngoài hiện nay. Dĩ nhiên, bước tiếp theo của Woowa Brothers là mở rộng thị trường không chỉ trong mảng giao thức ăn mà còn là các mảng khác như đồ dùng hằng ngày, thời trang. Theo ông Hoàng Giang, cựu Giám đốc Tiếp thị LalaFood (Scommerce), mục tiêu của các nền tảng O2O (giao thức ăn là một phần của O2O) là sân chơi Fintech như Grab.

Không loại trừ khả năng Woowa Brothers sẽ đi theo con đường này vì việc cung cấp nhiều dịch vụ giao nhận hơn, sẽ giúp Công ty thu hút được nhiều tài xế tham gia hơn. Tài xế mới là phần xương sống trong cuộc chiến giao nhận mà rộng hơn là cuộc chiến của các nền tảng O2O, chứ không phải các chương trình khuyến mãi rầm rộ.

Phi Cảnh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư