Lần đầu Grab công bố số tiền rót vào Việt Nam sau 5 năm

Grab cho biết từ khi vào Việt Nam năm 2014 đến nay đã đầu tư hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, hãng này không công bố doanh thu và lợi nhuận tại Việt Nam.

Mới đây, Công ty TNHH Grab đã có thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất cách tiếp cận đối với dịch vụ đặt xe qua ứng dụng trực tuyến. Trong bức thư này, lần đầu tiên Grab đã tiết lộ tổng mức đầu tư tại Việt Nam. Theo đó hãng này cho biết kể từ khi vào Việt Nam năm 2014 đã đầu tư hơn 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng).

Tuy nhiên, hãng này không công bố doanh thu và lợi nhuận. Lần đầu công bố tổng vốn bỏ ra nhưng Grab chưa bao giờ công khai về doanh thu và lợi nhuận kiếm được ở Việt Nam.

Nhiều năm liên tiếp Grab thông báo lỗ tại Việt Nam, hoặc chưa có lợi nhuận. Cụ thể trong 3 năm 2014-2016, Grab đã báo lỗ 938 tỷ đồng. Khi đó Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế tiến hành thanh tra Grab. Kết quả thanh tra xử lý, truy thu thuế và phạt hành chính với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng, giảm lỗ 56,6 tỷ đồng.

Lần đầu Grab công bố số tiền rót vào Việt Nam sau 5 năm

Grab đề xuất Chính phủ không coi mình là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Ảnh: Torque.

Trong khi đó, tại phiên xử vụ kiện của Vinasun tới Grab vào năm 2018, luật sư của Vinasun dẫn số liệu báo cáo của Grab về các khoản lỗ từ năm 2014 - 2017 là khoảng 1.700 tỷ đồng.

Từ lâu, có nhiều thông tin đồn đoán việc Grab đã "đốt" một lượng tiền lớn ở Việt Nam trong cuộc đua thị phần gọi xe công nghệ. Đến nay hãng này mới chỉ công khai tổng chi phí bỏ ra, còn số tiền "đốt" thực hư vẫn chưa được xác định.

Trên thị trường, đối thủ của Grab là Go-Viet cũng không công bố con số cụ thể số tiền đầu tư vào Việt Nam. Go-Jek, công ty mẹ của Go-Viet, chỉ công bố kế hoạch gia nhập 4 thị trường mới tại Đông Nam Á với khoản ngân sách 500 triệu USD.

Các thị trường mà Go-Jek nhắm đến là Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Trong dự thảo mới nhất Nghị định 86 mới, Bộ GTVT một lần nữa đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định mọi xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là taxi. Nghĩa là Grab sẽ bị coi là taxi.

Bộ GTVT cho rằng như vậy sẽ tạo công bằng, bình đẳng hơn về điều kiện kinh doanh vận tải và giải quyết được vấn đề kiến nghị mà các Hiệp hội taxi đề xuất.

Tuy nhiên, quy định về loại taxi mới (bao gồm cả Grab, FastGo, VATO, taxi truyền thống…) cũng đã rất khác trước kia, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo công bằng.

Theo đó, doanh nghiệp taxi không cần đăng ký màu sơn với cơ quan chức năng; không quy định về đồng phục lái xe; không quy định về quy mô đơn vị kinh doanh vận tải (trước quy định tối thiểu 50 xe).

Bộ GTVT cũng đưa ra phương án taxi có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe” và gắn phù hiệu “XE TAXI” dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe. Ngoài ra, việc niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định tiếp tục được giữ nguyên.

Hiếu Công
Nguồn Zing News