Những kỳ vọng về thương mại điện tử Việt Nam 2019
Ngành thương mại điện tử Việt Nam đã có một năm 2018 ấn tượng với nhiều thông tin tích cực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết.
Theo các chuyên gia thương mại, năm 2018 là thời điểm vàng của thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam khi đa số người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc với lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 đạt 130 tỉ đô la Mỹ, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) chiếm khoảng 4 tỉ đô la, tương đương khoảng 3% (nguồn: Forbes Việt Nam). Nhìn sang các nước khu vực, trong khi TMĐT của Trung Quốc chiếm hơn 20% của tổng thị trường bán lẻ, Indonesia là 5 -6%, thì con số này ở Việt Nam chỉ mới là 3%. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam còn rất lớn và sẽ có những điểm đột phá trong vòng 24 tháng tới khi các dịch vụ vận chuyển, uy tín người bán và nhận biết của người dân về TMĐT ngày càng được nâng cao.
Nhận định về tiềm năng của thị trường TMĐT Việt Nam, Google-Temasek cho biết Việt Nam hiện là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 40% và dự kiến sẽ là thị trường lớn thứ hai khu vực vào năm 2025. Trong khi iPrice Group, trong bản báo cáo Toàn cảnh TMĐT khu vực Đông Nam Á năm 2018, đã xếp hạng mười trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2018, kết quả là có đến năm trong số này là các công ty hiện đang có mặt tại Việt Nam theo thứ tự là các nhà bán lẻ trực tuyến Lazada, Shopee, Tiki, Thegioididong và Sendo.
Nếu như Lazada và Shopee là các tập đoàn đa quốc gia nên việc họ nắm giữ hai vị trí dẫn đầu không gây nhiều ngạc nhiên thì sự xuất hiện của Tiki, Thegioididong và Sendo là minh chứng rõ rệt cho quy mô của TMĐT Việt Nam.
Cụ thể, ba sàn TMĐT này dù chỉ họat động trong phạm vi thị trường Việt Nam nhưng vẫn nằm trong danh sách tốp 10 khu vực; thậm chí còn vượt trên cả tập đoàn JD của Trung Quốc hiện đã có mặt ở thị trường Indonesia và Thái Lan.
Nhân dịp đầu năm 2019, Thời báo Vi tính Sài Gòn đã có buổi làm việc cùng với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử về những nhận định của họ về thị trường, về tiềm năng phát triển cũng như những dự định mới của họ trong năm 2019 này.
Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Grab Việt Nam: Phương thức thanh toán GrabPay by Moca đã được ra mắt vào tháng 10-2018 và đến nay, số lượng người dùng kích hoạt thành công ví GrabPay by Moca ngày càng tăng lên.
Tính đến cuối tháng 1-2019, ví điện tử GrabPay by Moca đã liên kết với 13 trong số những ngân hàng lớn nhất cả nước (gồm ACB, BIDV, HDBank, MBBank, MSB, OCB, Sacombank, SCB, SHB, VietCapital Bank, Vietcombank, VietinBank, VPBank) và một ngân hàng số (Timo của VPBank). Hiện nay, người dùng Grab có thể sử dụng ví GrabPay by Moca để thanh toán cho các chuyến đi Grab, cho đơn hàng GrabFood và GrabExpress, chuyển tiền trong ví cho nhau, thanh toán tại cửa hàng, nạp tiền điện thoại di động, mua mã thẻ cào điện thoại... Dự kiến trong tháng 2 này, ví GrabPay by Moca sẽ có thêm tính năng thanh toán hóa đơn. Trong năm 2019, Grab Việt Nam sẽ kết hợp với các đối tác tài chính giới thiệu một số dịch vụ tài chính dành riêng cho người dùng Việt Nam, kỳ vọng mang các tiện ích và dịch vụ đến ngày càng nhiều người dân Việt Nam.
Việc trở thành siêu ứng dụng (Super App) đang là xu hướng mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhắm đến.
Trong cuộc đua này, Grab đang có những ưu thế để dẫn đầu khi sau năm năm tại Việt Nam chúng tôi đã xây dựng được một hệ sinh thái bao gồm nhiều dịch vụ đáp ứng những nhu cầu quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày như đi lại (GrabTaxi, GrabCar, GrabBike), giao nhận hàng hóa (GrabExpress), giao nhận thức ăn (GrabFood), thanh toán không dùng tiền mặt (GrabPay by Moca), cùng với chương trình khách hàng thân thiết (GrabRewards). Đồng thời các dịch vụ này có sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, từ đó mang đến những lợi ích thiết thực và những giá trị cộng thêm cho toàn bộ người dùng trong hệ sinh thái Grab. Riêng với mảng thanh toán di động, với việc mở rộng GrabPay by Moca ra ngoài lĩnh vực di chuyển, cả khách hàng và đối tác tài xế, đối tác kinh doanh của Grab đều có thể thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt một cách liền mạch, minh bạch và an toàn hơn. Đặc biệt, các hộ kinh doanh nhỏ, các hàng quán đường phố... vốn ưa chuộng sử dụng tiền mặt nay có thể tăng hiệu suất và giảm chi phí kinh doanh nhờ không dùng tiền mặt.
Giữ ngôi đầu bảng trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến
Ông Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam: Năm 2018 là năm phát triển đầy ấn tượng của Shopee Việt Nam. Theo báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 do Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thực hiện, Shopee đã vươn lên chiếm 35% thị trường, dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam và góp mặt trong tốp mười trang TMĐT có số lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á năm 2018 do iPrice Group công bố.
Trong năm qua, Shopee Việt Nam đã gia tăng hợp tác với các thương hiệu hàng đầu. Đến nay, Shopee có hơn 700 thương hiệu hàng đầu và nhà bán hàng hoạt động trên Shopee và mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn hàng hóa với giá ưu đãi nhất.
Việc hợp tác chặt chẽ với nhà bán hàng không chỉ giúp mang lại ưu đãi lớn hơn cho người tiêu dùng mà còn giúp tăng doanh số đáng kể cho các nhà bán hàng. Cụ thể, tại sự kiện “Ngày hội hàng chính hãng - Super Brand Day”, gian hàng của P&G trên Shopee ghi nhận số lượng sản phẩm bán ra tăng hơn 450 lần so với ngày thường.
Bên cạnh đó, các hoạt động marketing của Shopee trong năm 2018 cũng thành công trong việc đón đầu xu hướng người dùng, như các chương trình truyền thông, quảng bá hình ảnh thông qua các đại sứ thương hiệu như Hoa hậu Tiểu Vy và các cầu thủ bóng đá của đội tuyển Việt Nam.
Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng Internet và gần 50 triệu khách thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam rất lớn. Chúng tôi kỳ vọng, trong những năm sắp tới, tốc độ phát triển của TMĐT Việt Nam sẽ nhanh hơn và trở thành kênh thương mại tiện lợi cho cả người mua và người bán. Cùng với việc không ngừng nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng, trong năm 2019, Shopee sẽ không ngừng mở rộng và thúc đẩy sự gia tăng hợp tác đối với các nhà bán hàng. Với việc hợp tác này, chúng tôi sẽ cùng mang đến cho người tiêu dùng danh mục sản phẩm đa dạng, phong phú hơn và nhiều ưu đãi đáng giá cho khách hàng tham gia mua sắm trên Shopee.
Hướng tới thương mại di động
Ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Sendo: Là sàn thương mại điện tử thuộc tốp dẫn đầu tại Việt Nam, Sendo đã thành công vượt bật trong năm 2018 với mức tăng trưởng gấp ba lần so với năm 2017, phục vụ hơn 10 triệu khách hàng trên khắp cả nước. Một điểm đáng ghi nhận khác là có đến 80% khách mua hàng bằng ứng dụng Sendo; điều kiện tốt để phát triển thương mại di động.
Về mặt sản phẩm, chúng tôi đã ra mắt thành công SenMall, là trung tâm mua sắm trực tuyến chất lượng cao với các thương hiệu uy tín của Việt Nam và quốc tế vào tháng 7-2018. Chương trình hợp tác với gói dịch vụ “Giao hàng siêu tốc” giữa Sendo và GrabExpress cũng là nền tảng vững chắc để chúng tôi tiếp tục ra mắt SenMart, siêu thị bách hóa chính hãng vào tháng 12-2018. Đây được xem là một bước tiến lớn của cả ngành TMĐT khi đã triển khai được dịch vụ cung cấp các mặt hàng tươi sống đến với người tiêu dùng tại các thành phố lớn.
Năm 2018 cũng đánh dấu sự đầu tư mạnh mẽ của Sendo cho việc ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý hàng hóa tốt hơn, các sản phẩm được chọn lọc quy củ hơn, từ đó nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, cũng như nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Từ công nghệ này, chúng tôi có thể xếp hạng người bán, hàng hóa dịch vụ, nhằm hỗ trợ khách hàng có nhiều lựa chọn an toàn và đảm bảo chất lượng hơn.
Trong năm 2019, Sendo sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho Big Data và AI để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm cho người dùng. Là công ty công nghệ, năm 2019 Sendo sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào AI (trí tuệ nhân tạo) để tối ưu trải nghiệm mua sắm và tự động hóa các hoạt động vận hành nhằm mang lại sự khác biệt về dịch vụ. Song song với việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia về AI và Big Data, Sendo đang kết hợp nghiên cứu với một số trường đại học, các nhà khoa học dữ liệu đầu ngành Việt Nam và Singapore để cùng phát triển đưa AI vào các bài toán vận hành trọng điểm như cá nhân hoá hiển thị, chăm sóc khách hàng, chống hàng giả, chống gian lận trong giao dịch, tối ưu hoạt động vận chuyển và bảo vệ an toàn dữ liệu khách hàng.
Mục tiêu của Sendo là đến cuối 2019 sẽ có 80% các hoạt động chăm sóc khách hàng cũng như chống gian lận, chống hàng giả sẽ được xử lý bằng robot thông minh.
Ứng dụng công nghệ thời 4.0 là xu hướng tất yếu
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Sapo: Năm 2018, Sapo đã cán mốc 52.000 khách hàng sau mười năm khởi nghiệp. Khách hàng của Sapo gồm các doanh nghiệp và chủ cửa hàng kinh doanh trực tuyến và các cửa hàng đã đạt mức tăng trưởng 40% về số lượng khách hàng so với 2017. Mục tiêu của Sapo trong năm 2019 là tiếp tục tăng trưởng và phủ sóng 63 tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, Sapo phát triển theo chiều sâu với những tính năng tích hợp đa dạng các đơn vị thanh toán và vận chuyển, giúp cho các chủ cửa hàng tăng được hiệu suất vận hành kinh doanh.
Theo ông Tuyến, việc tích hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường... vào lĩnh vực TMĐT là một xu hướng tất yếu với một lĩnh vực hiện đại, đang trên đà phát triển mạnh mẽ như TMĐT.
Các doanh nghiệp TMĐT sở hữu những giao dịch, những hoạt động được lưu lại trên hệ thống là nguồn dữ liệu lớn cực kỳ vô giá, nếu như tận dụng được, sẽ giúp họ thấu hiểu được về người dùng, khách hàng để không ngừng nâng cao hiệu suất, trải nghiệm, những dữ liệu mang tính dự báo xu hướng. Kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong các quy trình xử lý thông tin, tương tác với khách hàng sẽ giúp tự động hóa được những công việc mang tính lặp đi lặp lại, tối ưu quy trình và nâng cao hiệu suất công việc. Xu hướng ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) vào TMĐT cũng góp phần tăng cao trải nghiệm người dùng, cũng là từ khóa chính trong những năm trở lại đây trên thế giới, những gì giúp tăng cường trải nghiệm khách hàng đều góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Xu hướng bán hàng đa kênh nổi bật một cách rõ nét nhất trong năm 2018, theo báo cáo thường niên được Sapo thực hiện từ khảo sát 5.000 cửa hàng, có tới 97% cửa hàng được khảo sát cho biết họ đang bán hàng trên hai kênh trở lên, trong đó có tới 54% cửa hàng có bán tối thiểu trên năm kênh khác nhau, đặc biệt là các kênh chính như Facebook, cửa hàng, trang web, sàn TMĐT, đại lý, cộng tác viên...
Kinh doanh TMĐT là một xu thế không thể cưỡng lại được. Các cửa hàng bán lẻ từ xưa tới nay đã “quen” kinh doanh truyền thống đang phải đứng trước sự chọn lựa hoặc phát triển thêm kênh trực tuyến, hoặc nhìn những đối thủ nhỏ hơn, mới hơn vượt qua. Với số dân gần 100 triệu người đa phần trong độ tuổi trẻ, Việt Nam luôn nằm trong nhóm thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, xếp thứ 6 trong chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ trực tuyến của Việt Nam cũng đang duy trì ở mức 25-30%/năm. Trong khoảng 3-5 năm tới, cục diện kinh doanh TMĐT sẽ thay đổi khá mạnh mẽ về mọi mặt từ tiếp thị, thanh toán trực tuyến, vận chuyển, các kênh bán hàng online sẽ được chú trọng hơn, đồng thời tăng cường áp dụng các ứng dụng công nghệ tân tiến như chatbot, dữ liệu lớn, thực tế ảo... để phục vụ kinh doanh hiệu quả.
Chí Thịnh
Nguồn The Saigon Times