Tham vọng trở thành thương hiệu thời trang thể thao, Uniqlo tài trợ đội tuyển Olympic Thụy Điển
Hợp đồng tài trợ bao gồm cả Thế vận hội Mùa hè 2020 ở Tokyo và Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh.
Uniqlo – công ty thời trang nhanh của Nhật Bản đã ký một thỏa thuận với Ủy ban Olympic Thụy Điển về việc tài trợ đồng phục cho đoàn thể thao nước này tham gia Olympic và Paralympic trong vòng 4 năm tới, thay thế cho thương hiệu H&M đến từ Thụy Điển.
Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc Uniqlo sẽ xuất hiện tại Thế vận hội Mùa hè 2020 ở Tokyo và Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh, dù không phải đối tác chính thức của Olympic.
Lựa chọn đầu tiên của Uniqlo là hợp tác với đội tuyển Nhật Bản, nhưng thỏa thuận đó không thành công và lý do không được tiết lộ.
Ông Tadashi Yanai, người đứng đầu của tập đoàn Fast Retailing, chia sẻ trong một cuộc họp báo ở Tokyo rằng việc hợp tác với Thụy Điển là một điều hiển nhiên. Ông nói rằng gu thẩm mỹ của Thụy Điển đã phản ánh nguồn gốc Nhật Bản của Uniqlo. Năm ngoái, Uniqlo đã mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Stockholm.
Đưa ra bình luận mang tính trung lập, Giám đốc Chiến lược của tập đoàn ADK là ông Masato Suematsu cho biết Uniqlo đang tập trung vào việc mở rộng kinh doanh và xây dựng hình ảnh thương hiệu ra khỏi khu vực châu Á, đặc biệt tập trung tại thị trường châu Âu.
Ông nói: “Việc đặt logo thương hiệu bên cạnh hình ảnh quốc kì không chỉ có thể tăng nhận biết thương hiệu mà còn tăng cả quyền lực của thương hiệu đó, nhất là trong giai đoạn đầu khi mới ra mắt thị trường”. Ông cũng nói thêm sự hợp tác này sẽ gây ấn tượng với khán giả Nhật Bản khi một thương hiệu “cây nhà lá vườn” như Uniqlo được quốc tế công nhận. Điều đó có thể giúp thương hiệu có quyền định giá ngày một lớn hơn.
Động thái này nhấn mạnh thành công của Uniqlo với vai trò là một thương hiệu thời trang thể thao, cũng như vai trò một thương hiệu thời trang nhanh. Tập đoàn này vẫn sẽ đề cao chất lượng kỹ thuật của sản phẩm, vốn là một trong các yếu tố giúp họ được các vận động viên Nhật Bản cũng như vận động viên quốc tế ưa chuộng.
Ông John Woodward, Giám đốc Chiến lược của McCann Worldgroup Nhật Bản chia sẻ: “Việc tài trợ này là một bước tiến xa trong lĩnh vực thể thao của Uniqlo. Thế vận hội 2020 có tầm ảnh hưởng lớn, nhất là với giới trẻ. Họ xem cuộc thi là một nguồn năng lượng tích cực trong bối cảnh có khá nhiều xung đột chính trị như hiện tại. Vậy nên, việc xuất hiện tại cuộc thi này là một động thái có lợi cho Uniqlo”.
Ông Woodwrad nói thêm rằng sẽ có rủi ro khi thương hiệu chọn tài trợ cho một đội tuyển không phải là đội tuyển quốc gia, tuy nhiên “Mọi người đều yêu mến Thụy Điển, một quốc gia đề cao tinh thần thể thao và trung lập về mặt chính trị”.
“Vậy nên, việc tài trợ này sẽ không tạo ra hệ quả tiêu cực nào tại thị trường Nhật Bản, so với việc tài trợ cho đội tuyển Nhật Bản. Và điều đó cũng không giúp Uniqlo trở thành một thương hiệu thời trang thể thao chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, lần hợp tác này sẽ giúp Uniqlo mở rộng sự phù hợp và sức hấp dẫn của thương hiệu trên toàn cầu.”
Năm ngoái, Roger Federer, vận động viên quần vợt chuyên nghiệp người Thụy Sĩ, đã chấm dứt hợp đồng kéo dài một thập kỷ với Nike để kí kết một hợp đồng trị giá khoảng 30 triệu USD mỗi năm với Uniqlo. Không như việc hợp tác với Federer vào giai đoạn cuối của sự nghiệp, năm 2011 Uniqlo đã hợp tác với một tay vợt mới nổi người Nhật Bản Kei Nishikori, hiện đang xếp hạng 9 trên toàn thế giới.
Thương hiệu này cũng tài trợ cho hai vận động viên quần vợt xe lăn chuyên nghiệp là Shingo Kuneida và Gordon Reid, golf thủ số một thế giới Adam Scott, và vận động viên trượt tuyết Ayumu Hirano. Năm 2016, Uniqlo đã mời Marin Minamiya trở thành nữ đại sứ thương hiệu đầu tiên của thương hiệu này sau khi cô trở thành người trẻ nhất Nhật Bản chinh phục đỉnh Everest. Năm ngoái, cô đã tham gia đoàn thám hiểm Bắc Cực với trang phục do Uniqlo thiết kế.
Diệu Uyên / Brands Vietnam
Nguồn David Blecken / Campaign Asia