[Nhật ký sáng tạo] Freelancer tuyển tập
Chi Mai, một cây bút mới của Nhật kí sáng tạo sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về sự tự do.
Đã qua rồi cái thời khi tôi bảo: “Dạ em làm quảng cáo”, người ta sẽ tiếp lời: “Vậy chắc em vẽ biển hiệu đẹp lắm ha.”
Thời này, khi tôi giới thiệu nghề nghiệp của mình: “Em làm freelance copywriter” thì nó rất oách xà lách. Cái chữ “làm freelance” – “làm tự do” thốt ra là buộc người đối diện đáp ngay: “Sướng quá ta! Giỏi quá vậy!” vì nói chung, có tự do thì đương nhiên sướng, đương nhiên giỏi.
Nhưng cũng như mọi thứ tự do khác, cái tự do này cũng phải được trả giá.
Làm copywriter tự do, cái giá phải trả là gì? Các khoản chính phí, phụ phí là như sau:
Thu nhập không ổn định
Có những ngày full-time copywriter chỉ ngồi Facebook hoặc mua sắm online, không mó tay tới việc, nhưng vẫn được trả lương. Cứ xách mông lên công ty ngồi là được trả lương. Làm ít làm nhiều tới kỳ cuối tháng, một khoản tiền nhất định cứ thế lẳng lặng chui vào tài khoản nằm chờ. Ít ra, biết chắc mỗi tháng mình kiếm bao nhiêu. Bình chân như vại.
Freelancer nhận tiền theo thành phẩm và dự án. Dự án thì lâu lâu mới có một kỳ, không như bánh mỳ ngày nào cũng có. Freelance copywriter không thể biết chắc tháng sau mình kiếm bao nhiêu, và dự án tiếp theo sẽ từ đâu tới.
Toàn … tự
Fulltime Copywriter phần lớn thời gian đi làm chỉ việc ngồi tại bàn giấy. Có brief, Account sẽ tìm. Khách hàng công ty lụm được ở đâu, bạn không cần quan tâm. Mọi hình thức giao tiếp ngọt ngào và man trá để làm đẹp lòng khách hàng, bạn cóc cần dính líu. Khách hàng vừa mới cắt tóc, mua giày, đẻ con, đi tắm nắng, đã có Account để ý để nịnh nọt, khen ngợi kịp thời. Kế hoạch lúc nào làm dự án gì, cũng đã có người lập ra cho bạn. Nếu vài dự án cùng chạy một lúc, bạn có thể õng eo: “Em chả! Làm sao mà làm hai cái cùng một lúc được? Account xem xét lại về mặt thời gian đi.”
Đừng mơ những chuyện đó khi bạn làm Freelance. Freelance Copywriter phải tự đi kiếm khách hàng, hoặc làm sao để họ kiếm mình. Họ tìm đến bạn rồi, phải gởi portfolio sang dụ dỗ. Dụ hơi hơi được rồi thì báo giá. Báo giá xong, khách hàng kêu mắc, bạn đẩy đưa giá hữu nghị rồi chị ạ, thôi nhân đầu xuân khuyến mãi em bớt chị 20 đô. Bạn phải tự gây dựng quan hệ với khách hàng. Họ lần sau có tìm đến dịch vụ của bạn nữa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách đối xử khách hàng thân thiết của bạn. Và nếu có vài dự án cùng chạy, bạn tối mặt tối mũi, cắn răng chịu chớ biết kêu ai.
Tự do thì toàn… tự. Tự làm tất. Trong khi đó, dân làm sáng tạo thì không khéo chuyện lên kế hoạch, giao tiếp duyên dáng, theo dõi tiến độ và kiểm soát giấy tờ (hợp đồng, bản nghiệm thu, hóa đơn, v.v), và … đòi tiền! Nếu giỏi những chuyện đó, bạn đã làm bên Dịch vụ Khách hàng chứ không phải bên Sáng tạo!
“Không ai lắng nghe. Không ai thấu hiểu.”
Tức là không có Prudential, hay Bảo Việt, hay gì gì sất. Bạn không nhận được các khoản bảo hiểm nào, và không hưởng chế độ biệt đãi nào tất. Tức là:
- không có ngày nghỉ có trả lương (fulltime thường có 12-15 ngày/năm nghỉ phép có trả lương)
- không có các chuyến đi chơi tập thể miễn phí
- không có thẻ taxi để ngồi xế hộp máy lạnh đi qua đi lại
- không có lương tháng 13
- không được nghỉ phép có lương khi mang bầu
- và đấy – không có bảo hiểm nên đau ốm gì cũng tự thân lo
Bị quỵt tiền
Đời khốn nạn vậy đấy!
Khi freelance, giữa bạn và khách hàng là một mối quan hệ không ràng buộc, tiếng Anh thời facebook tạm gọi là “in an open relationship”. Có nghĩa hai bên cũng không “cam kết” gì với nhau nên mức độ quan hệ có phần hời hợt. Nên đôi khi, bạn bị quỵt tiền.
Chẳng phải khách hàng Sở Khanh chơi trò giật tình quỵt tiền, mà vì hắn quên, hoặc là chẳng quan tâm cho lắm. Bạn có thể gọi nhắc. Hắn có thể lần khần, hoặc chối béng. Hai lý do hay đưa ra:
1. Ối cái này anh/ chị chuyển qua bên kế toán rồi. Em chờ vài bữa nữa nha.
2. Ôi cái này bên chị không dùng được.
Ở trường hợp thứ nhất, bạn có khả năng được thanh toán nếu trường kỳ kháng chiến vài ba bữa gọi điện nhắc một lần. Nếu bạn nản hoặc quên béng, thì xem như làm từ thiện.
Ở trường hợp thứ hai, tình hình có thể trở nên xấu xí. Vì hắn đã động chạm tới tự ái của bạn (Em làm dở ẹc! Vô dụng! Thất bại!) và kiểu nói đấy có nghĩa là bên anh/chị sẽ không trả tiền cho em vì không dùng sản phẩm của em. Nhưng cái này thì hắn sai. Ví như hắn bước vào quán bún bò, gọi múc một tô, ăn không vừa miệng (chưa hẳn vì bún bò không ngon mà vì sáng đó, có thể hắn hành kinh nên khó tính), liệu hắn có thể đi ra khỏi quán mà không trả tiền không? Bạn đã dành công sức, mồ hôi, thời gian cho hắn, bạn phải được trả công! Tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Có trách thì trách hắn chọn nhầm quán bún bò không hợp khẩu vị. Đó là về lý. Còn bạn làm dở hay hay, lương tâm bạn biết.
Tôi có một cô bạn làm freelance copy cho một công ty nọ. Đến lúc nói chuyện tiền thì rơi vào trường hợp thứ hai. Sau đó eo ơi là xấu xí. Cô ấy chụp ảnh email của thị khách hàng này, đăng lên facebook. Từ đó, mới lòi ra dân làm freelance bị quỵt tiền tràn lan – theo kiểu 1 hay 2 trên đây. Thông lệ bất lợi cho freelancer là: freelancer “làm hàng”, giao hàng, sau đó khách hàng mới thanh toán. Nhưng một khi giao hàng thì bạn đã cầm dao đằng lưỡi!
Tóm lại, con đường làm tự do khá đơn độc và ít bình yên. Bạn có thể thường xuyên cảm thấy lo lắng về tài chính và sự nghiệp của mình. Điều rất hay là bạn có thể hoàn toàn đi bơi vào một buổi chiều thứ ba nào đó chỉ vì trời quá đẹp, hay có thể làm việc trong một quán cà phê thơ mộng hay một hòn đảo hoang vu xanh mướt (miễn là có Internet).
Từ “tự do”, tự nó đã nói lên nhiều thứ!
Làm sao để bảo vệ quyền lợi tài chính? Làm sao để tránh quỵt tiền.
Quỵt tiền là một trong những ác mộng xấu nhất đối với freelancer. Và bởi ở Việt Nam ta, “công đoàn” là khái niệm mơ hồ, xa lạ – dễ bị hiểu lầm với từ “lợi ích nhóm” vốn mang nhiều tai tiếng – nên chủ yếu, ta sống và làm việc theo chủ trương “đèn nhà ai nấy rạng”. Thế thì: làm thế nào để freelancer thân cô thế cô có thể tự bảo vệ quyền lợi tài chính của mình?
Vài dòng từ kinh nghiệm cá nhân tôi, người chưa được trao giải Mai Vàng Đào Đỏ gì cho sự nghiệp bán chữ nuôi mồm nhưng ít ra sống được năm năm nay trong giới freelance:
- Thỏa thuận NGAY TỪ ĐẦU với khách hàng về một khoản trả trước (deposit) ngay sau khi bạn giao bản copy đầu. Khoản này hợp lý là 40% tổng chi phí cho việc viết copy. Tốt hơn là xin luôn hợp đồng có luôn khoản này ghi ở trỏng. Account không coi trọng việc làm hài lòng cộng tác viên nên sẽ lần lữa. Bạn phải khéo léo, vừa ngọt ngào, vừa cương quyết. Hãy tỏ ra – hoặc giả vờ – đầy kinh nghiệm: “Trước giờ em làm toàn ký hợp đồng trước và trả trước 40% sau khi giao bản đầu. Đó là luật bất thành văn trong giới.”
- Lưu giữ, tổ chức email cẩn thận. Để tới lúc cần, bạn luôn có thể lôi các email cũ ra làm chứng. “Vào 3:13 phút chiều hôm nọ tháng nọ năm kìa, chị đã bảo sẽ trả cho em chừng ấy.” Có bằng chứng rõ ràng thì không cần đôi co nữa.
- Bạn nên biết địa chỉ email của sếp người đang liên lạc với bạn. Đến lúc cần, bạn có thể cc người sếp thì cái thế đôi co của bạn sẽ thêm vững vàng. Khi cc họ, bạn có thể thêm vài câu vào email như: “Email này, tôi đã cc Mrs.X vào, hy vọng Mrs.X có thể giúp cô Y sắp xếp mọi việc thuận tiện để thanh toán các khoản đang bàn đến.”
- Trong bất cứ trường hợp nào, bạn phải luôn giữ giọng chuyên nghiệp và lịch sự. LUÔN LUÔN. Không gì xấu xí và hủy hoại danh tiếng bằng sự thô lỗ và thiếu chuyên nghiệp.
Hỏi: làm một mình như vậy, về lâu dài có bị lụt nghề không?
Đáp: Đa phần là có. Freelancer ít có cơ hội theo một dự án lâu dài. Về nguyên tắc, freelancer không phải cống hiến toàn bộ thời gian của mình cho dự án đang làm với khách hàng. Khách hàng không có quyền đòi hỏi freelancer phải dốc 100% công sức cho dự án. Thế nên, các dự án dài hơi hay quy mô lớn thường được đưa cho “người nhà” ở các agency.
Lụt nghề là theo kiểu đấy.
Nhưng đồng thời, khi làm toàn thời gian (fulltime), bạn buộc lòng làm tất cả những gì mình được yêu cầu làm, từ câu slogan, ý tưởng quảng cáo – là những thứ làm rất vui – đến copy bao bì sản phẩm, copy thiếp mời sự kiện – là những thứ làm chán bố con gián.
Freelancer có quyền làm ỏng làm eo, nhận lời hay từ chối với những phần copy mình thích hay không thích làm. Và đương nhiên, nếu bạn xuất sắc và chứng tỏ mình đáng trông cậy thì khách hàng vẫn đưa những dự án ngon ăn cho bạn. Nếu muốn “mài giũa” bản thân hơn nữa thì đó, thời gian là thứ bạn giàu nhất, hãy khởi xướng dự án độc lập nào đó theo ý mình.
Tóm lại là: hên xui!
Làm thế nào để định giá, báo giá và thương lượng tiền bạc?
Nếu bạn đã tìm hiểu sơ qua về kinh tế vi mô, bạn chắc đã nghe đến tên nhà kinh tế học Adam Smith. Ờ, mà nó là Adam hay Peter, hay John, hay Thanh, hay Dũng, bạn có lẽ cũng không định nhớ. Nhưng điều bạn nên nhớ là khái niệm “Bàn tay vô hình”. Đại khái, theo lý thuyết về thị trường tự do của Adam Smith, giá cả hay cách vận hành của thị trường tự do bị chi phối, quyết định bởi một bàn tay vô hình – bàn tay vô hình này chính là sự tương tác, đẩy đưa giữa cung và cầu. Giá cả thị trường chính là điểm gặp nhau giữa cung và cầu – ở mức giá mà nhà cung cấp cảm thấy sẵn lòng nhận và người tiêu thụ cảm thấy sẵn lòng trả.
Đó – chẳng có một cuốn thánh kinh nào quy định mức giá để viết copy cho một cuốn brochure là bao nhiêu. Bạn tùy cơ ứng biến. Mục tiêu của việc đưa ra mức giá tốt là:
1. Bạn cảm thấy mình được đền đáp công bằng và sẵn lòng lao lực cho dự án.
2. Khách hàng cảm thấy họ trả một mức phí công bằng và chấp nhận thuê bạn.
Miễn sao hai bên cảm thấy vui lòng là ổn.
Thế thì làm cách nào? Bạn có thể áp dụng ba cách sau – tuy không phải là ba cách duy nhất:
1. Hỏi dò xung quanh xem những người khác tính giá bao nhiêu.
2. Nghĩ thử nếu bạn đi làm fulltime, bạn nghĩ mức lương tháng hợp lý để trả cho những kỹ năng bạn có là bao nhiêu. Chia nó cho số ngày làm việc ra chi phí làm việc theo ngày. Ước tính dự án này sẽ mất bao nhiêu giờ/ ngày làm việc của bạn. Và quy theo đó.
3. Hỏi thẳng khách hàng: mức ngân quỹ dự tính cho phần này là bao nhiêu? Cái này còn tùy thuộc là bạn có tin người ta không. Nếu khách hàng ậm ừ vài ba giây thì có thể chắc mẩm là họ nói xạo. Cách này thì cần bạn có trực giác bén để khỏi bị “ép giá”.
Vậy đó, công phu lê lết làm freelance suốt thời gian qua đã đặt hết vào bài viết, mong giúp được phần nào các đồng đạo trên hành trình đi tìm tự do. Fight for freedom, not for free.