‘Chiêu lạ’ của bia Sài Gòn khi về tay người Thái: 'Thay máu' lãnh đạo, lập công ty con

Ngay sau nắm quyền tại Sabeco, cổ đông Thái đã bổ nhiệm hàng loạt nhân sự của mình vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Dàn lãnh đạo đến từ Thaibev

Cuối năm 2017, Tập đoàn Thaibev của tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua thành công 53,59% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage. Đến cuối tháng 4.2018, Đại hội cổ đông bất thường của Sabeco nhanh chóng thông qua việc bầu bổ sung 3 thành viên mới đều là người của Tập đoàn Thaibev vào Hội đồng quản trị. Ngay lập tức, ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore) cũng lên nắm giữ chức vị cao nhất là Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco - thay cho ông Võ Thanh Hà (người đại diện vốn nhà nước trước đó). Ông Koh Poh Tiong cũng là người đại diện pháp luật của Sabeco.

Không lâu sau, cổ đông Thái tiếp tục bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cấp cao vào các vị trí chủ chốt của công ty bia Sài Gòn. Cụ thể, ông Neo Gim Siong Bennett với quốc tịch Singapore giữ chức Tổng giám đốc từ đầu tháng 8.2018. Trong đợt bổ nhiệm này còn có ông Teo Hong Keng, Phó tổng giám đốc phụ trách các chức năng kế toán, tài chính và hỗ trợ cùng ông Melvyn Ng Huan Ngee, Phó tổng giám đốc phụ trách bán hàng.

Thậm chí người được ủy quyền công bố thông tin của công ty cũng được chuyển sang ông Teo Hong Keng. Hay phía ban lãnh đạo mới cũng bổ nhiệm ông Trần Nguyên Trung làm Kế toán trưởng thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng từ tháng 9.2018. Mặc dù ông Nguyễn Tiến Dũng vẫn đang là thành viên Hội đồng quản trị và là một trong hai người đại diện phần vốn nhà nước do Bộ Công thương đề cử.

‘Chiêu lạ’ của bia Sài Gòn khi về tay người Thái: Thay máu lãnh đạo, lập công ty con

Cổ đông Thái đã điều hành toàn bộ công ty bia Sài Gòn. Ảnh: TN.

Như vậy, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2023 của Sabeco gồm 7 thành viên, trong đó có đến 4 thành viên là người của Tập đoàn Thaibev và Ban tổng giám đốc có 5 người đều được bổ nhiệm mới hoàn toàn trong năm 2018, trong đó bao gồm 3 người nước ngoài. Đặc biệt, mặc dù đại diện phần vốn Nhà nước vẫn có 2 người trong Hội đồng quản trị nhưng không hề tham gia điều hành tại Sabeco.

Cuộc “tái cơ cấu” này có thể vẫn chưa có hồi kết, khi ngay tuần đầu tiên hoạt động trở lại sau Tết Kỷ Hợi, Sabeco tiếp tục cho 19 nhân sự của bộ máy cũ nghỉ việc, trong đó có 7 phó phòng.

Đáng chú ý, giữa tháng 7.2018, Sabeco thông báo thành lập Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn với vốn điều lệ vỏn vẹn chỉ 10 triệu đồng với chủ tịch là ông Neo Gim Siong Bennett (quốc tịch Singapore), người vừa được bầu làm Tổng giám đốc Sabeco. Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn mới ra đời có trụ sở cùng văn phòng Sabeco và đăng ký hoạt động chính là bán buôn các loại bia, cồn rượu và nước giải khát. Chia sẻ về điều này tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Koh Poh Tiong - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco - cho biết động thái này nhằm mục đích là bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu đang dẫn đầu thị phần bia cả nước.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn biết rằng các hoạt động thương mại của bia Sài Gòn (hay nói nôm na là bán các sản phẩm của công ty) từ trước đến nay đều thông qua Công ty TNHH MTV Thương mại bia Sài Gòn có trụ sở tại 12 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Công ty này đã được thành lập từ năm 2006 và là công ty con của Sabeco. Vì vậy nhiều cổ đông vẫn tỏ ra khó hiểu vì sao Sabeco lập một công ty con mới với vốn điều lệ chỉ 10 triệu đồng cũng chỉ nhằm mục đích bán buôn các sản phẩm tương tự như công ty cũ?

‘Chiêu lạ’ của bia Sài Gòn khi về tay người Thái: Thay máu lãnh đạo, lập công ty con

Ông Neo Gim Siong Bennett giữ chức Tổng giám đốc Sabeco từ tháng 8.2018. Ảnh: Quang Định.

Miếng bánh béo bở

Mặc dù lợi nhuận năm 2018 sụt giảm nhưng Sabeco vẫn bảo đảm chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt ở mức 35%. Đáng chú ý, công ty này đã nhanh tay tạm ứng toàn bộ hai đợt cổ tức của năm 2018 dù chưa kết thúc năm. Tổng cộng, Tập đoàn Thaibev đã nhận được hơn 1.200 tỉ đồng cổ tức cho năm hoạt động vừa qua. Trước đó, vào đầu năm 2018, ngay sau khi vừa mua lại số cổ phần tại Sabeco, cổ đông ngoại này cũng nhận được ngay hơn 1.200 tỉ đồng khi công ty chia cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 35%. Như vậy chỉ sau một năm mua cổ phần chi phối tại Sabeco, Tập đoàn Thaibev đã bỏ túi hơn 2.400 tỉ đồng. Đó là chưa kể, Sabeco vẫn còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ trước năm 2016 hơn 2.700 tỉ đồng mà Bộ Tài chính vẫn đang theo đòi được chia theo tỷ lệ vốn của nhà nước sở hữu trước đó nhưng vẫn chưa thành công.

Vì vậy theo nhiều chuyên gia, không phải ngẫu nhiên mà người Thái chấp nhận trả giá cao khi chi ra gần 5 tỉ USD (gần 110.000 tỉ đồng) để mua 53,59% cổ phần Sabeco. Ngoài thị phần dẫn đầu trên thị trường bia Việt Nam, Sabeco còn có miếng bánh hấp dẫn khác là đất đai. Hiện công ty nắm giữ quyền sử dụng 4 khu đất “vàng” có diện tích lớn tại TP.HCM. Chẳng hạn như khu đất tại 46 Bến Vân Đồn (diện tích 3.872 m2, quận 4), khu đất 187 Nguyễn Chí Thanh (17.406 m2, quận 5) khu đất 474 Nguyễn Chí Thanh (7.729 m2, quận 10), khu đất 18/3B Phan Huy Ích (2.216 m2, quận Tân Bình)… Đó là chưa kể đến các công ty con và công ty liên kết khác cũng đang sở hữu nhiều mặt bằng rộng lớn. Tất cả những điều đó hiện đang nằm trong quyền quyết định của cổ đông Thái khi ban điều hành đều là người của họ.

Ngoài việc thay nhân sự, cơ cấu lại ngành nghề, hoạt động các công ty con thì Sabeco cũng đã thông qua quy định mở room ngoại lên 100%. Điều này được dự báo là nhằm mở đường để khi cần thiết, cổ đông Thái có thể tăng quy mô sở hữu tại Sabeco lên nhiều hơn. Liệu con đường để thâu tóm hoàn toàn thương hiệu bia lớn nhất Việt Nam đang diễn ra?

Mai Phương
Nguồn Thanh Niên