AirAsia đang xin cấp phép bay tại Việt Nam, dự kiến mất 6 tháng

Đại diện AirAsia khẳng định hãng vẫn đang cùng Thiên Minh Group chuẩn bị để đưa liên doanh AirAsia Việt Nam cất cánh trong thời gian sớm nhất, dự kiến là quý II/2019.

Trao đổi với phóng viên, đại diện AirAsia cho hay sau khi ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) giữa AirAsia và Thiên Minh Group (TMG/HAA) tại Việt Nam vào ngày 6/12/2018, Giám đốc điều hành Tập đoàn AirAsia Tony Fernandes đã viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để bày tỏ lại ý định thành lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam.

Vẫn trong quy trình xin giấy phép

Vị này cũng chia sẻ AirAsia và TMG/HAA vẫn đang tiếp tục quy trình xin giấy phép liên quan để vận hành liên doanh. Kế hoạch xin cấp giấy phép sẽ diễn ra trong quý I/2019 và các quyết định phê duyệt dự kiến mất khoảng 6 tháng.

Đại diện hãng khẳng định liên doanh của AirAsia và TMG / HAA sẽ đóng vai trò phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của ngành du lịch Việt Nam và hỗ trợ phát triển bền vững, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, kết nối, kích thích nhu cầu du lịch hàng không và mở ra cánh cửa cho ngành giáo dục, kinh doanh và các công ty khởi nghiệp mới và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

AirAsia đang xin cấp phép bay tại Việt Nam, dự kiến mất 6 tháng

AirAsia xác nhận nội dung bức thư ông Tony Fernandes gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Reuters.

Trước đó, hãng cũng chia sẻ với phóng viên vẫn đang giữ nguyên kế hoạch cất cánh dự kiến vào quý II/2019 trong khi nội dung bức thư Giám đốc điều hành Tập đoàn AirAsia Tony Fernandes gửi cho Thủ tướng, được nhiều nguồn tin trong nước đăng tải, lại nhắc đến việc liên doanh giữa hãng và Thiên Minh sẽ cất cánh vào ngày 1/8.

Nguồn tin cho hay trong thư này, tỷ phú người Malaysia cho biết trong hai tháng tới, AirAsia và Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh (TMG)/Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu (HAA) sẽ sử dụng tối đa nguồn lực và đẩy nhanh tiến trình dự án đầu tư để có thể chính thức nộp bộ hồ sơ xin cấp phép khai thác vận tải hàng không tại Việt Nam.

AirAsia cũng bày tỏ muốn được khảo sát kỹ hơn cơ hội đầu tư vào hai sân bay lớn tại khu vực miền Trung Việt Nam là Chu Lai và Phú Bài.

3 lần thử gia nhập thị trường Việt Nam thất bại

Đây là lần thứ 4 AirAsia nỗ lực mở cửa thị trường Việt Nam. "AirAsia là một hãng hàng không Đông Nam Á. Và trong Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất với dân số đáng kể mà chúng tôi chưa thể thâm nhập", Fernandes chia sẻ đầu tháng 12/2018.

Việt Nam đã nằm trong tầm ngắm của AirAsia từ năm 2005, chỉ 4 năm sau khi hãng được thành lập. Ban đầu hãng đưa ra đề nghị hỗ trợ Pacific Airlines của Việt Nam, tuy nhiên đã thất bại trước Qantas và Pacific Airlines từ đó trở thành Jetstar Pacific.

AirAsia đang xin cấp phép bay tại Việt Nam, dự kiến mất 6 tháng

Đây là lần thứ 4 AirAsia nỗ lực mở cửa thị trường Việt Nam. Ảnh: Human Resources Online.

Theo Nikkei Asia Review, nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của AirAsia để gia nhập thị trường Việt Nam là vào năm 2007 khi hãng muốn thành lập liên doanh với Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), với 30% cổ phần thuộc về ông lớn hàng không đến từ Malaysia. Tuy nhiên, quan hệ đối tác này không thành khi mà thời điểm đó việc cấp phép hãng bay mới, đặc biệt hãng bay có đầu tư nước ngoài không được mấy ủng hộ.

Ba năm sau, vào năm 2010, AirAsia thử liên doanh với chính Vietjet Air. Tuy nhiên giống như nỗ lực không thành trước đó, hai bên không thể bắt tay hợp tác. Chưa đầy một năm sau đó, Vietjet Air đã tự cất cánh.

Gia nhập thị trường Việt Nam lần này, Vietjet Air được xem là đối thủ trực tiếp lớn nhất của AirAsia, theo Nikkei Asia Review, khi cả hai đều nhắm tới phân khúc bình dân.

Theo các chuyên gia hàng không, cạnh tranh tại thị trường Việt Nam đang rất khốc liệt. Tháng trước, Bamboo Airways, công ty con của FLC, cũng vừa đi vào khai thác sau thời gian dài chờ đợi giấy phép với nhiều lần lỡ hẹn.

Báo Giao thông ngày 18/2 cũng dẫn nguồn tin cho biết Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông Việt Nam (Vietravel) cũng muốn lập hãng hàng không.

AirAsia là hãng hàng không giá thấp hàng đầu và lớn nhất ở châu Á, với mạng lưới rộng khắp hơn 120 điểm đến. Bắt đầu hoạt động từ năm 2001, hãng đã chuyên chở hơn 330 triệu hành khách và đội bay lên đến hơn 200 chiếc.

AirAsia có trụ sở hoạt động tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Nhật Bản, với dịch vụ bay bao phủ toàn khu vực.

Ngô Minh
Nguồn Zing News