TP.HCM tiếp tục đấu giá quảng cáo trên xe buýt
Sau 3 lần thất bại, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa tiếp tục công bố mở đợt đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt lần thứ 4.
Ghi nhận góp ý từ các doanh nghiệp, Hiệp hội Quảng cáo trên địa bàn TP, trong lần đấu giá thứ 4 này, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (Trung tâm) đã chia nhỏ số gói thầu còn lại thành 11 gói nhỏ. Thời gian quảng cáo đối với mỗi gói thầu cũng linh động kéo dài từ 1 - 3 năm, không cố định trong thời gian 3 năm như những lần đấu giá trước.
Người trúng đấu giá được phép sử dụng 50% diện tích mỗi bề mặt của vỏ thân xe buýt (trừ phần vị trí sử dụng để thông tin nhận diện, mặt trước, mặt sau và trên nóc của xe) để quảng cáo.
Theo thông tin từ Trung tâm, cuộc đấu giá sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 8.3 (thứ sáu), tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM - số 19/5 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình.
Thời hạn, địa điểm bán và nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá: Từ ngày 18.2 - 5.3 (giờ hành chính), tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM - số 19/5 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình. Liên hệ ông Trung Trực, Số điện thoại: 0903.808.656
Trước đó, ngày 12.9.2017, Sở GTVT TP.HCM thông báo phát hành hồ sơ đấu giá thông qua Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM. Tài sản đấu giá là quyền khai thác quảng cáo trên 2.082 xe buýt, chia thành 4 gói trong thời hạn 3 năm, tổng giá trị gần 700 tỉ đồng. Kết quả, Công ty Koa Sha Media VN (Nhật Bản) là đơn vị duy nhất tham gia đấu giá và đã trúng thầu quảng cáo gói 1. Ba gói còn lại chưa có nhà thầu nào đăng ký đấu giá và vẫn “ế” cho đến lần mở đấu giá thứ 2.
Trong lần đấu giá thứ 3, Sở GTVT TP.HCM đã phải chia nhỏ các gói thầu còn lại thành 8 gói. Với mỗi gói, các tuyến xe cùng phương tiện đều có số lượng, giá khởi điểm khác nhau nhằm phù hợp năng lực của từng đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, sau khi mở cuộc đấu giá từ ngày 18.7, sau hơn 1 tháng vẫn không có đơn vị nào tham gia và cuộc đấu giá quảng cáo trên 1.570 xe buýt một lần nữa thất bại.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng hiện nay xu thế, thị trường quảng cáo đã có sự thay đổi. Quảng cáo trực tuyến, trên các website, mạng xã hội truyền hình... được ưa chuộng hơn. Các hình thức quảng cáo truyền thống trên xe buýt, nhà chờ không còn thu hút như trước. Bên cạnh đó, thời gian quảng cáo được chia tại các gói thầu kéo dài tới 3 năm nên các doanh nghiệp thận trọng, chưa mặn mà.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, nhấn mạnh giá cao và cách thức thực hiện không hợp lý mới là nguyên nhân chính khiến các gói thầu “ế” mãi không có người mua.
Hà Mai
Nguồn Thanh Niên