Kinh doanh game online khó khăn, doanh nghiệp nội dung số chuyển sang làm truyền hình trực tuyến
Mảng game online bị sụt giảm doanh thu, một số doanh nghiệp nội dung số trong nước chuyển dịch sang làm các dịch vụ mới như: giáo dục trực tuyến, truyền hình trực tuyến, hoặc làm các sản phẩm dựa theo nền tảng trí tuệ nhân tạo.
Trong năm 2018 trước những khó khăn của dịch vụ game online, doanh thu từ game online của một số công ty nội dung số đã bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, không ít trong số đó đã nhanh chóng tìm hướng đi mới bằng cách chuyển dịch sang làm các dịch vụ nội dung số như: giáo dục trực tuyến, truyền hình trực tuyến, hoặc làm các sản phẩm dựa theo nền tảng trí tuệ nhân tạo.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Media cũng cho hay, cuộc chơi game giờ chỉ còn là của các công lớn như VNG, Garena với sự hẫu thuẫn của các Tập đoàn công nghệ đứng đằng sau. Các công ty game trong nước đã không còn doanh thu từ mảng game online nữa. Trong hai năm qua, Thủ Đô Media đã có chiến lược chuyển dịch sang cung cấp dịch vụ truyền hình số, phát triển các dịch vụ phối hợp với các nhà mạng di động.
Thủ đô Media đã hợp tác với Truyền hình SCTV để phát triển ứng dụng xem truyền hình OTT STV trên nền tảng di động và Internet, STV đã có mặt trên các Android TV Box do các đơn vị trong nước phát triển, trên các Smart TV, STV đã có hơn 10.000 lượt tải và là một trong số ít ứng dụng truyền hình OTT thu được phí thuê bao. Trong đó, mảng thu được phí tốt nhất lại là mảng karaoke trực tuyến.
Thủ đô Media còn có chiến lược chuyển dịch ra nước ngoài bằng việc đầu tư các studio sản xuất phim hoạt hình cho nước ngoài. Các studio này đã có các sản phẩm phát hành sang Mỹ, Canada và châu Âu. Lý do mà Thủ đô Media không phát hành phim hoạt hình ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Ngọc Hân, ở Việt Nam hơi khó làm phim để phát hành trong nước vì các quy định về kiểm duyệt chặt chẽ hơn so với thị trường nước ngoài, bên cạnh đó ngành nội dung số ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do bị vi phạm bản quyền trên mạng.
“Một bộ phim hoạt hình phát hành ở Philippines có doanh thu quảng cáo gấp 5 lần ở Việt Nam, nhưng ở Việt Nam thì để phát hành được phải qua một quy trình kiểm duyệt, song vừa đưa lên mạng là bị lấy cắp ngay. Chính vì ở Việt Nam vi phạm bản quyền tràn lan nên có rất nhiều mảng nội dung số có thể làm được, làm các dịch vụ có lợi cho xã hội nhưng chưa ai muốn làm. Chẳng hạn như gameshow cho giáo dục là một nội dung rất tốt nhưng ngành truyền hình lại đang bỏ ngỏ, ngành nội dung số dường như đang bỏ rơi mảng giáo dục trực tuyến”, ông Hân phát biểu.
Trong phát triển mảng game giáo dục trực tuyến hiện có một số công ty trong nước đã làm và đã thu được phí, như app Monkey Junior đã thu được phí người dùng 500.000 đồng/năm. Tuy nhiên mảng game giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn do vấp phải phản ứng của phụ huynh học sinh như game Chinh phục Vũ môn đã phải ngừng cung cấp trong trường học do bị phản ứng.
VTC Mobile cũng là doanh nghiệp nội dung số đầu tiên đầu tư vào sản xuất nội dung truyền hình. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc công ty cho hay, game giờ chỉ là một mảng dịch vụ, VTC Mobile còn nhiều mảng dịch vụ khác như dịch vụ giá trị gia tăng cho di động, sản xuất nội dung cho truyền hình và các trang tin cho mẹ con, thiếu nhi. Kênh truyền hình KidTV do VTC Mobile sản xuất nội dung đã có được chỗ đứng trên thị trường, Kids TV được phát sóng trên truyền hình và trên YouTube có lượng người theo dõi khá lớn.
Theo ý kiến của nhiều người, với xu thế chuyển dịch trong lĩnh vực nội dung số, game không còn là mảng nội dung số chủ lực thì nhà mạng di động không còn là nguồn lực mạnh để cung cấp dịch vụ nội dung số như ngày xưa nữa, cả ở hai mảng kênh thanh toán và cung cấp trò chơi. Do đó, với lĩnh vực nội dung số hiện nay, nhà mạng chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng data và là một phần của kênh thanh toán SMS.
Một vấn đề khác là thách thức lớn với các doanh nghiệp nội dung số là làm sao để bảo vệ được quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền của tổ chức phát sóng nói riêng trong môi trường số, Internet. Trước xu thế xem các nội dung thể thao, phim, giải trí qua Internet và mạng xã hội ngày càng tăng thì những thách thức của hành vi xâm phạm bản quyền là mối quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất nội dung. Trên thực tế, có hàng nghìn trường hợp vi phạm bản quyền bị phát hiện và cảnh báo, trong đó nhiều nhất là vi phạm trên môi trường mạng xã hội, nhưng hành vi vi phạm bản quyền nội dung vẫn diễn ra và chưa thể ngăn chặn.
My Lan
Nguồn VN Economy