Facebook theo đuổi tài nguyên quý giá nhất của YouTube

Trong suốt một năm qua, Facebook đã tổ chức rất nhiều sự kiện và các buổi diễn thuyết dành riêng cho các nhà sáng tạo nội dung, bao gồm cả các YouTuber, nhằm mục đích chiêu mộ họ vào đội ngũ của mình.

Tháng 8.2018, Facebook chính thức bước chân vào lãnh địa nội dung video của YouTube bằng Facebook Watch. Vài tháng sau đó, công ty mở rộng chương trình chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo với những người sáng tạo nội dung.

Nhưng mạng xã hội lớn nhất thế giới chưa dừng chân tại đó. Trong suốt một năm qua, Facebook tổ chức rất nhiều sự kiện và các buổi diễn thuyết dành riêng cho các nhà sáng tạo nội dung. Gần đây tại sự kiện VidCon London, Facebook đã mang tới hàng loạt các hoạt động quảng bá nhằm chiêu mộ những nhà sáng tạo nội dung, bao gồm cả những YouTuber (những người sáng tạo nội dung của YouTube).

Jau Shetty, một nhà sáng tạo nội dung với 20 triệu lượt người theo dõi trên Facebook và là một trong số những diễn giả của chương trình, cho biết ông đã thu được một triệu đô la Mỹ trong năm qua. "Facebook vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Họ công nhận tầm quan trọng của những nhà sáng tạo nội dung và làm mọi thứ có thể để giúp họ phát triển", Shetty chia sẻ. "Tôi may mắn vì nắm bắt cơ hội đúng thời điểm".

Facebook theo đuổi tài nguyên quý giá nhất của YouTube

"Facebook vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Họ công nhận tầm quan trọng của những nhà sáng tạo nội dung và làm mọi thứ có thể để giúp họ phát triển," Jau Shetty, một nhà phát triển nội dung trên Facebook cho hay. Ảnh: Bloomberg Finance LP.

Trả lời về vấn đề có "giành giật" nhân tài từ YouTube hay các nền tảng video khác hay không, Patrick Walker, giám đốc truyền thông khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Facebook phủ nhận và nhấn mạnh rằng mục tiêu của Facebook là trở thành một "nền tảng độc nhất vô nhị", giúp các nhà sáng tạo nội dung đạt được mức lương tương xứng để họ có thể dành toàn thời gian theo đuổi đam mê của mình.

Vì sao Facebook lại đẩy mạnh chiêu mộ các nhà sáng tạo nội dung?

Chiêu mộ nhân tài đang và có thể làm việc cho YouTube là bước tiến mới của Facebook nhằm thu hút những người trẻ đang có xu hướng rời xa mạng xã hội này. Vài người có thể cho rằng động thái này không cần thiết, bởi hầu hết những người trẻ rời Facebook đều chuyển sang sử dụng Instagram, một mạng xã hội khác của Facebook. Nhưng đừng quên đẩy mạnh nội dung video có thể giúp Facebook tạo ra được nhiều lợi nhuận, mang lại nhiều phương án và sản phẩm cho các nhà quảng cáo lựa chọn hơn.

Một lý do khác khiến Facebook bắt đầu chú trọng thu hút những tài năng sáng tạo video là bởi vị thế hiện tại của Facebook Watch. Nhiều người không ưa chuộng Facebook Watch vì những video có chất lượng không cao và thường xuyên bị lỗi khi tua lại. Trong khi đó YouTube lại nổi tiếng vì chất lượng hiển thị video cao và ổn định, một vài video còn có thể được phát dưới định dạng 8K. Như vậy trong khi dần cải thiện chất lượng hiển thị video, chất lượng video sẽ là yếu tố quan trọng để có thể lôi kéo khán giả và khiến họ trở nên trung thành hơn.

Chất lượng video sẽ là yếu tố quan trọng để có thể lôi kéo khán giả và khiến họ trở nên trung thành hơn.

Trở thành người sáng tạo nội dung của Facebook không phải là vấn đề đơn giản. Giống như YouTube, Facebook cũng có một loạt các yêu cầu để trả lương cho các nhà sáng tạo nội dung. Họ phải có ít nhất 10.000 người theo dõi và 30.000 lượt xem với thời lượng của mỗi lượt xem kéo dài ít nhất một phút. Những nhà sáng tạo này cũng cần có mặt trong các video trong vòng ba phút hoặc lâu hơn.

Điều kiện nói trên có vẻ khắt khe hơn so với YouTube. YouTube chỉ yêu cầu người làm nội dung có được 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng và có nhiều hơn 1.000 người theo dõi. Tuy vậy có thể thấy điểm chung của cả hai nền tảng nội dung video là đều nói không với những ai muốn kiếm tiền nhất thời. Cả hai nhắm tới những nhà sáng tạo nội dung có kinh nghiệm, hoặc những người quyết tâm xây dựng một đội ngũ người hâm mộ trung thành trên mạng xã hội, bởi chính họ mới là nhân tố quan trọng nhất tạo nên lợi nhuận lâu dài cho công ty.

Ian Morris
Nguồn Forbes Vietnam