M&A và chiến lược mở rộng kinh doanh
TS Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KH& ĐT khẳng định doanh nghiệp luôn hướng đến những tài sản mang tính chiến lược, như thương hiệu, mạng lưới phân phối...
* Tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến tháng 6/2018 ở Việt Nam đã đạt mức ấn tượng, khoảng 48,8 tỷ USD. Theo ông, yếu tố nào khiến M&A tăng mạnh trong thời gian qua?
M&A tăng mạnh là do khát vọng kinh doanh của doanh nghiệp lớn. Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp nước ngoài, nếu mua lại doanh nghiệp trong nước thì sẽ có lợi hơn như tận dụng được thương hiệu và mạng lưới kinh doanh, không mất quá nhiều thời gian và tiền bạc để khảo sát thị trường… Hơn nữa, quy trình thực hiện M&A cũng đơn giản hơn nhiều đầu tư một doanh nghiệp mới hoàn toàn.
Với doanh nghiệp nội, có khá nhiều lý do khiến họ muốn thực hiện M&A với đối tác nước ngoài, từ thỏa mãn nhu cầu vốn, nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho đến mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, phát triển mạng lưới phân phối…
Điều đáng mừng trong M&A ở Việt Nam là doanh nghiệp nội cũng đã bắt đầu thực hiện chiến lược thôn tính doanh nghiệp ngoại để hình thành thương hiệu lớn mang tầm cỡ quốc tế. Việc VinFast mua GM ở Việt Nam là ví dụ điển hình.
Tổng giá trị thương vụ M&A từ 2009 đến tháng 6/2018 đạt 48,8 tỷ USD với hơn 4.000 giao dịch, trong đó riêng năm 2017, giá trị M&A đã đạt mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD.
Chúng ta phải phân tích kỹ việc M&A tăng là do cơ cấu ngành thay đổi hay do nguyên nhân nào? Chẳng hạn với bất động sản (BĐS), các thương vụ M&A tăng mạnh là do thủ tục đất đai ở Việt Nam thường rất khó khăn, nên việc mua lại một doanh nghiệp đã hoàn thiện thủ tục thường dễ hơn rất nhiều cho nhà đầu tư…
M&A tăng hay không phụ thuộc nhà đầu tư nước ngoài đánh giá lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam như thế nào? Việc Việt Nam ký kết các FTA mới dẫn đến các dịch vụ tăng lên, khi đó nhà đầu tư sẽ nhảy vào dịch vụ nhiều hơn, thông qua hình thức M&A.
* Nhiều ý kiến cho rằng làn sóng M&A ở Việt Nam trong thời gian qua có cái gì đó không ổn vì đa số các thương hiệu lớn đều lọt vào tay doanh nghiệp ngoại, chẳng hạn như Sabeco rơi vào tay đại gia Thái? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Khi thực hiện các thương vụ M&A, các nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn vào những thương hiệu có thể tạo ra lợi nhuận tốt, hay các doanh nghiệp nội địa chiếm thị phần cao, có mạng lưới phân phối tốt… Sự gia nhập của các doanh nghiệp ngoại sẽ góp phần nâng cao năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang khát vọng có những doanh nghiệp lớn, thậm chí được ví như những “quả đấm lớn”, và chỉ thông qua M&A thì mới nhanh chóng đạt được mục tiêu này.
Đối với doanh nghiệp cổ phần, cổ đông nào sở hữu càng nhiều cổ phần càng có tiếng nói quyết định. Bởi vậy, việc đặt ra những điều kiện, quy định để buộc nhà đầu tư mua cổ phần phải theo, trái ngược với thị trường có lẽ không phải là thượng sách.
Khi bán vốn tại doanh nghiệp lớn, giá trị thương hiệu đương nhiên được đưa vào định giá doanh nghiệp. Nhà đầu tư đã bỏ tiền mua cổ phần, tức là họ đã mua thương hiệu và họ có quyền với thương hiệu đó. Bởi vậy, hơn ai hết, nhà đầu tư sẽ biết rõ việc giữ thương hiệu có lợi hay không.
Theo tôi, trừ những lĩnh vực nhạy cảm với vấn đề an ninh, chính trị, thì nên khuyến khích hoạt động M&A.
* Trong khi Mỹ, các nước châu Âu… đang rất cảnh giác, thậm chí chặn các M&A từ Trung Quốc, thì hoạt động này tại Việt Nam lại đang “rở rộ”. Theo ông, đối với các M&A có yếu tố nước ngoài, thì chúng ta cần lưu ý điều gì?
Thực ra chúng ta không mở rộng mà chỉ không có chiến lược phù hợp để kiểm soát hoạt động M&A. Ở nhiều nước không có việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, đây là đặc thù của Việt Nam. Việc chúng ta đang muốn đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN vô hình chung sẽ dẫn nhiều cơ hội hơn cho M&A. Còn về mặt chính sách, chúng ta không mở rộng việc mua bán doanh nghiệp.
Nếu chúng ta phân biệt về mặt chính sách, ví dụ chỉ một số nước mới được mua cổ phần thì sẽ không được, vì khi Việt Nam đã ký kết các FTA và gia nhập WTO, nếu làm như vậy sẽ vi phạm các quy tắc mà Việt Nam đã cam kết không phân biệt đối xử. Như vậy, chúng ta sẽ rất khó để có một chính sách riêng cho một quốc gia nào đó. Mặt trái của cam kết là phải thực hiện cam kết một cách công bằng với những nước đã ký kết.
Trong tất cả các điều khoản của các FTA vẫn có những điều khoản được bỏ ngỏ cho những vấn đề quốc phòng, an ninh. Đó là vẫn cho phép các nước dựng hàng rào khi gắn với vấn đề an ninh quốc gia, nhưng không phải lý do thương mại thông thường, vì nếu vi phạm về thương mại thì chắc chắn sẽ bị kiện. Có lẽ thời gian tới đây Việt Nam cũng cần phân định rõ vấn đề này để đảm bảo hoạt động M&A có hiệu quả, mà không ảnh hưởng tới tình hình an ninh, chính trị của đất nước.
* Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Việt
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp