“Con đường” Trường Hải

Quyết tâmbằng mọi giá để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải – Chu Lai tại Quảng Nam và có được những thành công lớn ngày hôm nay là điều mà ít, rất ít người nghĩ đến.

Bởi vào thời điểm bây giờ, muốn làm được điều đó, cho dù là doanh nghiệp nào, có tiềm lực rất lớn cũng chưa chắc đã thành công, chứ chưa nói đến quyết định đầu tư vào Chu Lai được Trường Hải, mà đứng đầu là Doanh nhân Trần Bá Dương bắt tay vào thực hiện từ cách đây hơn 15 năm.

Làm những điều không ai nghĩ

Nếu nói về sự vươn lên, thành công của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân hiện nay đều dễ nhận thấy xuất phát điểm của họ là thường thực hiện những dự án không ai nghĩ là sẽ thành công. Trường Hải (Thaco) cũng không ngoại lệ. Tại sao lại nói như vậy?

Phải nhấn mạnh lại rằng, khi biết được quyết định của Thaco hầu như tất cả các chuyên gia trong ngành, các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong ngành đều “lắc đầu” và không tin tưởng vào sự thành công của thương vụ này. Người thì bảo “liều quá”, người thì nói đây là quyết định “không bình thường”, người lại cho rằng làm như vậy là “hâm”… Ở vào thời điểm đó, những nhận xét như vậy lại cũng được xem là “bình thường” bởi có những nguyên do của nó.

“Con  đường” Trường Hải

Bối cảnh chung ngành ô tô Việt lúc đó xét cả góc độ chính sách lẫn thị trường đều khác hẳn bây giờ. Ngoài việc thị trường nhỏ, sức tiêu thụ chậm với sự chi phối của 11 liên doanh. Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô lúc đó chủ yếu dồn lực tập trung vào 4 tập đoàn nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân hầu như chưa được làm ô tô. Bối cảnh riêng của doanh nghiệp thì thời điểm những năm 2002 -2003, các nhà máy ô tô của các liên doanh chủ yếu tập trung vào các thành phố lón như TPHCM, Hà nội, Bình Dương, Đồng Nai… và những thành phố này cũng chính là thị trường lớn nhất, thuận lợi về tất cả các yếu tố liên quan cho việc vận hành một dự án ô tô. Bản thân trụ sở và nhà máy lắp ráp ô tô của Thaco lúc đó cũng đang ở Đồng Nai và TPHCM. Vì vậy, việc quyết định đầu tư vào Chu Lai, Quảng Nam khiến ai cũng ngỡ ngàng, bởi đầu tư vào đây thời điểm đó gặp muôn vàn khó khăn. Không chỉ đơn thuần là vốn, là công nghệ mà hai yếu tố quan trọng nhất là con người và hệ thống Logistic lúcđó đều bằng con số không.

“Chúng tôi có tên trên bản đồ thế giới về ô tô”

Lựa chọn đầu tư vào Chu Lại của Thaco lúc đó thực sự khác lạ, thực sự không giống ai. Nhưng đó là tại VN, chứ trên thực tế, các dự án, các nhà máy ô tô lớn của các tập đoàn ô tô hàng đầu trên thế giới, ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Philipines, Indonessia, Hàn Quốc, Nhật… đều đặt ở những vị trí tương tự như Chu Lai của Quảng Nam. Cái hay ở đây là Thaco đã đi tiên phong trong việc học hỏi “phong cách” của những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh trong khu vực, thể hiện tầm nhìn có chiều sâu mang tính chiến lược cũng như định hướng phát triển. Quan trọng hơn là khát vọng, là sự tự tin, sự quyết liệt đối mặt với rất, rất nhiều những khó khăn. Chính nhờ đó, khi vượt qua được những khó khăn ban đầu đó, Thaco đã lớn mạnh nhanh, rất nhanh, trở thành một “thế lực” ô tô thực sự trong nước, thậm chí là trong khu vực. “Thế lực” về ô tô của Thaco có những gì? Nhiều. Rất nhiều.

Đó là, từ một nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tải, xe buýt có công suất 25.000 xe/năm, diện tích 38ha, vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng đến nay tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Thaco đã xây dựng và đưa vào vận hành một khu liên hợp sản xuất, lắp ráp ô tô liên hoàn, lớn nhất VN. Thaco là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có các nhà máy sản xuất, lắp ráp đầy đủ các chủng loại ô tô, từ xe thương mại, xe chuyện dụng, xe du lịch.

“Sau 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco đã trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam và tôi cũng đã trở thành một doanh nhân lớn của đất nước.”

Trần Bá Dương
Chủ tịch HĐTV Thaco

Riêng xe du lịch, Thaco vẫn đang là doanh nghiệp duy nhất của VN sản xuất, lắp ráp và phân phối 5 thương hiệu nổi tiếng từ bình dân đến, trung cao cấp như Kia, Mazda, Peugeo, BMW, Mini Coper… Các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe du lịch này đều là những nhà máy tầm cỡ trong khu vực với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất được chuyển giao trực tiếp từ các tập doàn mẹ, vốn đầu tư lớn… Và chỉ sau 15 năm hoạt động, đến nay, tại Chu Lai, Thaco đã có 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logictics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng và được chia thành 2 khu: Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải và Khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai.

Điều đáng nhấn mạnh là hiện nay, Chu Lai – Trường Hải đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô của các thương hiệu quốc tế như: Kia - Hàn quốc, Mazda; Mitsubishi Fuso - Nhật bản, Peugeot - Pháp, và đang được xem là cứ điểm sản xuất ô tô lớn và hiện đại trong khu vực Asean với đầy đủ các chủng loại ô tô: tải, bus và du lịch; đầy đủ các phân khúc trung cấp đến cao cấp theo thương hiệu, đã bán ra hơn 594 ngàn xe chiếm 38% thị phần trong nước và đã xuất khẩu linh kiện phụ tùng với giá trị gần 20 triệu USD.

Có thể nói Thaco đã thực hiện cơ bản chiến lược hợp tác tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và gia tăng giá trị cho nền kinh tế đất nước thông qua phát triển công nghiệp hỗ trợ, với tỷ lệ nội địa hóa tăng dần theo hướng đảm bảo chất lượng và có hiệu quả. Đồng thời từ sự chuyển giao công nghệ nguồn, Thaco đã học tích lũy được công nghệ riêng của mình thông qua đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật được đào tạo và huấn luyện bài bản.

Linh Nguyên
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp