Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

Đằng sau thành công của Grab, Uber, Alibaba, Qualcomm, NVIDIA...những "công ty khởi nghiệp" lớn nhất thế giới là bóng dáng của một người đàn ông Nhật Bản - có thể xem như một Warrent Buffett của giới công nghệ.

Vóc dáng nhỏ bé của Masayoshi Son đối nghịch với quyền lực. Người đàn ông này là một trong những ông trùm đầu tư của giới công nghệ, chắp cánh cho những startup tỷ USD.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

Một buổi tối mùa hè năm 2016, Simon Segars tới dự bữa tiệc tại căn biệt thự xa hoa ở Woodside, California. CEO của nhà thiết kế chip ARM không hề biết rằng đây sẽ là một trong những buổi tối quan trọng nhất trong đời của ông.

Segars biết mình sẽ gặp những người trợ lý đắc lực nhất của Masayoshi Son, người sáng lập đồng thời là CEO của SoftBank. Ông hi vọng mình sẽ nhận được một khoản đầu tư đáng kể để thúc đẩy những sản phẩm mới mà ARM đang phát triển trong cả lĩnh vực smartphone và viễn thông.

Segars không nhận ra rằng ngoài ông Son, trong cuộc nói chuyện còn có sự xuất hiện của Ron Fisher, người trợ lý đã làm việc với ông Son hơn 30 năm và luôn có mặt mỗi khi vị CEO của SoftBank cân nhắc một hợp đồng quan trọng.

“Chúng tôi bắt đầu câu chuyện về AI và những công nghệ mang tính tương lai”, Segars kể lại, và ông Son bắt đầu cảm thấy hứng thú. Họ bàn luận sâu hơn về tiềm năng ứng dụng công nghệ của ARM để kết nối tất cả những sản phẩm khác trong cuộc sống: bàn ghế, tủ lạnh, xe, cửa và chìa khóa…

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

CEO SoftBank, ông Masayoshi Son công bố kế hoạch mua lại ARM vào năm 2016. Ảnh: Zuma Press.

Đây là lúc ông Son đặt một câu hỏi mà Segars, ở vị thế là nhà lãnh đạo của một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới chưa bao giờ nhận được: nếu tiền không phải là vấn đề thì công nghệ của ARM có thể tích hợp trên bao nhiêu thiết bị.

“Tôi nhớ lại lúc đó Simon đã tròn mắt ngạc nhiên”, Ron Fisher kể lại.

Chỉ vài ngày sau, Segars nhận được một cuộc gọi từ Tokyo. Ông Son muốn gặp ông và chủ tịch của ARM, ông Stuart Chambers ngay lập tức. Lúc đó Chambers đang có kỳ nghỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông Son không muốn đợi. Ông điều một chiếc máy bay riêng tới đón Segars, và gọi điện thuyết phục Chambers chuyển hướng du thuyền về vùng Địa Trung Hải.

Ngày hôm đó diễn tiến như một bộ phim James Bond: Segars hạ cánh gần làng Marmaris, Thổ Nhĩ Kỳ và được đón ngay tới một nhà hàng ở gần vịnh. Ông Son đưa ra đề nghị một cách thẳng thắn: ông muốn mua lại ARM với giá 32 tỷ USD, cao hơn 43% so với giá trị vốn hóa của ARM lúc bấy giờ. Phố Wall đã chấn động bởi mức giá lẫn tốc độ của thương vụ này.

Toàn bộ quá trình đàm phán chỉ kéo dài 2 tuần. Một bức ảnh trong chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ông Son đứng cạnh cảng Marmaris, nở nụ cười như thể ông biết rõ đây là một khoảnh khắc quan trọng như thế nào.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

Năm 2016, Masayoshi Son gặp gỡ một loạt những nhà đầu tư tiềm năng để bàn về dự án mới. Trước cuộc họp, ông nhìn lại bản trình bày do Rajeev Misra, người phụ trách dự án soạn thảo. Ông Son dừng lại ở trang nói về số tiền muốn gọi vốn: 30 tỷ USD.

Nếu kêu gọi được 30 tỷ USD, quỹ Vision Fund mà ông Son khởi xướng sẽ có số vốn lớn gấp 4 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất từ trước tới nay. Quy mô thị trường vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu vào khoảng 70 tỷ USD mỗi năm. Sau một hồi suy nghĩ, ông xóa số 3, thay bằng số 1 và thêm vào 1 số 0.

“Đời quá ngắn để suy nghĩ hạn hẹp”, ông Son nói với Misra, lúc đó đang sững sờ trước con số 100 tỷ USD.

300 năm. Đó là tầm nhìn mà Masayoshi Son đặt ra cho SoftBank vào 1990, chỉ hơn 10 năm sau khi công ty này hình thành. Trong hơn 20 năm qua, tầm nhìn của ông Son đã được chứng minh qua một loạt thương vụ đầu tư thành công.

Tuy nhiên, mục tiêu của ông Son còn lớn hơn thế. Ông muốn mỗi năm phải lập được một quỹ với giá trị 100 tỷ USD.

“Tôi cần nhiều tiền như vậy vì cuộc cách mạng về thông tin đang diễn ra, và để xây dựng nên một doanh nghiệp hiện thực hóa cuộc cách mạng này sẽ cần rất nhiều tiền, với thời gian đầu tư lâu dài”, ông Son giải thích về số vốn khổng lồ của quỹ Vision Fund.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệNhững khoản đầu tư lớn nhất của Vision Fund có thể kể tới Uber, ARM, NVIDIA, WeWork và Flipkart. Đây đều là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Số lượng những khoản đầu tư nhỏ hơn thì rất nhiều. Có thể kể đến Oyo, một công ty Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, Compass và OpenDoor, hai công ty bất động sản, và cả ByteDance, startup đang được quan tâm nhất hiện nay và sở hữu ứng dụng TikTok.

Sau hơn 3 năm, VisionFund đã đầu tư hơn 70 tỷ USD. Đây là con số khiến cho những chuyên gia tài chính ở Thung lũng Silicon cũng phải e dè. Không khó để hình dung câu hỏi mà ai cũng muốn biết câu trả lời: ông Son sẽ đầu tư vào công ty nào tiếp theo?

Son không trả lời câu hỏi này, nhưng ông đã nhiều lần bày tỏ quan điểm về khoản đầu tư sẽ trở thành “Alibaba thứ hai” của mình. Năm 2000, ông Son đầu tư 20 triệu vào một công ty thương mại điện tử mới toanh của Trung Quốc. Giá trị của khoản đầu tư đó ở thời điểm hiện tại lên tới vài chục tỷ USD.

Nếu chỉ biết đến WeWork như một startup về không gian làm việc chung, người ta sẽ không thể hiểu sự ưu ái của ông Son dành cho công ty này. Tiềm năng thật sự của WeWork nằm ở khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào môi trường làm việc, nơi chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày.

Khi cây viết Katrina Brooker của Fast Company tới văn phòng của WeWork, cô mới thực sự hiểu đâu là sự khác biệt của những không gian làm việc chung do công ty đầu tư.

Tại 335 điểm trên toàn thế giới, WeWork đều trang bị hệ thống cảm biến dày đặc ở bàn làm việc, ghế ngồi để hiểu được thói quen chuyển động của từng cá nhân, nhờ đó biết được họ muốn gì, cần gì vào một thời điểm nhất định.

Những dữ liệu này giúp cho không gian làm việc của WeWork luôn có thể điều chỉnh phù hợp với nhu cầu. Ví dụ, khi nhận thấy hàng người đứng chờ ở máy pha cà phê tại một văn phòng quá dài, WeWork ngay lập tức bổ sung thêm một máy pha thứ hai. Hoặc khi thấy một phòng họp lớn ít khi được sử dụng, công ty có thể sửa đổi thiết kế thành nhiều phòng nhỏ để tận dụng không gian hiệu quả hơn.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

“Chúng ta cũng có thể tới văn phòng Berlin ngay bây giờ”, Mark Tanner, một quản lý của WeWork nói. Với công nghệ Field Lens được WeWork mua lại năm 2017, những người giám sát có thể thao dõi và nhận biết mọi vấn đề về xây dựng, bảo trì. Một hình ảnh trực tiếp từ camera hiện lên. Phóng to lên, Brooker và Tanner có thể nhìn rõ một chiếc đinh bị vênh lên trên mặt sàn.

“Tôi sẽ cho khắc phục ngay”, Tanner nói thản nhiên.

“Về cơ bản, mọi đồ vật đều có thể trở thành một chiếc máy tính. Chúng ta đang nhìn vào tương lai, khi mà mọi thứ trong văn phòng này đều được kết nối và trở nên thông minh”, David Fano, Giám đốc phát triển của WeWork chia sẻ.

Tiềm năng của WeWork rất phù hợp với tầm nhìn của ông Son. Đó là lý do ông Son đầu tư hàng tỷ USD vào WeWork. Với số tiền đầu tư đó, WeWork đang liên tục mở rộng số văn phòng của mình.

Bên cạnh đó, nguyên nhân ông Son tin tưởng WeWork đến vậy còn nằm ở nhà đồng sáng lập và CEO Adam Neumann. Cả hai có mối quan hệ rất thân thiết, và một số người thân cận cho rằng ông Son nhận thấy Neumann giống như một phiên bản trẻ hơn của mình: luôn khát khao và hoạt động với nỗ lực tối đa.

Không chỉ là một nhà đầu tư, ông Son còn là một người cố vấn. Những kinh nghiệm của ông góp vai trò quan trọng trong sự phát triển của WeWork.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

Son lớn lên trong một gia đình nghèo, nhập cư từ Hàn Quốc những năm 1960 ở Kyushu, miền nam Nhật Bản. Cái tên của ông, Masayoshi, có nghĩa là “Chính nghĩa”.

Cha mẹ ông mong rằng cái tên này sẽ giúp cho ông tránh bị định kiến của một xã hội Nhật Bản phân biệt chủng tộc nặng nề lúc bấy giờ. Dù vậy, ông Son vẫn không tránh khỏi bị bắt nạt ở trường học.

Người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ông Son là cha ông. Một lần, khi ông Son kể với cha rằng sau này mình muốn làm giáo viên, ông Mitsunori, cha Son nói rằng con trai mình đang có ước mơ quá nhỏ.

“Cha tin con là một thiên tài. Con chỉ chưa nhận ra định mệnh của mình mà thôi”, tác giả Atsuo Inoue dẫn lại lời ông Mitsunori trong cuốn tự truyện về ông Son, xuất bản năm 2004.

Sau khi tốt nghiệp đại học UC Berkeley hai ngành kinh tế và khoa học máy tính, ông Son trở lại Nhật Bản và sáng lập SoftBank vào năm 1981. Lúc bấy giờ ông chỉ có hai nhân viên bán thời gian và còn chưa gặp một khách hàng nào, nhưng trong đầu ông đã nghĩ tới một kế hoạch 50 năm cho công ty bán phần mềm của mình.

Khi ông chia sẻ tham vọng của mình với hai nhân viên là đạt doanh thu 75 triệu USD sau hai năm, cả hai đều nghỉ việc ngay lập tức.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

Son cũng là một trong những “cá mập” đầu tiên của thời đại Internet. Ông đầu tư sớm vào những công ty như Yahoo và E-Trade. Năm 1997, một tạp chí tại Silicon Valley đã gọi SoftBank là nhà đầu tư Internet năng động nhất.

Tháng 1/2000, hai tháng trước khi bong bóng Internet xịt, ông Son cho biết mình sở hữu khoảng 7% cổ phần ở mọi công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực Internet, thông qua 100 khoản đầu tư. Ông cho biết tài sản của mình có lúc tăng 10 tỷ USD mỗi tuần, và còn vượt qua cả tỷ phú Bill Gates trong vài ngày.

Nhưng chẳng mấy chốc, bong bóng dotcom vỡ tan. Cổ phiếu của SoftBank cũng như hàng loạt khoản đầu tư của ông Son vào những công ty như Buy.com, Webvan và thậm chí cả Yahoo đều mất giá. Ông Son không hề nao núng. Ông bỏ thêm tiền để đầu tư nhiều hơn vào các công ty Internet, ngay giữa khủng hoảng.

Tháng 3/2001, WSJ cho biết SoftBank đã đầu tư vào 600 công ty Internet. Cũng vào thời điểm đó, cổ phiếu của công ty mất 90% giá trị, và lượng tài sản 70 tỷ USD của ông Son cũng bốc hơi.

“Phần lớn mọi người, sau khi trải qua những gì ông ta đã gặp, đều sẽ mất niềm tin. Tôi chưa bao giờ thấy một người không biết sợ hãi như vậy”, Michael Ronen, người từng làm việc với ông Son hơn 20 năm cho biết.

“Trên mạng, mọi thứ đều xảy ra rất nhanh. Vì vậy bạn luôn phải làm điều khác biệt”, ông Son chia sẻ trong một bài phỏng vấn năm 2000.

Cũng trong năm này, ông bỏ 20 triệu USD để mua lấy 34% cổ phần của một công ty thương mại điện tử Trung Quốc, do một cựu giáo viên tiếng Anh tên Jack Ma (Mã Vân) thành lập. 14 năm sau, khi Alibaba thành công ty đại chúng, khoản đầu tư này có giá trị 50 tỷ USD.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

Ông Son nhỏ người và giọng nói cũng rất nhẹ nhàng. Những người thân quen thì cho rằng ông nhanh nhạy, khiêm tốn và hay lấy bản thân làm trò đùa. Ông Son rất hâm mộ loạt phim Star Wars. Khi được hỏi ông nghĩ gì khi quyết định một khoản đầu tư, ông Son trả lời rằng ông “nghe theo Thần lực”, trường năng lượng kết nối mọi vật thể trong Star Wars.

Người ngoài có thể biết tới ông Son từ những thương vụ mua bán cá nhân gây chú ý của ông. Năm 2012, ông Son bỏ 117 triệu USD để mua một căn biệt thự ở Woodside, California. Đó là căn nhà đắt đỏ nhất nước Mỹ vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, ông Son cho rằng ông mua căn nhà đơn giản vì ông không thích ở khách sạn, muốn một nơi thoải mái để ở mỗi khi tới Silicon Valley.

Sở thích ăn mặc của ông khá đơn giản. Trong một lần gặp gỡ phóng viên của Bloomberg, ông không ngại ngần khoe chiếc áo len của Uniqlo, thương hiệu thời trang bình dân của Nhật.

“Đôi giày của tôi có giá 50 USD. Còn cái áo bên trong cũng của Uniqlo, và chất lượng của nó rất tốt”.

Kể cả khi gặp gỡ những nhà sáng lập, ông Son cũng hiếm khi ăn mặc nghiêm túc. Khi CEO của Nauto gặp ông Son lần đầu tiên, ông mặc quần jeans và đi dép xỏ ngón.

“Tôi đã từng gặp rất nhiều nhà sáng lập trẻ hồi hộp và lo ngại trước khi gặp Masa (cách gọi ngắn gọn của Masayoshi – PV) lần đầu tiên. Cuối cùng, họ đều thoải mái chia sẻ với ông về giấc mơ của mình”, Fisher kể lại.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

Những người đồng nghiệp thì cho rằng ông Son hạnh phúc nhất khi được nói chuyện với những nhà sáng lập, đưa ra định hướng hoặc suy nghĩ về sản phẩm.

“Nếu Masa có thể dành cả ngày để làm điều ông thích nhất, thì đó hẳn là gặp gỡ với những doanh nhân”, Marcelo Laure, Giám đốc vận hành của SoftBank chia sẻ.

Lợi nhuận không phải là thứ ông Son quan tâm nhất trong những cuộc gặp. Điều ông muốn biết là công ty liệu có thể đi nhanh tới đâu. Mối quan tâm của ông dường như có sự ảnh hưởng rất lớn tới những nhà sáng lập.

“Masa từng nói với tôi, tham vọng của nhà sáng lập là giới hạn duy nhất cho khả năng của công ty”, Robert Refkin, nhà sáng lập và CEO của Compass, một công ty được VisionFund đầu tư chia sẻ.

“Làm sao tôi có thể giúp công ty của anh lớn lên 100 lần nhỉ” là một câu hỏi khác mà ông Son đặt ra cho Sam Zaid, CEO của nền tảng chia sẻ xe Getaround.

Dave Grannan, nhà sáng lập của Light từng gặp ông Son ở văn phòng của ông để giới thiệu về công nghệ camera do công ty mình phát triển. Trong lúc trình bày, ông Son hướng ống kính lên bức tranh chân dung một người đàn ông Nhật Bản treo trên tường, rồi đưa lại chiếc camera cho Grannan mà không nói gì.

Sau đó, Grannan mới tìm hiểu và biết được bức chân dung treo trên tường là của Sakamoto Ryoma, một chính trị gia Nhật Bản vươn lên từ tầng lớp phổ thông và được coi là cha đẻ của Hải quân Nhật hiện đại". Ryuma chính là thần tượng của ông Son.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

“Mỗi buổi sáng tới văn phòng, bức tranh luôn giúp cho tôi nhớ rằng mình cần phải ra một quyết định xứng đáng như những gì Ryoma đã làm được. Ông ấy chính là người mà tôi nhìn vào từ khi còn bé”, ông Son từng kể lại trong một bài phỏng vấn.

Một chiến lược yêu thích của ông Son là đầu tư vào nhiều công ty cùng hoạt động trong một lĩnh vực. Trước khi SoftBank đầu tư vào Uber, họ đã đầu tư vào hàng loạt đối thủ khác như Grab, Didi Chuxing và Ola Cabs. Quyết định đầu tư của ông Son lúc đó vấp phải một loạt sự phản đối từ các công ty nói trên.

Son và đồng nghiệp thích nói về chiến lược đầu tư bằng hình ảnh đàn chim bay theo đội hình, trong tiếng Nhật gọi là gun-senryaku. Một trong những cách hợp tác mà ông luôn kêu gọi là những công ty sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau. Compass và Uber đều thuê địa điểm của WeWork. Mapbox, hệ thống điều hướng sử dụng AI ký kết sử dụng với Uber vào năm 2018.

Đây chính là cách mà những công ty được đầu tư liên kết với nhau để tạo ra một lợi thế cạnh tranh đáng kể.

"Bạn không muốn tới bất cứ đâu cũng phải cạnh tranh. Tốt nhất là đối thủ nên hợp tác với Grab, và Vision Fund sẽ đầu tư cho sự hợp tác này", ông Son mô tả kế hoạch để Grab trở thành đầu tàu về hợp tác startup tại Đông Nam Á.

“Ý tưởng hoạt động kiểu gia đình thực sự có tác dụng. Chúng tôi xây dựng được niềm tin vào nhau để hướng tới một tầm nhìn chung”, CEO Nauto Stefan Heck chia sẻ.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

Cuối năm 2018, ông Son và Vision Fund lâm vào khủng hoảng sau vụ chính phủ Ả Rập Saudi giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Ngay lập tức, ông Son gặp rắc rối vì 45 tỷ USD mà quỹ đầu tư của chính phủ Ả Rập bơm vào quỹ Vision Fund thứ hai.

“Thời điểm này, mọi CEO nhận đầu tư từ SoftBank đều đối mặt với nguy cơ bị phản đối. Không ai muốn liên quan đến những đồng tiền dính máu cả”, một nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon chia sẻ sau khi vụ việc xảy ra.

Áp lực đối với ông Son lúc đó là rất lớn. Nhiều công ty trong mạng lưới của Vision Fund đã lên tiếng phản đối vụ giết người. ông Son cũng nhanh chóng tránh xa những mối liên quan tới chính phủ Ả Rập Saudi. Dù vậy, sau cuộc gặp với Thái tử nước này, ông có vẻ yên tâm hơn.

“Mặc dù đó là một sự việc rất kinh khủng, chúng tôi không thể quay lưng lại với những người dân Ả Rập Saudi. Chúng tôi muốn giúp họ tiếp tục nỗ lực cải cách và hiện đại hóa xã hội”, ông Son nói sau khi công bố kế hoạch đầu tư 1,2 tỷ USD vào hệ thống điện mặt trời bên ngoài thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi.

Một trong những lý do ông có thể tự tin là nhờ mạng lưới mối quan hệ của mình. Ông Son quan hệ tốt với những tỷ phú như Bill Gates, Waren Buffett, Jack Ma và cả những nhà lãnh đạo như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Nahendra Modi hay Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Masayoshi Son - ông trùm đằng sau những đế chế công nghệ

Ông Masayoshi Son sẽ vẫn là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong làn sóng công nghệ tiếp theo. Ảnh: Forbes.

Son đang liên tục làm việc để đảm bảo Vision Fund có thể tồn tại mà không cần tiền của Ả Rập. Một loạt ngân hàng và định chế tài chính như Goldman Sachs, Mizuho Financial, Sumitomo Mitsui Financial và Deutsche Bank đã đồng ý với khoản vay 13 tỷ USD của SoftBank. Quỹ đầu tư này cũng đang tìm kiếm những ứng viên mới. Nhà phát triển cửa sổ thông minh View, robot nấu ăn Zume và ByteDance đều đã nhận được những khoản đầu tư lớn.

“Đây mới chỉ là sự khởi đầu”, CEO của Vision Fund Rajeev Misra chia sẻ. Trong năm 2019, quỹ đầu tư này sẽ bỏ tiền vào hàng chục startup với công nghệ AI, nâng con số công ty được đầu tư lên 125.

Những công ty trong mạng lưới của Vision Fund, nếu thành công, sẽ làm thay đổi các ngành công nghiệp quan trọng nhất của thế giới: ngành bất động sản với giá trị 228 nghìn tỷ USD, ngành vận tải với giá trị 5,9 nghìn tỷ USD, và ngành bán lẻ với giá trị 25 nghìn tỷ USD.

Tất nhiên, ông Son không phải là người luôn luôn thành công. Một yếu tố kinh tế, chính trị rất có thể sẽ làm hỏng kế hoạch của ông. Rất có khả năng một khoản đầu tư hàng tỷ USD của ông Son sẽ trở thành lãng phí.

Dù vậy, ông Son không có thời gian lo nghĩ. “Chắc chắn sẽ có những lúc thuận lợi và khó khăn, nhưng SoftBank thì luôn luôn tồn tại”, ông Son nói.

Không phải các CEO công nghệ giàu sụ như Jeff Bezos, Mark Zuckerberg hay Elon Musk, chính nhà đầu tư quyền lực như ông Son Masayoshi mới là người có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới với làn sóng công nghệ tiếp theo. Những vị tỷ phú kia có thể có tiền, nhưng không ai có được một sự kết hợp hoàn hảo cả về tham vọng, trí tưởng tượng và sự dũng cảm như người đàn ông Nhật Bản nhỏ con này.

Thiết kế: Châu Châu

Anh Lê / Fast Company / Bloomberg
Nguồn Zing News