P/S còn hay mất?

Bài viết dưới đây là hồi ức của nguyên Giám đốc Công ty Hóa phẩm P/S - một thương hiệu Việt vang danh một thời...

Khi vào Việt Nam, năm 1994, Unilever Group đã đến đề nghị liên doanh với Công ty Hóa phẩm P/S thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM. Tôi báo cáo lên lãnh đạo TP.HCM, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó chủ tịch phụ trách kinh tế trả lời ngành hóa mỹ phẩm không cần phải liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài vì đủ sức sản xuất bột giặt, kem đánh răng, nước hoa với chất lượng khá, đủ cung cấp cho thị trường.

Nhưng rồi do xu thế hội nhập với nền kinh tế thế giới và trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp đa quốc gia vào Việt Nam đầu tư làm ăn, như Coca-Cola, PepsiCo., Colgate Palmolive, Procter & Gamble (P&G) Cargill, GE... đã làm lãnh đạo Thành phố lo Công ty Hóa phẩm P/S "hụt hơi" nên chỉ đạo tôi làm đề án phân tích nếu liên doanh thì lợi hại thế nào. Bản thân tôi cũng hoang mang, dù sản phẩm của Công ty đang tiêu thụ rất tốt, chiếm đến 60% thị phần kem đánh răng từ bắc miền Trung trở vào.

Nhưng nghĩ đến lâu dài, liệu Công ty Hóa phẩm P/S có tồn tại nổi không khi mà Colgate, Unilever, Procter & Gamble - những tập đoàn khổng lồ đang ráo riết thâu tóm nhiều doanh nghiệp non trẻ Việt Nam, nhất là trong ngành hàng tiêu dùng nhanh và hóa mỹ phẩm.

P/S còn hay mất?

Và nếu liên doanh thì với trách nhiệm của một giám đốc, tôi phải tính toán thế nào để Nhà nước, Công ty và anh chị em lao động có lợi nhất. Trong những năm đầu thập niên 1990, lãnh đạo doanh nghiệp quốc doanh chưa chú ý nhiều đến thương hiệu, bản thân tôi cũng chưa có kiến thức sâu về loại tài sản vô hình này, nên cứ băn khoăn không biết tính toán giá trị thương hiệu kem đánh răng P/S bao nhiêu là hợp lý.

Cấp trên giục phải sớm có đề án liên doanh, tôi lên Sở Kế hoạch và Đầu tư hỏi cách tính giá trị thương hiệu. Lãnh đạo Sở đưa ra công thức: lấy lợi nhuận ba năm qua cộng với lợi nhuận dự báo hai năm kế tiếp thì ra giá trị thương hiệu. Tính toán theo công thức ấy thì thấy giá trị thương hiệu của P/S khoảng 3,5 triệu USD, quá thấp.

Khi ông Jacques Ferriere được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện Unilever Việt Nam đến đàm phán liên doanh với Hóa phẩm P/S, tôi đưa ra ba điều kiện: 1. Nếu Công ty Hóa phẩm P/S công khai bản chiết tính giá thành sản xuất kem P/S thì Unilever cũng phải công khai bản chiết tính giá thành sản xuất kem Closeup. 2. Khi liên doanh, kem P/S phải có lãi trong năm đầu tiên. 3. Đảm bảo việc làm cho công nhân của Hóa phẩm P/S.

Hình như thấy những điều kiện tôi đưa ra không quá khó đối với Unilever, ông Jacques Ferriere nói là sẽ sớm trả lời.

Tháng 2/1994, tôi sang Melbourne, (Úc) có việc riêng, rất ngạc nhiên khi thấy ông Louis Hồ Tấn Tài - người Pháp gốc Việt, tiến sĩ, làm việc cho Unilever, tìm đến khách sạn nơi tôi thuê phòng. Ông Louis đã cao tuổi, là dân Cần Thơ, ăn nói bộc trực, khuyên tôi nên liên doanh với Unilever càng sớm càng tốt vì có lợi cho cả đôi bên.

P/S còn hay mất?

Rõ ràng Unilever cử ông Louis - đồng hương của tôi sang Úc là có ý đồ thuyết phục tôi chấp nhận liên doanh và chứng tỏ họ sốt ruột vì ngại đối thủ Colgate Palmolive "hớt tay trên", tức trả cao giá để có được thương hiệu P/S. Tôi nói với ông Louis, muốn liên doanh, Unilever phải trả 5 triệu USD giá trị thương hiệu kem đánh răng P/S, các khoản khác tính sau. Ông Louis tỏ ra thận trọng: "Chú nói giá ấy là quá cao". Tôi nói Unilever không chịu thì thôi, bởi Nhà nước Việt Nam không ép tôi phải liên doanh.

Sáu tháng sau ngày đó, Unilever đồng ý trả 5 triệu USD giá trị thương hiệu P/S theo yêu cầu. Tôi báo cáo số tiền mà Unilever chấp nhận lên cấp trên, lãnh đạo UBND TP. HCM đồng ý.

Nhiều đêm tôi mất ngủ vì nghĩ cách làm sao để Unilever phải chấp nhận một số điều kiện nữa ngoài giá trị thương hiệu, như mua máy móc mới, tiền đền bù công lao đóng góp của công nhân xây dựng nên thương hiệu P/S.

Ông Jacques Ferriere thay mặt Unilever đem hợp đồng ghi nhớ do họ soạn thảo đến làm việc với tôi. Đi với ông có luật sư và chuyên gia kinh tế, còn thời ấy Việt Nam hầu như chưa có luật sư kinh tế và cũng chưa có thói quen thuê mướn luật sư.

Dự thảo hợp đồng ghi nhớ với các nội dung: Hai bên đồng ý thành lập Công ty Liên doanh Elida - P/S. Hai công ty mẹ của Công ty Liên doanh Elida - P/S là Tập đoàn Unilever và Công ty Hóa phẩm P/S. Hai bên bảo đảm việc làm cho công nhân. Hợp đồng còn ghi: Elida mua ống kem nhôm của công ty mẹ P/S với giá và chất lượng cạnh tranh.

P/S còn hay mất?

Trong cuộc đàm phán kế tiếp, tôi nói: "Máy móc của Công ty Hóa phẩm P/S có từ đầu thập niên 1960, nếu Unilever muốn liên doanh thì trang bị cho P/S một dàn máy làm ống nhôm mới. Đại diện Unilever hỏi dàn máy ấy là của nước nào và thương hiệu gì.

Tôi nghĩ ngay đến một thương hiệu nổi tiếng của Cộng hòa Liên bang Đức là Hinterkopft với giá 3,3 triệu USD, rồi đưa catalogue cho ông Jacques Ferriere xem. Thấy yêu cầu của tôi hợp lý, bởi mua dàn máy Hinterkopft cũng là để gia công cho Liên doanh Elida - P/S, với lại Unilever "sốt ruột" muốn ký biên bản liên doanh sớm vì đàm phán đã kéo dài từ đầu năm 1994 đến giữa năm 1996 vẫn chưa xong.

Mặc dù qua đàm phán đã đạt được những lợi ích không nhỏ cho Nhà nước, nhưng tôi vẫn băn khoăn về công ăn việc làm của 500 anh chị em cán bộ - công nhân viên của Công ty đã góp sức xây dựng nên thương hiệu P/S. Tính tới tính lui, để "chắc ăn", tôi yêu cầu Unilever chi 3,5 triệu USD trợ cấp cho 500 công nhân trước khi liên doanh, tỷ giá lúc đó là 11.000đ/USD, tức 40 tỷ đồng.

Hai tháng sau, Unilever đồng ý tất cả những yêu cầu ấy.

Mất gần ba năm thương thảo, đàm phán mới thỏa thuận được những điều khoản căn bản, tôi làm báo cáo gửi các cơ quan có chức năng đề nghị cho phép Công ty Hóa phẩm P/S liên doanh với Tập đoàn Unilever, và được chấp thuận vào ngày 20/7/1996. Số tiền các khoản Unilever trả cho phía Việt Nam để được liên doanh là 11.800.000 USD.

Ngoài một số điều khoản như trong hợp đồng ghi nhớ đã nói ở trên, hợp đồng liên doanh do P/S soạn thảo còn có mấy khoản, như Liên doanh Elida - P/S phải có lãi ngay năm đầu tiên. Cấp bậc mỗi bên ngang nhau thì lương bằng nhau.

P/S còn hay mất?

Chế độ nghỉ phép từ cán bộ đến công nhân viên trong liên doanh mỗi năm một lần và được thanh toán theo luật Lao động Việt Nam; con đi học, tiền thuê nhà ở, tiền chơi thể thao, giải trí, Công ty Liên doanh Elida - P/S không thanh toán. Hợp đồng phải chặt chẽ như thế để chống việc doanh nghiệp nước ngoài "ăn" vào liên doanh quá mức.

Sau này có những tờ báo viết, nhà nước đã bán Công ty Hóa phẩm P/S với giá quá hời, thậm chí có tờ báo còn cho rằng Công ty Hóa phẩm P/S gần như "biếu không" thương hiệu P/S cho Unilever. Họ không biết rằng, trước khi liên doanh, từ Công ty Hóa phẩm P/S đến lãnh đạo TP.HCM đã tính toán, cân nhắc rất kỹ lợi hại mới đi đến quyết định.

Là người trong cuộc, tôi thấy mình đã làm hết sức để đem lại quyền lợi cho Nhà nước và quyền lợi cho cán bộ, công nhân viên của Công ty. Tôi cũng tự hào vì nhờ có thương hiệu P/S mà có đến hai tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới muốn liên doanh với Công ty Hóa phẩm P/S và ngay năm đầu liên doanh, công ty mẹ P/S đã được chia lãi trên 30 tỷ đồng.

Bây giờ nghĩ lại, nếu những năm 1996 - 1997 không liên doanh thì vài năm sau, thương hiệu P/S cũng giống như các thương hiệu Việt bột giặt Tico, nước ngọt Hòa Bình, Rừng Hương... sẽ dần mất hút trên thị trường. Suy cho cùng, khi đã nổi tiếng, dù có bị mua lại thì thương hiệu ấy, như P/S, Bia Sài Gòn, Nokia chẳng hạn, không mất đi, chỉ là đổi chủ mà thôi.

Nguyễn Hùng Việt
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn