Nghiên cứu thị trường online: Rẻ, nhanh và khách quan

Trong một cơ chế sản xuất đang đi về hướng bão hòa như hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lao đao với các vấn đề nảy sinh trong kế hoạch tìm thị phần mới, hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm / dịch vụ để tăng lợi thế cạnh tranh nhằm tăng lợi nhuận.

Việc nắm thông tin và hiểu rõ khách hàng / người tiêu dùng, vị thế hiện tại của công ty cũng như các đối thủ cạnh tranh là một trong những yếu tố thiết yếu để có thể tạo ra các kế hoạch chiến lược trung và dài hạn cho công ty.

Nghiên cứu thị trường online: Rẻ, nhanh và khách quan

Một mẫu báo cáo Nghiên cứu thị trường do Công ty TNHH W&S thực hiện

Theo ông Fujii Yoshio - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường W&S: “Cụm từ “nghiên cứu thị trường” ngày càng phổ biến tại Việt Nam, nhưng việc sử dụng các dịch vụ này thì đa số tập trung tại các công ty nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc sử dụng dịch vụ này, hoặc nếu có, họ vẫn còn khá e dè về vấn đề chi phí”.

Thực tế, chi phí để thực hiện một cuộc nghiên cứu / khảo sát không phải là một con số nhỏ, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số mẫu khảo sát càng lớn thì độ chính xác của dữ liệu càng cao, nhưng đồng nghĩa số tiền dành cho cuộc nghiên cứu cũng tăng theo.

Nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp, nhiều công ty nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển dịch vụ nghiên cứu thị trường trực tuyến (online), nhằm tối ưu hóa quy trình nghiên cứu và dữ liệu thu thập với thời gian và chi phí thấp hơn so với các phương pháp nghiên cứu thị trường truyền thống.

Dựa trên kết quả thu thập được từ các cuộc “nghiên cứu thị trường”, các chủ doanh nghiệp, chuyên viên marketing, phát triển kinh doanh có thể đề ra phương án cho các chiến lược như: Thâm nhập thị trường mới; định vị thương hiệu; đánh giá sản phẩm / dịch vụ; phát triển sản phẩm / dịch vụ mới; nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng.

Ông Fujii Yoshio chia sẻ: “Nghiên cứu thị trường trực tuyến không còn xa lạ ở nước ngoài. Tuy nhiên, ở một số nước tại khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam, dịch vụ này còn khá mới mẻ. Các doanh nghiệp đã quen với các phương pháp nghiên cứu thị trường truyền thống (phỏng vấn mặt đối mặt), còn bỡ ngỡ và chưa thật sự an tâm với hình thức lấy ý kiến trực tuyến. Lý do được đưa ra là với các đáp viên trên internet, không phải dễ dàng để kiểm tra xem người đó có thật sự tồn tại. Ngoài ra, với hình thức trực tuyến, các doanh nghiệp không thể áp dụng các phương pháp nghiên cứu như thử vị của sản phẩm mới, thảo luận nhóm trực tiếp hoặc phỏng vấn chuyên sâu”.

Nhưng theo ông, “so với phương pháp truyền thống, nghiên cứu thị trường trực tuyến ít chi phí hơn, tốc độ thu thập dữ liệu nhanh hơn, tiết kiệm thời gian của đáp viên, thông tin thu thập khách quan hơn vì đáp viên không bị tác động bởi người phỏng vấn. Đó là những lợi thế lớn của nghiên cứu trực tuyến, đặc biệt với các mục đích khám phá, đánh giá thị trường, đo mức độ hài lòng của người tiêu dùng”.

Với hơn 31 triệu người dùng internet (theo thống kê của Internetwordstats năm 2012), và con số này đang ngày càng tăng, Việt Nam là “mảnh đất” màu mỡ để phát triển dịch vụ nghiên cứu thị trường trực tuyến. Tuy nhiên, tại Việt Nam một số công ty có dịch vụ này hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp bảng khảo sát trực tuyến, chứ chưa thật sự gầy dựng được một danh sách các đáp viên trực tuyến để có thể đưa ra kết quả khảo sát mang tính bao quát.

Để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp những kết quả toàn diện và chính xác nhất có thể về thị trường và người tiêu dùng, yêu cầu đặt ra với các công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến là phải xây dựng được một “cộng đồng” khảo sát với các đáp viên đa dạng về độ phủ miền địa lý và yếu tố nhân khẩu.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn