Airbnb vẫn tự tin dẫu gặp khó nhiều nơi

Airbnb và mô hình dịch vụ phòng nghỉ dạng chia sẻ của nó vẫn còn sức thu hút, dù gặp sự phản đối và cấm đoán tại nhiều thành phố trên thế giới.

Airbnb, viết tắt của cụm từ “AirBed and Breakfast”, được thành lập vào năm 2008 ở San Francisco (Mỹ). Đây là một công ty chuyên kết nối khách cần thuê nhà, thuê phòng với những người có phòng, nhà cho thuê trên khắp thế giới thông qua trang web airbnb.com hoặc ứng dụng Airbnb trên thiết bị di động. Với ưu điểm như giá thuê phòng rẻ hơn khách sạn, nhưng chất lượng không tồi… Airbnb đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng.

Tính đến nay, Airbnb có mặt tại hơn 190 quốc gia. Đối với nhiều người, mỗi lần chuẩn bị ra nước ngoài, một trong ba chuyện phải làm trước nhất là tìm chỗ để thuê ở thông qua Airbnb. Với 120 đô Mỹ, bạn chỉ có thể thuê một phòng hạng bình thường trong một khách sạn nhỏ ở Tokyo hoặc New York. Nhưng cũng với số tiền đó, thông qua Airbnb, bạn sẽ thuê được cả một căn hộ đầy đủ tiện nghi với bếp, máy giặt… trong một chung cư hạng trung ở hai thành phố này, nơi giá cả thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới.

Từ lo ngại đến muốn kiểm soát

Việc cho thuê phòng, nhà thông qua Airbnb phát triển mạnh mẽ đã khiến nhiều chủ khách sạn, đặc biệt là chủ khách sạn có quy mô nhỏ, lo ngại. Họ cho rằng nếu Airbnb vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện nay, không bao lâu nữa, phòng và nhà cho thuê thông qua Airbnb sẽ giành mất thị phần của họ.

Airbnb vẫn tự tin dẫu gặp khó nhiều nơi

Không chỉ ảnh hưởng đến giới kinh doanh khách sạn, sự phát triển của Airbnb còn khiến cho chính quyền ở nhiều nơi lo ngại. Họ cho rằng mô hình kinh tế chia sẻ này có thể khiến giá cho thuê nhà tăng cao. Mặt khác, vì khách thuê phòng qua Airbnb không đăng ký lưu trú nên chính quyền địa phương cũng khó lòng mà quản lý việc lưu trú của khách du lịch và các loại khách khác.

Mới đây, hàng loạt các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Pháp đã đề ra quy định cụ thể cho dịch vụ của Airbnb. Singapore đã có quy định mới về cho thuê nhà ở, theo đó sẽ phạt nặng những chủ cho thuê phòng, nhà ngắn hạn (dưới 30 ngày) thông qua Airbnb. Thái Lan cũng không cho phép thuê thông qua Airbnb dưới 30 ngày.

Nhật Bản quy định việc cho thuê thông qua Airbnb phải đăng ký với chính quyền địa phương, và chỉ được cho thuê tối đa 180 ngày/năm. Chính quyền địa phương cũng có quyền đặt thêm quy định cho loại hình này. Chẳng hạn, chính quyền thành phố Kyoto buộc người cho thuê hoặc đại diện của họ phải ở cách nơi cho thuê 800 mét (trong trường hợp họ không cư trú ngay tại nơi cho thuê).

Chính quyền Tokyo đã cấm hẳn việc cho thuê thông qua Airbnb ở Quận Ota-ku, nơi có Sân bay quốc tế Haneda. Người cho thuê nhà, phòng thông qua Airbnb ở Quận Chuo-ku, nơi có khu Ginza nổi tiếng về mua sắm, ăn uống và giải trí của Tokyo, chỉ được cho thuê hai ngày cuối tuần.

Airbnb vẫn tự tin dẫu gặp khó nhiều nơi

Kể từ đầu năm 2019, 18 thành phố Pháp trong đó có các thành phố lớn như Paris, Bordeaux, Lyon cũng đã bắt đầu áp dụng mức giới hạn cho thuê 120 ngày/năm đối với người cho thuê nhà thông qua Airbnb. Airbnb cũng thông báo sẽ áp dụng chế độ tự động ngăn chặn những chủ nhà cho thuê quá số ngày theo quy định mới.

Sống khỏe nhờ đáp ứng đúng nhu cầu

Vấp phải sự phản đối từ nhiều phía và phải chịu không ít biện pháp hạn chế, nhưng mô hình kinh doanh chia sẻ phòng kiểu Airbnb đã đáp ứng tốt nhu cầu của người cho thuê lẫn khách trọ.

Đối với khách thuê phòng, lợi ích lớn nhất chính là tiết kiệm được tiền khi đi du lịch. Một số người còn xem việc thuê nhà qua Airbnb là dịp được ở cùng với người địa phương, qua đó có thể tìm hiểu được thêm về văn hóa, lịch sử, xã hội bản địa…

Airbnb có xếp hạng các chủ nhà. Chủ nhà nếu cung cấp dịch vụ tốt, đón tiếp và chăm sóc tận tình khách trọ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, thậm chí còn được tặng danh hiệu “Siêu chủ nhà” (Superhost). Nhờ cơ chế này, nhiều khi khách trọ và chủ nhà trở nên thân thiện quý mến nhau, trở thành những người bạn với những kỷ niệm tốt đẹp. Việc này cũng góp phần quảng bá cho danh tiếng của Airbnb.

Nhìn từ góc độ khác, sự cạnh tranh từ Airbnb còn là một cơ hội để khách sạn truyền thống thay đổi theo hướng hoàn thiện hơn. Airbnb có nhiều cách để giữ chân khách hàng trung thành mà chủ các khách sạn có thể học hỏi: ưu tiên đặt chỗ, tặng voucher đặt chỗ, đánh giá thăng hạng cho khách…

Airbnb vẫn tự tin dẫu gặp khó nhiều nơi

Về phía người cho thuê, việc chia sẻ phòng giúp họ tận dụng được phòng trống để có thêm thu nhập mà không tốn quá nhiều công sức. Đối với một số chủ nhà, cho thuê lại phòng trống cũng là một kênh đầu tư tương đối an toàn.

Trên thực tế, Airbnb là một trong số ít những doanh nghiệp khởi nghiệp mới nổi (unicorn) liên tục tăng trưởng mạnh và sinh lời lớn. Năm 2017, Airbnb đạt doanh thu 2,6 tỉ đô la Mỹ và lãi ròng 80 triệu đô la. Chỉ tính trong quý 3-2018, Airbnb đạt doanh thu kỷ lục hơn 1 tỉ đô la Mỹ, cho thấy một năm thành công nữa của công ty. Airbnb còn đặt mục tiêu doanh thu lên đến 8,5 tỉ đô la năm 2020, thể hiện sự tự tin lớn vào tương lai của mô hình kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng nghỉ dạng chia sẻ.

Mặc khác, Airbnb vẫn còn chưa khai phá hết nhiều thị trường tiềm năng hứa hẹn. Từ đó dẫn đến việc nhiều ứng dụng tương tự như Airbnb vẫn tiếp tục được giới thiệu như ứng dụng Xiaozhu ở thị trường Trung Quốc hay Luxstay ở Việt Nam.

Ngọc Trân
Nguồn The Saigon Times