Quỹ ngoại đẩy mạnh đầu tư vào startup Việt Nam
Các quỹ ngoại đang đầu tư vào Việt Nam, cùng với việc các kỳ lân trên thế giới đặt chân vào thị trường này, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư.
Hãy nghỉ ít phút trước khi chúng ta tiếp tục thảo luận, rót bia và nâng ly nào", Jaewoong Lee, nhà sáng lập quỹ Soqri Hàn Quốc trong bộ trang phục quần jean, áo nỉ có mũ vui vẻ nói trước khi nâng ly bia của mình. 14 nhóm khởi nghiệp và một quỹ đầu tư đến từ Việt Nam cùng tám nhóm khởi nghiệp và bảy nhà đầu tư Hàn Quốc ngồi quanh sáu bàn tròn cùng nhau nâng ly. Buổi tiệc tối diễn ra thân mật và vui vẻ giữa các nhóm khởi nghiệp và nhà đầu tư của hai quốc gia, nằm trong chuỗi sự kiện Vakance 2018 diễn ra ba ngày trên đảo Jeju của Hàn Quốc. Ông Lee, người sáng lập của ba quỹ đầu tư Sopoong, YellowDog và Soqri đứng ra tổ chức sự kiện này, nhằm giúp các quỹ đầu tư và nhóm khởi nghiệp Hàn Quốc hiểu hơn về Việt Nam và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại quốc gia có dân số đông thứ hai Đông Nam Á này.
Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc trong sự kiện, hiện nay thị trường Hàn Quốc định hình khá rõ nét, các quy định và luật chặt chẽ, cùng sự chiếm lĩnh của những dự án khởi nghiệp lớn như Kakao, Coupang, Socar hay Woowa Brothers khiến nhà đầu tư cũng như các dự án khởi nghiệp mới khó có cơ hội thành công hơn. “Chúng tôi khá chậm chân trong việc đầu tư ra nước ngoài, nên những thị trường như Singapore, Indonesia hay Malaysia đã có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc tham gia, vì vậy chúng tôi lựa chọn Việt Nam,” ông Lee chia sẻ.
Mối quan tâm từ Đông Á vào các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam khá rõ nét trong hai năm trở lại đây. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, trưởng đại diện CyberAgent Ventures (CAV), quỹ đầu tư từ Nhật Bản nhận định, việc các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản tiến vào thị trường Việt Nam đã trở thành “trào lưu”. “Hiện nay các quỹ của Nhật Bản và Hàn Quốc không có quá nhiều cơ hội để đầu tư ở các thị trường lớn như Indonesia, vì số lượng nhà đầu tư quá nhiều, giá trị công ty quá cao, và họ ở vị thế đi sau, còn ở Việt Nam với số tiền đó là có thể dẫn đầu khoản đầu tư được rồi,” ông Dũng cho biết.
Sức mua và tính thời điểm là hai điều ông Dũng lý giải cho trào lưu đầu tư vào Việt Nam hiện nay. Nếu trước đây các doanh nghiệp phải hướng dẫn thị trường, thì hiện nay người dùng đã quen với việc sử dụng dịch vụ như mua bán trực tuyến, thanh toán thẻ, các dịch vụ trực tuyến theo yêu cầu, dẫn tới dung lượng thị trường tăng là những chuyển động mà ông Dũng nhìn thấy. Không chỉ có vậy, một nhà đầu tư vòng ươm mầm (Seed Funding) mới tham gia vào thị trường như Lê Hoàng Uyên Vy, giám đốc điều hành quỹ ESP nhìn thấy một vài tiềm năng khác.
“Trong khi nền kinh tế Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á tăng trưởng trung bình khoảng 3%, Nhật Bản thậm chí không tăng trưởng, thị trường Indonesia hay Malaysia định giá cao, nhà đầu tư đông, thì Việt Nam rất hấp dẫn vì tăng trưởng tốt, hơn 6%, và định giá các dự án khởi nghiệp ở mức vừa phải,” cô Vy nhận định.
Theo thống kê của tổ chức giáo dục Topica, năm 2018, Việt Nam có 65 dự án được đầu tư, với tổng số vốn 428 triệu đô la Mỹ. Ngoài những dự án được đầu tư dưới hai triệu đô la Mỹ như Base.vn, LogiVan, Jupviec hay Homedy thì năm 2018 Việt Nam có những khoản đầu tư trên 50 triệu đô la Mỹ vào Tiki, Sendo và Topica. Không chỉ tăng dần về số lượng dự án nhận vốn đầu tư, giá trị các khoản đầu tư cũng tăng.
“Trước đây khoản đầu tư lớn nhất là 28 triệu đô la Mỹ vào MoMo. Sau hai năm, tình hình thay đổi cả lượng và chất, các vòng đầu tư lớn hơn, các công ty phát triển hơn, số lượng nhà đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, nhất là các khoản từ 100 - 300 ngàn đô la Mỹ cũng nhiều (như 500 Startups hay ESP), vì vậy cơ hội cho các dự án nhận đầu tư cao hơn,” ông Dũng mô tả. Việt Nam cũng xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp có giá trị trên 100 triệu đô la Mỹ như Foody, Tiki, Sendo, Topica, MoMo, VCCorp hay Yeah1.
Nếu như trước đây các quỹ đầu tư mạo hiểm như CAV, IDGVV, DFJ VinaCapital, hay những quỹ ngoại như SoftBank, Tiger Global Investment, Pix Vine thường lựa chọn những công ty đã có đà tăng trưởng để đầu tư vòng A (Round A) hoặc sớm hơn (Pre A), với những khoản giải ngân từ 500 ngàn đến hai triệu đô la Mỹ, thị trường Việt Nam nay xuất hiện nhà đầu tư thiên thần và ươm mầm có khả năng đầu tư từ 100– 500 ngàn đô la Mỹ. “Hiện nay số lượng các công ty khởi nghiệp mọc lên rất nhanh, nhưng nhỏ quá nên không đủ quy mô cho nhà đầu tư nước ngoài. Mà không có nhiều dự án được ươm mầm thì sẽ không có dự án được bồi dưỡng để nhận những vòng sau,” Vy lý giải quyết định tham gia vào mảngđầu tư ươm mầm của ESP.
Ngoài lợi thế dân số trẻ, người dùng đã quen với công nghệ, thu nhập bình quân đầu người đang trên đà tăng, thì sự dịch chuyển xu hướng sản phẩm, dịch vụ của các dự án khởi nghiệp cũng hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo phân tích của ông Dũng, cách đây 10 năm các nhà đầu tư trong ngành Internet sẽ chọn những công ty tạo ra được lượng truy cập lớn (về nội dung, giải trí, thương mại điện tử).
Năm năm trở lại đây, bên cạnh chỉ tiêu trên, các nhà đầu tư còn theo đuổi những giá trị liên quan đến giao dịch, như dịch vụ theo nhu cầu cuộc sống của người dùng, dịch vụ du lịch, vận chuyển hàng hóa, và sự ra đời của các cổng thanh toán, ví điện tử cũng tập trung vào việc giao dịch, ngoài ra còn có những giải pháp quản lý doanh nghiệp bắt đầu phát triển tốt. “Nhiều nhà đầu tư mới chọn đầu tư cho lớp khởi nghiệp tiếp theo, họ kỳ vọng ba năm tới sẽ tạo ra sức bật ở các mảng khác nhau. Vì vậy các công ty chỉ cần có sản phẩm và nhóm sáng lập tốt là gọi được 1 – 2 vòng vốn đầu,” ông Dũng nói.
Là nhà đầu tư có thâm niên 10 năm ở thị trường Việt Nam và khu vực, ông Dũng nhìn nhận quy mô GDP của Việt Nam ở mức 224 tỉ đô la Mỹ vẫn chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư lớn tầm cỡ thế giới rót vốn. Mặt khác, việc thiếu những công ty ở vòng B(quy mô đầu tư từ 2–10 triệu đô la Mỹ) khiến thị trường Việt Nam thiếu đà để có những vòng đầu tư lớn tiếp theo. “Có một thực tế là nhiều công ty Việt Nam không dám đi ra ngoài vì cần phải có kế hoạch lớn, bản lĩnh. Lúc đó nhà đầu tư tầm cỡ sẵn sàng đổ tiền vào,” ông Dũng phân tích.
Ông Dũng lấy ví dụ khi SoftBank đầu tư vào Tokopedia và Grab rất nhiều vòng, nên các nhà đầu tư chỉ cần đi theo vòng đầu là các vòng sau đã có lời rồi. “Như thế các nhà đầu tư nhỏ mới tích cực hơn vì họ nhìn thấy cửa ra,” vị trưởng đại diện quỹ đầu tư đã thực hiện 10 vụ thoái vốn tại Việt Nam chia sẻ.
Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách phát triển và tăng thị phần, bốn năm trở lại đây, các nhóm kỳ lân như Grab, Go-Jek, WeWork, Airbnb, Traveloka, cùng những công ty “cá mập” như Alibaba, Tencent, Expedia cũng đã có mặt và toan tính xâm chiếm thị trường hơn 90 triệu dân này. Tại sự kiện Vakance 2018, Woowa Brothers, một công ty về vận chuyển đồ ăn được đánh giá là kỳ lân của Hàn Quốc cũng đang tìm cách đặt chân vào Việt Nam cạnh tranh cùng Now (thuộc Foody), GrabFood và GoFood (thuộc Go-Viet). “Chúng tôi đã tìm hiểu thị trường này và đang tìm đối tác. Chúng tôi sẽ có mặt ở Việt Nam trong năm 2019,” Seyoon Oh, phó chủ tịch Woowa Brothers cho biết.
Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành quỹ ESP:
Tuy nhu cầu lớn, số lượng công ty nhiều, nhưng tỉ lệ giải ngân của ESP chỉ ở mức 1,5%. Vy cho rằng có ba yếu tố khiến các dự án khởi nghiệp dễ thất bại trong việc gọi vốn: không hiểu thị trường (không có số liệu, cấu trúc thị trường), không có các báo cáo vận hành của sản phẩm, và không có kiến thức về gọi vốn (không biết công ty đang ở giai đoạn nào, định giá bao nhiêu). “Cái khó của các dự án khởi nghiệp Việt Nam là ít công ty sáng tạo, mô hình thành công xưa giờ là lấy một mô hình có sẵn và làm thật tốt, vì vậy hàm lượng công nghệ và sáng tạo không cao,” Vy nhận xét.
Với một thị trường đi sau như Việt Nam, trong 2 – 3 năm tới, khi các đối thủ lớn xuất hiện, ông Dũng cho rằng các công ty Việt Nam sẽ phải đối mặt với một sự cạnh tranh rất lớn và không thể chủ động cuộc chơi được, vì nhiều sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong nền tảng của những “siêu ứng dụng” này. Tuy nhiên, thách thức này mở ra cơ hội thoái vốn cho các nhà sáng lập và nhà đầu tư. Ông Dũng nói: “Khi doanh nghiệp lớn muốn thống trị thị trường, họ có khuynh hướng mua bán, sáp nhập các công ty Việt Nam vì chi phí tìm kiếm người dùng của người đến sau bao giờ cũng tốn hơn của người đến trước,” ông Dũng nhận định.
Vị trưởng đại diện CAV cho rằng trong hai năm tới các nhà đầu tư phải tích cực tìm kiếm các khoản đầu tư, vì trong 5 năm tới cuộc chơi sẽ được sắp xếp an bài khi các “ông lớn” sẽ đổ những luồng tiền rất lớn vào Việt Nam. “Nếu để đầu tư thì năm 2019 – 2020 là thời điểm thích hợp. Nếu không theo được dự án nào nữa thì sẽ khó do các dự án nhiều, mà cơ hội để thành công ngày càng khó,” ông Dũng phân tích.
Cường Nghiêm
Nguồn Forbes Vietnam