Vinamilk và tham vọng 'đánh chiếm' các thị trường nước ngoài
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán BSC, Vinamilk sẽ tập trung vào các thị trường Philippines, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Trung Quốc, đây là những nơi có lượng tiêu thụ sữa bình quân thấp so với các thị trường khác.
Vinamilk sẽ hợp tác với ai tại thị trường Myanmar?
Một nguồn tin thân cận của tờ Nikkei cho biết, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) sẽ mở nhà máy đầu tiên tại Myanmar vào năm 2019 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các sản phẩm của họ.
Nếu thành hiện thực, đây chính là nhà máy thứ hai của Vinamilk tại một quốc gia Đông Nam Á; trước đó công ty sữa số một Việt Nam ra mắt nhà máy đầu tiên tại Campuchia. Một liên doanh khác tại Indonesia cũng đang trong quá trình đàm phán.
Để tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch mở rộng ra thị trường nước ngoài, Vinamilk cũng đang chuẩn bị gia nhập thị trường Trung Quốc trong năm nay. Một dự thảo cho phép các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu chính thức sang nước này đã được chính quyền chuẩn bị, dự kiến sẽ được ký vào tháng 4 sắp tới.
Điều này sẽ giúp Vinamilk có khả năng tiếp cận thị trường với quy mô dân số 1,4 tỉ người. JC&C, cổ đông nắm 11% tại Vinamilk có khả năng giúp phân phối các sản phẩm thông qua chuỗi bán lẻ của trang trại bò sữa tại Trung Quốc.
Mặc dù không tiết lộ thông tin chi tiết về dự án tại Myanmar nhưng nguồn tin của Nikkei cho hay, Vinamilk sẽ hợp tác cùng một đối tác địa phương; nhiều khả năng là Synchro World, đơn vị phân phối sản phẩm của Vinamilk vào Myanmar kể từ năm 2016.
Thị trường Myanmar đem đến cơ hội lớn đối với các công ty sữa; mức tiêu thụ sữa của khoảng 55 triệu dân nước này là thấp hơn so với mặt bằng trung trong khu vực. Cụ thể, tại Myanmar là 10 lít/người/năm, kém xa các thị trường khác gồm Singapore 45 lít/người/năm và Malaysia 30 lít/người/năm.
Myanmar là một trong những thị trường nước ngoài chiến lược của Vinamilk để bù đắp cho sự sụt giảm tại thị trường Iraq, nơi từng chiếm tới 60% doanh số bán hàng tại nước ngoài.
Năm 2017, Vinamilk báo cáo sự sụt giảm xuất khẩu lần đầu tiên sau 20 năm do những biến động chính trị tại Trung Đông. Doanh thu xuất khẩu đạt 7.400 tỉ đồng (tương đương 312 triệu USD), giảm 4,2% so với năm trước đó.
Ban lãnh đạo của Vinamilk đã phải thay đổi chiến lược mở rộng và bán hàng ở nước ngoài. Công ty chuyển hướng sang hợp tác mạnh mẽ với các đối tác phân phối tại các thị trường trọng điểm mới. Từ xuất khẩu truyền thống công ty dần dần xây dựng các cơ sở sản xuất tại các thị trường tiềm năng như Myanmar; CEO Mai Kiều Liên nói với các cổ đông tại đại hội thường niên 2018.
Bà Liên cho biết thêm, công ty đã dành ra một khoản tiền ước tính 750 triệu USD cho hoạt động M&A, xây dựng cơ sở mới và phát triển trang trại gia súc từ 2017 – 2021.
Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt, động thái xây dựng nhà máy Vinamilk tại Myanmar sẽ giúp cho công ty ổn định thị trường; tận dụng các đối tác địa phương, những người am hiểu hành vi người tiêu dùng, có mạng lưới phân phối riêng cũng như là thúc đẩy doanh số bán hàng tại nước ngoài.
Vinamilk đã làm được gì tại thị trường Campuchia
Tháng 3/2017, Vinamilk đã hoàn tất việc tiếp quản sản phẩm sữa của Campuchia, mua 49% cổ phần tại BPC Trading, một nhà phân phối, đối tác chiến lược với tổng vốn đầu tư khoảng 23 triệu USD.
Nhà máy Angkormilk với diện tích 27.000 m2, sản lượng hàng năm đạt 19 triệu lít, 64 triệu hộp sữa chua, đạt doanh thu 20 triệu USD trong năm 2017, tăng trưởng 65%. Trong năm 2018 nhà máy dự kiến tiếp tục tăng doanh thu thêm 146%.
Năm 2018, Vinamilk đầu tư 19,7 triệu USD nắm 51% cổ phần của Lao Jagro Development Xiengkhouang, một công ty điều hành các trang trại gia lúc tại Lào. Trong đó có một trang trại bò sữa sử dụng công nghệ Nhật Bản, xuất khẩu sản phẩm sang các nước Asean; tổng giá trị dự án gần 39 triệu USD.
Theo báo cáo của Vinamilk, công ty ước tính đạt 52.800 tỉ đồng doanh thu trong năm 2018, tăng trưởng 2% so với năm 2017; tuy nhiên lại thấp hơn mục tiêu 55.500 tỉ đồng đã đề ra. Điều này đánh dấu sự suy giảm đáng kể trong quỹ đạo tăng trưởng kéo dài một thập kỷ.
Theo các nhà phân tích, sự sụt giảm này nguyên nhân do sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, với việc người Việt chuyển sang dùng các loại đồ uống có hàm lượng dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe khác.
Mở rộng sang các thị trường nước ngoài là một trong ba mục tiêu tăng trưởng chính của Vinamilk vào năm 2020, Công ty chứng khoán BSC cho biết trong báo cáo mới nhất. Vinamilk sẽ tập trung vào thị trường Philippines, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Trung Quốc, đây là những nơi có lượng tiêu thụ sữa bình quân thấp so với các thị trường khác.
Bạch Mộc / Kinh tế & Tiêu dùng
Nguồn Người đồng hành