Sức mạnh của ‘Hiệu ứng Amazon’
Việc Amazon gia nhập vào một phân khúc thị trường có thể thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm, lật đổ chuỗi cung ứng và gây ra áp lực to lớn lên giá và biên lợi nhuận của tất cả những bên liên quan.
Không ai có thể phủ nhận được rằng Amazon đã làm được quá nhiều điều tốt cho người tiêu dùng. Họ mở rộng các chọn lựa, khiến việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn và có thể mang lại những giá trị sản phẩm tuyệt vời hơn.
Dẫu vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận được sức mạnh khủng khiếp đến đáng lo ngại của "hiệu ứng Amazon", thứ đang len lỏi trong mọi ngõ ngách của thế giới bán lẻ và thậm chí là toàn bộ lĩnh vực kinh doanh.
Amazon giống như một con gorilla khổng lồ. Việc họ gia nhập vào một phân khúc thị trường có thể thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm, lật đổ chuỗi cung ứng và gây ra áp lực to lớn lên giá và biên lợi nhuận của tất cả những bên liên quan.
Ban đầu chỉ là những cuốn sách sau đó đế chế này đã mở rộng sang bán gần như mọi loại hàng hóa trên đời. Kết quả là như ở thị trường Mỹ, thương mại điện tử trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết đã đành nhưng đã có vô số nhà bán lẻ vật lý cũng lâm cảnh đường cùng, phải đóng cửa, phá sản vì Amazon.
Ngành bán lẻ Mỹ là một nạn nhân
Ngành bán lẻ Mỹ từng là một trong những niềm tự hào của nền kinh tế số 1 thế giới. Trong số 10 công ty bán lẻ lớn nhất toàn cầu, có 5 hãng đến từ Mỹ và 5 doanh nghiệp từ châu Âu theo xếp hạng năm 2015 của Global Powers of Retailing.
Trong giai đoạn từ 1993-2015, doanh số ngành bán lẻ Mỹ đã tăng trưởng bình quân 4,5% và đạt 24 nghìn tỷ năm 2015. Tính đến tháng 5/2015, ngành kinh doanh này đã tạo ra 15,7 triệu việc làm và liên tục tuyển thêm người bất chấp tình hình khó khăn của thị trường.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng ngành bán lẻ Mỹ đang chết dần trước sự xâm lăng mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng như sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân. Từ đầu năm đến nay, số liệu của Standard & Poor cho thấy khoảng 10 công ty bán lẻ tại Mỹ đã bị buộc phá sản. Thậm chí đến chuỗi cửa hàng Sear nổi tiếng được xây dựng từ năm 1886 cũng bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng.
"Tử thần" Amazon
Sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử đang khiến ngành bán lẻ Mỹ cũng như các nhà đầu tư trong mảng này "sứt đầu mẻ trán". Theo giám đốc điều hành Richard Hayne của hãng Urban Outfitters, sự phát triển của thương mại điện tử đi kèm với việc gia tăng quá nhiều chuỗi cửa hàng đã ảnh hưởng lớn đến ngành bán lẻ. Tình trạng này tương tự như bong bóng thị trường bất động sản khi mở rộng quá nóng và có nguy cơ xì hơi.
Dự báo của hãng Credit Suisse cho thấy khoảng 8.640 cửa hàng bán lẻ tại Mỹ sẽ phải đóng cửa trong năm nay, vượt qua số cửa hàng phải đóng cửa trong cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng như sau vụ bong bóng dotcom năm 1997, qua đó tác động mạnh đến thị trường lao động Mỹ.
Số liệu của Tổng cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy ngành bán lẻ Mỹ đã mất bình quân 9.000 lao động mỗi tháng từ đầu năm đến nay, một con số kém hơn rất nhiều so với tạo thêm bình quân 17.000 việc làm mỗi tháng trong năm 2016.
Hãng Goldman Sachs ước tính với mỗi 1 triệu USD doanh số, các công ty thương mại điện tử chỉ cần bình quân 0,9 lao động trong khi các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống cần tới 3,5 người. Như vậy, Goldman cho rằng thị trường lao động Mỹ sẽ mất 100.000 việc làm trong năm nay do tác động từ thương mại điện tử.
Những cửa hàng sập tiệm và những công ty bán lẻ gặp khó khăn tại Mỹ trước sự ảnh hưởng của Amazon chỉ là sự khởi đầu cho "cái chết của ngành bán lẻ Mỹ". Nhiều chuyên gia dự đoán mảng kinh doanh đáng tự hào này của người Mỹ sẽ còn chịu tác động sâu sắc hơn đến từng ngõ ngách khi thương mại điện tử trở nên phổ biến và hoàn thiện hơn.
Mặc dù chỉ số ngành bán lẻ của S&P 500 đã tăng 10% từ đầu năm đến nay nhưng chủ yếu là do Amazon đóng góp 1/3 trong số đó. Cổ phiếu của Amazon đã tăng 33% từ đầu năm đến nay lên mức 477 tỷ USD, cao hơn một nửa số tập đoàn bán lẻ đang niêm yết tại Mỹ. Nếu bỏ Amazon khỏi S&P 500, chỉ số ngành bán lẻ Mỹ sẽ đi ngang kể từ đầu năm 2015.
Hiệu ứng Amazon
Amazon đã rất nhiều lần khiến cổ phiếu của các đối thủ lao đao chỉ ngay sau khi phát đi những bản tin ngắn ngủi thông báo họ sắp bước chân vào 1 lĩnh vực nào đó.
Lý do rất đơn giản: Amazon sở hữu rất nhiều tiền mặt và một mạng lưới logistics mà không công ty nào có thể so sánh được, và khi họ sẵn sàng khai thác một lĩnh vực khác hoặc mở rộng vị thế của mình trên thị trường thì các nhà đầu tư sẽ phải dè chừng và rút cổ phần của mình trong các công ty khác sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi Amazon.
Ví dụ điển hình là vào khoảng tháng 6/2018, Amazon có đưa ra một thông báo ngắn ngủi rằng đang tuyển các doanh nhân khởi nghiệp để điều hành mạng lưới chuyển phát nội địa. Động thái này có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các đại gia vận chuyển như FedEx hay UPS.
Ngay lập tức, giá cổ phiếu hai hãng này đã mất lần lượt 1,3% và 2,3%. Vốn hóa của họ vì thế cũng bốc hơi tổng cộng gần 3 tỷ USD.
Vài giờ sau thông báo này, Amazon tiếp tục cho biết sẽ mua startup dược phẩm trực tuyến - PillPack. Vụ mua bán này đã khiến ngành chăm sóc sức khỏe xôn xao.
Tin tức về động thái này đã thổi bay 14,5 tỷ USD vốn hóa của 3 chuỗi hiệu thuốc Walgreens Boots Alliance, CVS Health và Rite Aid cùng 3 hãng phân phối dược phẩm là Cardinal Health, AmerisourceBergen và McKesson. Trong đó, mất giá mạnh nhất là cổ phiếu Rite Aid (11,1%) và Walgreens (9,9%).
Tổng cộng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, Amazon đã có thể thổi bay 18 tỷ USD vốn hóa của 8 công ty chỉ vì một thông báo ngắn ngủi, thậm chí chưa chắc chắn.
Nhìn chung Amazon đang dần trở thành một đế chế quá hùng mạnh, họ nắm trong tay quyền lực chi phối được rất nhiều thứ. Bất kỳ khi nào, xuất hiện ở đâu, Amazon cũng khiến những bên liên quan phải lo sợ.
Vân Đàm / BI
Nguồn Trí thức trẻ