Vinamilk chờ "yếu tố mới"
Nhiều yếu tố mới đang hậu thuẫn Vinamilk hướng tới mục tiêu tăng trưởng mạnh hơn.
* Phân tích của Maybank Kim Eng chỉ có giá trị tham khảo
Theo báo cáo tài chính 2017 được kiểm toán bởi KPMG, doanh thu bán hàng của Vinamilk được ghi nhận là 51.134 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế thu về là 10.278 tỉ đồng. Doanh thu bán hàng 9 tháng đầu năm 2018 của Vinamilk tiệm cận 39.610 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 7.920 tỉ đồng.
Triển vọng xuất khẩu
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), Vinamilk thể hiện xu thế tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành sữa và nhiều khả năng tiếp tục dẫn đầu trong dài hạn. Do nắm thị phần chi phối trong ngành, Vinamilk được hưởng lợi không nhỏ với thực tế tăng trưởng ngành ngày càng mở rộng.
Từ năm 2012-2015, việc đầu tư liên tục vào quảng cáo và khuyến mãi giúp Công ty đẩy mạnh thị phần từ 45,9% lên 54,5%. Việc duy trì phong độ vững bước tiến về phía trước của Vinamilk là không dễ, đặc biệt khi doanh nghiệp đã xây dựng và phát triển đến quy mô như hiện nay. Tại Vinamilk, mục tiêu mặc định chia làm 3 mức tăng trưởng: cao là 10%, trung bình là 7% và thấp là 5%.
Tiêu điểm đầu tư của Vinamilk gói gọn trong 2 luận điểm, gồm: (1) dư địa tăng trưởng ngành sữa Việt Nam vẫn còn không gian phát triển (2) sức cầu mạnh từ việc xuất khẩu quốc tế. Năm 2018, mức tiêu thụ bình quân của người Việt cho sữa và sản phẩm sữa là 11 kg/người, bằng 1/3 mức tiêu thụ của Thái Lan.
Xét về giá trị, mức chi tiêu cho sản phẩm sữa bình quân của người Việt ước tính dưới 23 USD/người/năm, chỉ bằng một nửa so với các nước láng giềng. Nhờ vào việc nhận thức được sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng, sức mua của người Việt ngày càng tăng cao, bằng chứng là chi tiêu cho sản phẩm sữa bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 250% so với thập kỷ trước.
Ghi nhận 3 quý đầu năm 2018, tăng trưởng bán ra Vinamilk có đạt được, tuy doanh số nhập vào có giảm so với cùng kỳ nhưng chiều ngược lại bán ra tăng. Điều này được lý giải một phần bởi Vinamilk tăng được thị phần, một nguyên nhân khác nhiều khả năng xu hướng tiêu dùng đang trở lại. Đại diện Vinamilk cho rằng, tín hiệu tiêu dùng đã trở lại, hy vọng này mong sẽ kéo dài từ quý IV/2018 và tiếp tục phục hồi đến năm 2019.
Về triển vọng xuất khẩu, Trung Quốc đã soạn thảo xong nghị định thư cho phép 3 công ty Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, gồm: Vinamilk, TH Milk và Mộc Châu Milk. Theo dự kiến, văn bản chính thức có thể được ký vào tháng 4.2019 nhân chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo khuyến nghị của Maybank Kim Eng, chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên vào thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2019 và đóng góp khoảng 500 tỉ đồng vào doanh thu cả năm 2019 cho Vinamilk và có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Trung Quốc là thị trường khổng lồ với quy mô hơn 30 lần thị trường sữa Việt Nam và mỗi năm nhập khẩu khoảng 7-8% (về khối lượng) sản phẩm sữa với giá trị tương đương 3 tỉ USD.
Từ sau sự kiện sữa nhiễm độc melamine, người dân Trung Quốc thể hiện cái nhìn quan ngại với sữa trong nước và thực tế chất lượng đàn bò cũng có vấn đề vì đồng cỏ bị ô nhiễm. Úc và New Zealand đang có thị phần lớn ở thị trường này. Tuy nhiên, Vinamilk vẫn có lợi thế nếu so sánh với những nhà xuất khẩu khác ở châu Á khi có vị trí địa lý gần gũi với quốc gia nhập khẩu.
Định giá của VNM
Dựa trên phương pháp DCF với WACC là 9,8% và tăng trưởng dài hạn ở mức 4%, giá mục tiêu của VNM được nhắm đến ở mức 122.900 đồng/cổ phiếu. Tương đương mức P/E là 23x, so với P/E bình quân của khu vực là 25x. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn được đánh giá triển vọng tốt với mức sinh lợi ROE không hề thấp ở 38-39% và tỉ suất lợi nhuận biên ròng cao ở mức 18%. Đây là hiệu quả sinh lời cao mà hiếm có doanh nghiệp nào theo kịp.
Các yếu tố tích cực với giá cổ phiếu VNM là mức tăng trưởng hằng năm vẫn duy trì cao trong năm 2019-2020 và kịch bản nhà nước thoái vốn (36%). Ước tính doanh số của Công ty Vinamilk sẽ tăng nhờ chương trình sữa học đường và khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc. Vinamilk đã công bố trúng thầu gói cung cấp sản phẩm sữa cho các trường học tại thủ đô Hà Nội với tổng giá trị là 3.800 tỉ đồng giai đoạn năm 2019-2020.
Với thị phần và độ phủ hàng đầu tại Việt Nam, Vinamilk có thể giành thắng lợi trong gần 75% các cuộc đấu thầu tại những tỉnh khác, bao gồm cả TP.HCM. Vì vậy, doanh thu ước tính đến từ chương trình học đường này trong năm 2019 là 4.500 tỉ đồng và năm 2020 là 5.500 tỉ đồng (tương đương 7-8% tổng doanh thu).
Theo dự phóng dòng tiền của Maybank Kim Eng, doanh thu năm 2019 và 2020 của Vinamilk có thể lần lượt đạt 61.400 tỉ đồng và 66.800 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận ròng tương ứng năm 2019 và 2020 lần lượt tiệm cận 11.000 tỉ đồng và 12.000 tỉ đồng, tương đương EPS là 5.669 đồng và 6.180 đồng.