Ngân hàng thẳng tiến bán lẻ

Tín dụng tăng chậm, nhưng các ngân hàng vẫn duy trì được lợi nhuận tốt nhờ đẩy mạnh bán lẻ.

Thu nhập bán lẻ tăng nhanh khiến các ngân hàng đua nhau chuyển đổi từ mô hình cho vay truyền thống sang bán lẻ hiện đại bằng cách xây hệ sinh thái.

Nhộn nhịp bán lẻ

“Chưa khi nào hoạt động bán lẻ ở các ngân hàng lại diễn ra sôi nổi và nhộn nhịp như thế này”. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tài chính trong một cuộc hội thảo về ngân hàng bán lẻ gần đây. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết, các tổ chức tín dụng hiện đang tăng cường tuyển dụng nhân sự, nhất là nhân sự ngành ngân hàng bán lẻ và công nghệ thông tin.

Thống kê cho thấy thu nhập từ mảng ngân hàng bán lẻ đang tăng nhanh trong 3 năm qua, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2012-2015, nhưng lên đến 23% trong giai đoạn 2015-2017.

Ngân hàng thẳng tiến bán lẻ

Cơ hội bán lẻ xuất phát từ mức độ bao phủ các dịch vụ tài chính ở Việt Nam còn rất thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hiện tỉ lệ người dùng thẻ thanh toán nội địa là khoảng 16%, trong khi bình quân các nước từ 30-40%. Với thẻ tín dụng, con số chỉ có 4%, bằng một nửa so với trung bình toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng cần nói thêm, ngành ngân hàng Việt Nam chuyển hướng sang bán lẻ nhiều một phần vì hiện phải tái cấu trúc hoạt động sau khi tập trung quá nhiều vào các khoản vay rủi ro trong giai đoạn trước đây. Ngày nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang chậm lại, thậm chí, cơ quan quản lý còn đang duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng, nên các gói cho vay rất dễ bị đụng trần.

Nhiều ngân hàng bán lẻ khá thành công khi chuyển hướng, làm thương hiệu, ra mắt sản phẩm hướng đến khách hàng cá nhân. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), một “ngôi sao” có thể xem xét là Vietcombank, với mức tăng trưởng đáng kể đến từ hoạt động bán lẻ trong kỳ, thậm chí tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng của Vietcombank còn lớn hơn cả bình quân tăng trưởng của FE Credit và HD Saison, 2 công ty cho vay tiêu dùng của VPBank và HDBank hiện đang chiếm lĩnh thị trường.

Ngân hàng thẳng tiến bán lẻNgân hàng xây hệ sinh thái

Hoạt động bán lẻ của ngân hàng ngày nay rất đa dạng với nhiều mô hình kinh doanh đa dạng từ khối ngân hàng tư nhân. Chẳng hạn, VPBank tập trung vào những khoản vay rủi ro cao từ phân khúc ngách chưa được phục vụ trước đây, Techcombank hướng đến thu phí dịch vụ và hoạt động kiểu đa năng.

Trong khi đó, Ngân hàng Quân Đội (MB) dường như nhắm đến việc phát triển hệ sinh thái với nhiều loại dịch vụ tài chính khác nhau. Ngân hàng có cổ đông lớn là Viettel cũng đang tích cực mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh, từ doanh nghiệp đến cá nhân. Báo cáo riêng trong quý III/2018 cho thấy các khoản vay cá nhân vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt (lên đến 28,4% so với cùng kỳ), chiếm 36% tổng dư nợ, là mức cao nhất từ trước đến nay. MB cũng có đầy đủ các thương hiệu tài chính tiêu dùng (MCredit), bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas Life) và bảo hiểm phi nhân thọ (MIC). Các công ty này đều tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm.

Trong bối cảnh này, kể cả các ngân hàng quốc doanh hiện cũng phải tăng tốc đua bán lẻ để không bị bỏ rơi. Trong một thời gian dài, nhóm ngân hàng này sở hữu nhiều lợi thế về dữ liệu khách hàng, quy mô vốn, chi nhánh trải rộng. Khi các ông lớn này gia nhập, nhóm ngân hàng tư nhân năng động rõ ràng cũng phải thêm phần dè chừng.
Một điểm đặc biệt đáng chú ý khác là việc các ngân hàng hướng đến xây dựng hệ sinh thái cho mình. Chẳng hạn, MB tính hút các khách hàng, doanh nghiệp đối tác của chính những khách hàng lớn lâu năm của MB (như cổ đông Viettel) để phục vụ kèm theo.

Ngân hàng thẳng tiến bán lẻTrong khi đó, nhiều ngân hàng tư nhân khác đầu tư nhiều vào công nghệ như TPBank, Techcombank và VPBank để giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái do mình tạo ra, không chỉ cung cấp các dịch vụ của ngân hàng, mà các dịch vụ ăn theo khác. Trở lại trường hợp Vietcombank, Ngân hàng được đánh giá là khá cởi mở với góc nhìn chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang hiện đại.

Trước đó, Vietcombank cũng đi đầu bắt tay với MoMo, ví điện tử được thí điểm từ năm 2009 và hiện sở hữu số lượng người đăng ký nhiều nhất tại thị trường Việt Nam. Đây là 1 trong 3 mô hình thí điểm với dịch vụ thanh toán, bên cạnh MB phối hợp với Viettel và PG Bank phối hợp với Petrolimex.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, nhận định những mô hình này đã mang lại kết quả rất tích cực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho thị trường Việt Nam. Số lượng và giá trị giao dịch thực hiện qua 3 mô hình thí điểm đến quý III/2018 đạt 22.000 tỉ đồng, trong khi năm 2015 chỉ mới đạt 2.400 tỉ đồng.

Con số trên cũng cho thấy xu hướng sử dụng các dịch vụ tài chính của người Việt đang dần thay đổi so với trước kia. Toàn thị trường, giá trị thanh toán qua di động tăng 126%, qua internet tăng 18% và qua ví điện tử tăng 161% so với cùng kỳ tính đến hết quý III/2018.

Thanh Phong
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư