Khi Microsoft mở rộng cửa công nghệ và phần mềm
Microsoft đã chứng minh được rằng một công ty từng thống trị ngành công nghệ vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng dựa trên thế mạnh và tránh trở thành tù nhân của quá khứ.
Những gì đại công ty công nghệ này làm là từ bỏ những canh bạc thua lỗ, tận dụng sức mạnh hiện có, tập trung vào điện toán đám mây và đặc biệt không còn xem Windows là trung tâm nữa.
Chỉ một vài năm trước đây, Microsoft bị xem là điển hình của một công ty lớn chậm chân trong thế giới công nghệ. Họ vẫn là đại công ty công nghệ và đạt nhiều lợi nhuận nhưng mất đi ánh hào quang sau khi gặp thất bại hoặc đi sau các đối thủ trong việc thâm nhập vào các thị trường của tương lai, như di động, tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến và điện toán đám mây. Giá cổ phiếu chỉ tăng 3% trong giai đoạn 2002-2012.
Giờ đây, câu chuyện về Microsoft lại hoàn toàn khác. Họ đang tranh đua với một đại gia công nghệ khác là Apple cho vị trí công ty niêm yết có giá trị nhất thế giới sau khi giá cổ phiếu tăng 30% trong 12 tháng qua. Hôm 30-11 vừa qua, giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft lên đến 851,2 tỉ đô la, qua mặt Apple (847,4 tỉ đô la), đánh dấu việc lần đầu tiên họ trở lại vị trí dẫn đầu, dù chỉ tạm thời, kể từ năm 2002. Nhờ đâu Microsoft có kết quả ấn tượng như nói trên?
Tận dụng tốt sức mạnh
Có cả lời giải thích ngắn hạn và dài hạn cho sự trỗi dậy của Microsoft trên thị trường chứng khoán. Câu trả lời ngắn hạn là cổ phiếu của công ty không chịu tác động nhiều bởi làn sóng bán tống bán tháo cổ phiếu công nghệ trong thời gian gần đây. Các nhà đầu tư của Apple đang lo lắng về sự sụt giảm doanh số điện thoại iPhone. Trong khi đó, hai công ty Facebook và Google thường xuyên bị chỉ trích vì vai trò trong việc phát tán tin tức giả và các thuyết âm mưu, khiến giới đầu tư lo ngại chính sách bảo mật của họ có thể khiến người sử dụng và nhà quảng cáo tránh xa.
Câu trả lời dài hạn và điều quan trọng hơn là Microsoft đã trở thành ví dụ tiêu biểu về cách một công ty từng thống trị ngành công nghệ có thể tiếp tục tăng trưởng dựa trên thế mạnh và tránh trở thành tù nhân của quá khứ. Công ty đón nhận mạnh mẽ điện toán đám mây, từ bỏ bước đi sai lầm trong việc xâm nhập thị trường điện thoại thông minh và trở về cội nguồn với tư cách là nhà cung cấp công nghệ cho khách hàng doanh nghiệp. Đây là chiến lược được ông Satya Nadella đề ra ngay sau khi trở thành Giám đốc điều hành Microsoft năm 2014. Kể từ đó đến giờ, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng gần gấp ba.
Thắng lớn với điện toán đám mây
Con đường Microsoft tiến vào mảng dịch vụ điện toán đám mây (xử lý, lưu trữ và cung cấp phần mềm như một dịch vụ qua Internet từ các trung tâm dữ liệu từ xa) rất dài và cũng có những lúc gặp sự cản trở. Công ty này bắt đầu những bước đi đầu tiên vào lĩnh vực điện toán đám mây từ những năm 1990 với dịch vụ trực tuyến MSN và sau đó là công cụ tìm kiếm Bing. Đến năm 2010, Microsoft mới trình làng dịch vụ đám mây của riêng mình, gọi là Azure, tức bốn năm sau khi tập đoàn thương mại điện tử Amazon gia nhập thị trường điện toán đám mây với dịch vụ Amazon Web Services (AWS).
Ngay cả khi Azure trở thành đối thủ đáng gờm của AWS từ năm 2013, dịch vụ này vẫn là mảng kinh doanh phụ của Microsoft bởi trọng tâm của họ vẫn là hệ điều hành Windows - sản phẩm quyết định sự thành bại và sức mạnh của công ty trong suốt kỷ nguyên máy tính cá nhân. Mọi chuyện chỉ thay đổi sau khi ông Nadella lên làm Giám đốc điều hành thay thế ông Steven A. Ballmer, người đảm nhận cương vị này trong 14 năm.
Ông Nadella lập tức xem dịch vụ đám mây là sự ưu tiên hàng đầu, nhờ đó Microsoft hiện đứng vững ở vị trí thứ hai sau Amazon. So với cuối năm 2015, mức thị phần của Microsoft trên thị trường này đã tăng gần gấp đôi, đạt 13%, theo công ty nghiên cứu Sunergy Research Group. Mức thị phần của Amazon ổn định ở mức 33% trong giai đoạn này.
Microsoft còn chỉnh sửa các phần mềm phổ biến, gồm Word, Excel và PowerPoint thành một phiên bản đám mây gọi là Office 365 nhằm đáp ứng nhu cầu của những người muốn sử dụng phần mềm như một dịch vụ Internet, từ đó giúp Microsoft cạnh tranh với các nhà cung cấp ứng dụng trực tuyến khác, trong đó có Google.
Thành quả tài chính từ sự thay đổi này đang có xu hướng tăng nhanh. Trong năm tài chính kéo dài từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2018, doanh thu của Microsoft tăng 15% lên 110 tỉ đô la trong lúc lợi nhuận hoạt động tăng 13%, lên 35 tỉ đô la. Microsoft cho đến giờ không tiết lộ doanh thu hàng quý của dịch vụ đám mây Azure nhưng vẫn thường xuyên nói về tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nó. Một số nhà phân tích của ngân hàng đầu tư KeyBanc Capital Markets (Mỹ) thậm chí ước tính Azure sẽ mang về doanh thu nhiều hơn sản phẩm Windows trong năm tài chính 2021 của công ty. Cụ thể, doanh thu của Azure khi đó là 26,4 tỉ đô la, so với 20,3 tỉ đô la của Windows.
Trong năm tài chính kéo dài từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2018, doanh thu của Microsoft tăng 15% lên 110 tỉ đô la trong lúc lợi nhuận hoạt động tăng 13%, lên 35 tỉ đô la.
“Những gì ông Satya Nadella đã làm là chuyển hướng mạnh mẽ về phía lĩnh vực đám mây. Ông ấy đã đưa Microsoft trở lại lĩnh vực kinh doanh có mức tăng trưởng cao”, ông David B. Yoffie, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, nhận định. Chính suy nghĩ rằng Microsoft đang trên đà tăng trưởng mạnh đã giúp giá cổ phiếu của công ty này gia tăng.
Từ bỏ những canh bạc thua lỗ
Khi Microsoft thâu tóm mảng thiết bị di động của Nokia vào năm 2013 với giá 7,2 tỉ đô la, ông Ballmer đã ca tụng động thái này như “một bước đi vững chắc vào tương lai”. Hai năm sau, người kế vị của ông Ballmen quyết định rút khỏi tương lai đó. Thay vì tìm cách cạnh tranh với các tên tuổi dẫn đầu lĩnh vực điện thoại thông minh, như Apple, Google, Samsung, Microsoft tập trung phát triển ứng dụng và các phần mềm khác dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Mặt khác, Microsoft đang có một sản phẩm tiêu dùng thành công: máy chơi trò chơi Xbox, mang lại doanh thu khoảng 10 tỉ đô la. Các sản phẩm chính của Microsoft là công cụ tiện ích - năng suất, được sử dụng ở nhà hoặc văn phòng. Trong khi đó, Azure là dịch vụ dành cho doanh nghiệp và là một nền tảng dành cho các nhà phát triển phần mềm xây dựng ứng dụng, một loại hệ điều hành đám mây.
Những thương vụ thâu tóm “khủng” của Microsoft thời ông Nadella đều nhằm bổ sung vào các dịch vụ, sản phẩm cung cấp cho người sử dụng doanh nghiệp và nhà phát triển. Vào năm 2016, Microsoft mua lại LinkedIn, mạng xã hội dành cho người đi làm, với giá 26,2 tỉ đô la. Năm nay, Microsoft tiếp tục bỏ ra 7,5 tỉ đô la để mua GitHub, một nền tảng phần mềm nguồn mở đang được 28 triệu lập trình viên sử dụng.
Hướng ngoại và hợp tác
Dưới sự điều hành của ông Nadella, Microsoft không còn xem Windows là trung tâm. Các ứng dụng của công ty chạy được không chỉ trên hệ điều hành Macintosh của Apple mà còn trên nhiều hệ điều hành khác nữa. Phần mềm nguồn mở và miễn phí - một thời bị căm ghét ở Microsoft - giờ đây được chào đón như một công cụ quan trọng của quá trình phát triển phần mềm hiện đại. Dưới thời ông Nadella, Microsoft cũng sẵn sàng gạt sang một bên những “thù hận” xưa cũ. Công ty hiện có mối quan hệ đối tác với các công ty từng là đối thủ cạnh tranh, như Dropbox, Red Hat, Saleforce và thậm chí là Amazon.
Một nét mới đáng chú ý khác được ông Nadella mang đến công ty là tư duy hướng ngoại. “Chúng ta cần phải khao khát học hỏi từ bên ngoài và mang những kiến thức học được vào Microsoft”, ông viết như thế trong cuốn sách “Hit Refresh” xuất bản vào năm ngoái. Kết quả tài chính và giá cổ phiếu của Microsoft chứng tỏ công thức của Nadella có hiệu quả. “Quan điểm xem Windows là trung tâm đã kiềm chế sự đổi mới, sáng tạo. Công ty đã thay đổi về văn hóa. Microsoft một lần nữa trở thành một nơi hấp dẫn để làm việc”, ông Michael A. Cusumano, một giáo sư tại trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, đúc kết.
Minh Huy
Nguồn The Saigon Times