Ngành thương mại điện tử Đông Nam Á và 5 xu hướng quan trọng

Với dân số trên 600 triệu người và số lượng người dùng điện thoại thông minh không ngừng tăng, nền kinh tế internet của Đông Nam Á đã chạm doanh số kỷ lục 50 tỉ USD trong năm 2017 và vững tiến để vượt mốc 200 tỉ USD vào năm 2025 (theo một báo cáo do Temasek Holdings và Google đồng thực hiện).

Những sự kiện chính dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng này là: chiến dịch Online Revolution Campaign của Lazada đạt doanh số kỷ lục 250 triệu USD, Amazon vào thị trường Đông Nam Á từ Singapore, sự hiện diện rộng khắp của Shopee tại bảy thị trường trong khu vực và những vụ đầu tư lớn của Alibaba, Tencent vào thị trường này. Vào tháng 3-2018, Alibaba tiếp tục rót thêm 2 tỉ USD vào Lazada nhằm đẩy mạnh quá trình mở rộng của tập đoàn này vào Đông Nam Á thông qua công ty mua sắm trực tuyến hàng đầu khu vực.

Hãy cùng nhìn lại những xu hướng sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành thương mại điện tử Đông Nam Á trong thời gian tới:

1. Phương pháp thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (cash-on-delivery – COD) vẫn là chủ đạo. Hơn 73% dân số khu vực vẫn không giao dịch qua ngân hàng. Vì thế, theo dữ liệu từ ecommerceIQ, COD vẫn là cách thanh toán chính trong hơn 2/3 số lượng giao dịch. Dù hiện tại đã có thêm nhiều giải pháp mới từ ngành công nghệ tài chính, nhưng người tiêu dùng cần được truyền bá, huấn luyện về sự tiện lợi của các phương pháp thanh toán trực tuyến.

2. Về tỷ lệ chuyển đổi – tỷ lệ khách thăm web trở thành người mua sản phẩm, Đông Nam Á vẫn còn tiềm năng rất lớn chưa được khai thác. Thị trường Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi cao nhất ở mức 1,3%, theo sau là Indonesia và Singapore với mức 1,1%.

Ngành thương mại điện tử Đông Nam Á và 5 xu hướng quan trọng

3. Các công ty nhỏ và startup sẽ dễ dàng tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử hơn với những nền tảng chuyên cung cấp tất cả công cụ cần thiết để khởi tạo, xây dựng và phát triển kinh doanh trực tuyến. Trên nền tảng này, việc khởi tạo một cửa hàng trực tuyến được tiến hành nhanh chóng với những mẫu thiết kế phù hợp với thiết bị di động và nhiều phương pháp thanh toán như PayPal, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và COD. Từ đây, các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể kết nối và bán hàng qua các sàn giao dịch trực tuyến như Lazada và cả Facebook.

4. Những đơn hàng lớn thường được thực hiện trên desktop nhiều hơn là trên ứng dụng di động và thường diễn ra trong thời gian từ 9g sáng đến 5g chiều (theo một khảo sát của iPrice Group tại những thị trường như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines). Tuy nhiên, số giao dịch thương mại điện tử trên thiết bị di động vẫn gia tăng không ngừng. Các thị trường mới nổi như Myanmar đang ghi nhận mức tăng trưởng nhanh về tiếp thị di động.

5. Những gã khổng lồ internet của Trung Quốc như Alibaba và Tencent sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào các nền tảng thương mại điện tử của Đông Nam Á. Hai công ty này có lẽ sẽ còn “ngấu nghiến” thêm nhiều công ty bản địa nữa trên khắp các thị trường của khu vực này.

An Bình / Singtel myBusiness
Nguồn Doanh Nhân+