Tại sao những sự kiện của Apple luôn có hiệu quả?

Mặc dù quảng cáo và tiếp thị nội dung online đang phát triển mạnh nhưng những sự kiện thuyết phục vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của bất cứ doanh nghiệp nào.

Các sự kiện dường như cứ ngày càng to và đắt đỏ hơn sau mỗi năm. Nhiều công ty tin rằng quy mô của ngân sách là chìa khóa cho sự thành công của nhà tổ chức, nhưng đó có thể là một sai lầm đắt giá.

Trong thực tế, các doanh nghiệp lớn như Apple tạo ra những sự kiện có sức ảnh hưởng bằng cách chuyển tải thông điệp rõ ràng, kết hợp những yếu tố đơn giản nhưng có khả năng thuyết phục cao. Trong một sự kiện ra mắt sản phẩm vào tháng 10-2018, Apple đã kết hợp thành công những rạp hát nhỏ, các thước phim cô đọng và những nhà lãnh đạo đầy đam mê – phấn khích chia sẻ thông tin về sản phẩm của họ. Cho dù Apple là một “đại gia hàng đầu” nhưng bài học ở đây là rất rõ ràng: Thông điệp quan trọng hơn tiền.

Nếu thông điệp càng khó thì điều này càng đúng. Chẳng hạn, công ty vừa cắt giảm nhân sự và tinh thần làm việc đang rất thấp. Bài toán khó trong trường hợp này là làm thế nào để vừa công nhận sự thật – mối bận tâm của người tham dự sự kiện – vừa tái khẳng định rằng công ty vẫn cam kết tiến về phía trước. Một đoạn phim đơn giản, sử dụng nhiều chữ cùng với các phần thuyết trình của ban điều hành sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng: “Đội ngũ lãnh đạo thấu hiểu nỗi lo của bạn, nhưng chúng ta đang tập trung tiến về phía trước và chúng tôi cần bạn để cùng nhau xây dựng tương lai”.

Tại sao những sự kiện của Apple luôn có hiệu quả?

CEO Tim Cook trình bày tại sự kiện của Apple vào tháng 10/2018. Ảnh: GameRevolution.

Cả khán phòng như đi từ sự căng thẳng đến cảm giác được giải tỏa và khơi gợi cảm hứng. Còn nếu như lạm dụng kỹ thuật sản xuất và giải thưởng hoành tráng hoặc cố tình phớt lờ những thay đổi gần đây của công ty thì sự kiện này sẽ là một thất bại tốn kém. Thay vào đó, một sự kiện đơn giản là cơ hội tốt để gửi đi thông điệp rõ ràng đến mọi nhân viên và tạo nên sự gắn kết trong một môi trường đang có nhiều lo ngại, phân vân. Sau đây là những chiến thuật giúp các doanh nghiệp truyền tải thông điệp một cách hiệu quả qua sự kiện mà không cần “vung tay quá trán”.

Nên nhớ rằng bất ngờ luôn đi cùng sự tốn kém

Đối với việc tổ chức sự kiện, những bất ngờ luôn đi cùng sự tốn kém. Đừng để công ty tổ chức sự kiện làm bạn ngạc nhiên vào giờ cuối với những thay đổi và khoản phí không mong đợi. Hãy yêu cầu họ nêu ra mọi chi tiết và tất cả thay đổi trong quá trình lập kế hoạch và các giai đoạn thực hiện để bảo đảm rằng bạn không phải trả thêm bất cứ chi phí nào trừ khi bạn chấp thuận những yêu cầu phát sinh.

Nhìn qua lăng kính của khán giả

Trước khi diễn ra sự kiện, bạn cần lắng nghe khán giả. Cân nhắc cẩn trọng về điều mà người tham dự muốn biết, điều bạn muốn họ tin tưởng và muốn họ làm khác đi. Phải chắc rằng thông điệp của bạn sẽ đồng cảm, cộng hưởng với khán giả; chỉ như thế bạn mới cuốn hút được họ và làm cho sự kiện trở nên có ý nghĩa và đáng nhớ.

Phải chắc rằng thông điệp của bạn sẽ đồng cảm, cộng hưởng với khán giả; chỉ như thế bạn mới cuốn hút được họ và làm cho sự kiện trở nên có ý nghĩa và đáng nhớ.

Thông tin, khơi gợi cảm hứng và tương tác

Khuyến khích người tham dự góp tiếng nói của họ vào sự kiện là cách thể hiện sự tôn trọng và mời gọi họ đóng góp cho sự kiện. Chẳng hạn, mời người tham dự chia sẻ một nội dung trên mạng xã hội để nhận quà tặng là một cách để quảng bá sự kiện. Đa số tổ chức, doanh nghiệp đều đồng ý rằng các cuộc thi dựa vào nội dung là công cụ hữu hiệu vì chúng khích lệ mọi người, tạo sinh khí và sự nhiệt tình. Ngoài ra, nên cân nhắc đưa các đối tượng tham dự cuộc thi xuất hiện trong sự kiện. Những cách làm này không quá tốn kém hay phức tạp nhưng lại có ảnh hưởng thực chất đối với sự kiện và người tham dự.

Những thông điệp thích hợp sẽ cộng hưởng và khích lệ khán giả. Chúng mang lại sự thông suốt và tạo sự gắn kết, cam kết với thương hiệu – doanh nghiệp của bạn. Đó mới là công cụ quyền lực, chứ không phải là “ngân sách khủng”.

Long Hồ / Entrepreneur
Nguồn Doanh Nhân+