Cơ hội khai thác thị trường “ngách” của du lịch trực tuyến
Gần đây, nhiều dự báo cho rằng tốc độ tăng trưởng du lịch trực tuyến của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 sẽ tăng khoảng 50%, gấp đôi so với mức tăng trưởng của ngành thương mại điện tử.
Thay vì mua tour trọn gói, ngày càng nhiều khách du lịch thích tự lên kế hoạch, tự tìm kiếm thông tin, tự đặt phòng nghỉ ở các điểm đến. Xu hướng mới đã hình thành nhiều ngóc ngách để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp khai thác, mang lại nhiều dịch vụ mới mẻ cho người dùng.
Thực trạng khai thác du lịch mang đến ý tưởng
Vừa qua tại Huế, giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Đại học Huế tổ chức là một dự án du lịch trực tuyến thực hiện ý tưởng làm “Cầu nối trải nghiệm văn hóa bản địa với nghệ nhân”. Dự án do ThS Ngô Văn Sơn, giảng viên khoa Du lịch và sinh viên Phan Thị Thái thực hiện.
Thạc sĩ Ngô Văn Sơn chia sẻ, quá trình giảng dạy và trải nghiệm các điểm đến, ông và Phan Thị Thái tiếp xúc với nhiều du khách. Điểm chung mà họ mong muốn là trực tiếp hòa nhịp vào cuộc sống nơi đến, trải nghiệm với vai trò như một thành viên của vùng đất. Tuy Huế có du lịch trải nghiệm, nhất là các hoạt động du lịch cộng đồng, song chủ yếu đang còn mang tính dàn dựng, biểu diễn. Trái lại, nhiều nghệ nhân làng nghề ở Huế mong muốn mở dịch vụ cho du khách đến cùng làm, cùng trải nghiệm với họ, nhưng khá khó khăn.
Sau khi khảo sát, ông Ngô Văn Sơn và Thái cùng bốn thành viên mới thành lập nhóm “Creative Tourism”, tiến hành phát các bảng câu hỏi phân tích nhu cầu nghệ nhân và du khách. Từ đó, thiết kế web nhằm kết nối nghệ nhân, các điểm đến và du khách. ThS Ngô Văn Sơn phân tích, ý tưởng dự án dựa trên nền tảng công nghệ. Sau khi các nghệ nhân tham gia web, khách du lịch sẽ dựa vào thông tin mô tả về điểm đến để tự chọn tour.
Điểm đặc biệt của ý tưởng này là khách được trải nghiệm thực tế với nghệ nhân, cư dân bản địa, làng nghề đang sản xuất sản phẩm đặc trưng của Huế đúng với những gì họ mong muốn, đảm bảo chất lượng và giá. Các điểm đến có thể giống nhau (hình thức trải nghiệm) để có sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Hệ thống ứng dụng công nghệ để giám sát, theo dõi phản hồi, đánh giá của khách với từng điểm đến và công khai cho những ai truy cập, qua đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân khi làm du lịch. “Mọi giao dịch, phản hồi thông tin đều được thực hiện nhanh trên nền tảng công nghệ. Du khách được đảm bảo nhiều quyền lợi và họ chủ động mọi thứ. Chi phí được thanh toán trên hệ thống và tự động chuyển về điểm đến khi trải nghiệm thành công, phía quản lý dự án chỉ thu 7 – 10% chi phí”, ông Ngô Văn Sơn cho biết.
Theo đại diện nhóm, vướng mắc của dự án là một số nghệ nhân, người dân điểm đến không thông thạo công nghệ, song phương án giải quyết là có thể tìm người đại diện, hoặc có đại diện vùng làm nhiệm vụ này. Khi kết nối với các nghệ nhân hoặc điểm đến, nhóm đều trao đổi để họ hiểu thêm cách làm du lịch bền vững, đồng thời xây dựng các tiêu chí “cứng”, nhất là không chèo kéo khách mà phải giữ vai trò như “sứ giả văn hóa”. Tuy chưa vận hành chính thức, nhưng đến nay đã có khách tìm hiểu và có nhu cầu đặt tour. Dự kiến giữa năm 2019, ý tưởng này sẽ hoàn thiện và hoạt động chính thức.
71% du khách quốc tế tới Việt Nam tham khảo thông tin điểm đến trên internet và 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến.
Kiến tạo môi trường vẫn là quan trọng nhất
Thời gian qua, không chỉ có Huế mà còn nhiều địa phương khác cũng chú trọng triển khai các ý tưởng khai thác du lịch trực tuyến như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Ninh Bình… Trong năm 2018, nhiều sở du lịch ở các tỉnh thành đã cho ra mắt ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, nhằm tạo thuận lợi cho du khách tìm kiếm thông tin chính xác và cập nhật.
Có thể thấy các điểm đến trên thế giới tham gia sâu vào du lịch trực tuyến bắt đầu từ việc chuyển đổi số, số hóa dữ liệu. Diễn đàn du lịch trực tuyến trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2018 cũng chỉ ra 71% du khách quốc tế tới Việt Nam tham khảo thông tin điểm đến trên internet và 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến. Điều này cho thấy, thói quen tiêu dùng của du khách đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ và đây chính là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch dễ dàng nắm bắt nhu cầu thật sự của du khách, từ đó cung cấp sản phẩm đúng, trúng tới từng đối tượng khách hàng mục tiêu. Muốn làm được điều này, ngành du lịch cần nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi số để hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu thông minh.
Việc số hóa sẽ giúp thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát để các thành phần cùng khai thác, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa xu hướng, nhu cầu của du khách. Số hóa hệ thống dữ liệu du lịch không chỉ giúp chủ động cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về điểm đến của du khách thông qua thiết bị thông minh; mà còn hướng tới đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thuận tiện với các chủ thể liên quan.
Tuy nhiên, việc thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch không đơn giản, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có nội dung văn hóa sâu sắc và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác như: an ninh, vận tải, y tế, thương mại… Sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng tới khu vui chơi giải trí, điểm tham quan…
Do đó, việc chuyển đổi số hóa các dữ liệu du lịch đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền tảng công nghệ mạnh và thống nhất. Theo các chuyên gia du lịch, công việc này đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực; song thách thức hơn là khi có được hệ thống thông tin số trong tay, làm thế nào để quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất, giúp các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh này để làm chủ trên sân nhà.
Do đó, theo đại diện nhiều công ty du lịch, các cơ quan quản lý nên có những chính sách kiến tạo môi trường để các doanh nghiệp trong nước có đủ thời gian lớn mạnh, tích lũy nguồn lực, đổi mới công nghệ. Số hóa không có nghĩa là chỉ tổng hợp, chuyển đổi các thông tin du lịch lên môi trường số mà còn là số hóa cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá du lịch tới đối tượng khách hàng mục tiêu.
Hữu Phước
Nguồn Doanh Nhân+