Sabeco chưa yên trong tay ông chủ Thái
Quá nhiều rắc rối xảy đến với những ông chủ Thái sau khi tiếp quản Công ty Bia Rượu Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco-SAB).
Lùm xùm tiền thuế
Phiên giao dịch đầu năm mới, cổ phiếu SAB đã nằm sàn, rơi xuống mức 248.800đ/cổ phiếu. Về nguyên nhân của đợt giảm sàn này, giới phân tích là do ngày 28.12, Sabeco bị Cục Thuế TP ban hành quyết định cưỡng chế thuế số tiền lên đến 3.140 tỉ đồng. Kịch tính hơn, ngày 1.1 ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM chia sẻ với báo giới rằng Cục Thuế vẫn chưa truy thu được số tiền này vì tài khoản công ty không còn tiền.
Trước đó, sau khi quyết định cưỡng chế được ban hành Tổng Giám đốc Sabeco, Neo Gim Siong Bennett đã có văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) để phản ứng về việc này.
"Cục Thuế TP.HCM thực hiện việc cưỡng chế nói trên đã vi phạm pháp luật (cưỡng chế thi hành khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực), mâu thuẫn với chính hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM cho vấn đề này. Sabeco đã tham vấn ý kiến với các đơn vị tư vấn pháp lý độc lập và thấy có căn cứ để phản bác quyết định này" - ông Bennet nhấn mạnh.
Số tiền này là tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của công ty này. Trong đó, số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2007 đến 2015 là hơn 2.645 tỉ đồng và tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 494 tỉ đồng.
Điều đáng nói là khoản tiền truy thu này đã phát sinh từ trước thời điểm Thai Bev chi gần 5 tỉ USD để sở hữu 53,6% vốn vào cuối năm 2017. Theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu SAB không chấp nhận phán quyết của Cục thế TP và 2 bên không tìm được tiếng nói chung thì có thể lôi nhau ra tòa. Theo thông tin mới nhất, thì Chính phủ đã yêu cầu chưa cưỡng chế thuế với Sabeco.
Không tính đến khoản tiền truy thu thuế, với mức giá 320.000 đồng/cp khi mua lại hơn 343 triệu cổ phiếu, thì giá trị khoản đầu tư của Thai Bev vào Sabeco đã mất đi gần 24.500 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD). Điều an ủi duy nhất của cổ đông Thái là vừa qua họ đã nhận được 1.200 tỉ tiền cổ tức (2.000đ/cổ phiếu).
Tiếp tục củng cố quyền chi phối
Ngoài nhưng lùm xùm liên quan đến thuế, Ban lãnh đạo mới cũng đang tiến hành để củng cố Công ty. Gần đây, SAB đã thông qua việc nới room ngoại lên 100%, đây có lẽ là một bước để hợp thức hóa quyền chi phối của Thai Bev với Sabeco. Trước đó, do vướng trần sở hữu nước ngoài tại Sabeco là 49% nên ThaiBev mua lại cổ phần đa số của SAB thông qua công ty con là công ty TNHH Vietnam Beverage.
Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh của SAB dường như lại không thuận lợi sau khi về tay người Thái. Sau 9 tháng năm 2018, Sabeco đạt lợi nhuận sau thuế là 3.482 tỉ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ. Đây là một xu hướng chung mà các doanh nghiệp ngành bia đang phải đối mặt. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 của các doanh nghiệp ngành bia, cho thấy sự sụt giảm trong biên lợi nhuận. Kết quả kinh doanh lũy kế 3 quý năm 2018 của Tổng CTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (BHN), cũng nhận sự sụt giảm về biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận sau thuế.
Nguyên nhân khiến tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia suy giảm trong năm 2018 chủ yếu đến từ chi phí đầu vào tăng. Cụ thể, giá thóc đại mạch trung bình 9 tháng năm 2018 là 127USD/tấn (tăng 30%), giá gạo trung bình 9 tháng năm 2018 đạt 424USD/tấn (tăng 6%). Ngoài ra, một yếu tố tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp ngành bia là việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 60% lên 65%.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam dường như đang chuyển hướng từ tiêu thụ các sản phẩm bia bình dân sang bia có chất lượng cao. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2014-2017, tốc độ tăng trưởng của ngành bia phân khúc cao cấp đạt 15%, trong khi phân khúc bình dân lại có mức tăng trưởng kép chỉ 4,8%. Nắm bắt được xu hướng này, vào đầu năm ngoái, SAB cũng đã ra mắt thương hiệu bia cao cấp Saigon Gold.
Với ThaiBev, Sabeco có thể sẽ là một quân bài tẩy chiến lược giúp tập đoàn này cán đích mục tiêu 50% doanh thu ở nước ngoài đến năm 2020. Trong thời gian tiếp quản SAB, những ông chủ Thái đã tăng cường quảng bá thương hiệu bia Sài Gòn ở nước ngoài, điển hình là việc quảng bá thương hiệu tại giải ngoại hạng Anh, cùng với ở trong nước là việc chi đậm để quảng bá hình ảnh nhân sự kiện AFF Cup vừa qua. Thực tế với các hãng bia, việc gây được ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng là điều vô cùng cần thiết.
Như Mai
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư