Thị trường bán lẻ gần đạt mốc 150 tỉ USD
Với mức tăng trưởng trên 10% mỗi năm, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng cũng như lập kỷ lục mới về doanh thu khi đã gần cán mốc 150 tỉ USD.
Kết thúc năm 2018, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 3.306,1 ngàn tỉ đồng (tương đương 142,8 tỉ USD), tăng 12,4% so với năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Theo cơ quan thống kê, đây là mức tăng trưởng khá cao so với những năm trước đó. Cụ thể năm 2016 doanh thu bán lẻ đạt khoảng 118 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm 2015 (gần 110 tỉ USD). Năm 2017 đạt mốc 129,56 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước đó.
Với kết quả năm 2018 cho thấy thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cao ổn định và là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ nước ngoài.
Đáng chú ý theo cơ quan thống kê, trong năm qua tăng trưởng doanh thu bán lẻ tăng mạnh ở một số ngành hàng như đá quý, kim loại quý tăng 13,8%; hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,7%; lương thực, thực phẩm tăng 12,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,3%; may mặc tăng 12,1%; phương tiện đi lại tăng 11,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,5%.
Một số địa phương có mức tăng doanh thu bán lẻ khá như Vĩnh Phúc tăng 14,9%; Hải Phòng tăng 13,9%; Thanh Hóa tăng 13,5%; TPHCM tăng 13,2%; Nghệ An tăng 13%; Hà Nội tăng 11%.
Thị trường bán lẻ trong nước tuy đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn nhưng vẫn được giới chuyên gia nhận định là mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, cơ hội vẫn còn nhiều cho những người đến sau, nhất là những ai biết ứng dụng công nghệ, biết tạo sự khác biệt và mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng…
Theo các chuyên gia, bên cạnh công nghệ, việc chủ các chuỗi và kênh bán hàng biết tạo ra sự khác biệt sẽ là một lợi thế lớn để thu hút khách hàng trong bối cảnh điểm bán mới của các nhà bán lẻ hiện hữu đang nở rộ khắp nơi và thị trường dự báo sẽ xuất hiện thêm những nhân tố mới.
Các chuyên gia cũng nhận định lĩnh vực bán lẻ trong nước đang hưởng lợi từ những điều kiện thuận lợi như tốc độ kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, lực lượng tiêu dùng trẻ chiếm tỷ trọng lớn. Ngành bán lẻ hiện đại đang tăng dần sức ảnh hưởng và sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2-3 năm tới, thị trường bán lẻ trong nước sẽ xuất hiện thêm những chuỗi bán lẻ của nước ngoài. Họ sẽ mang theo nhiều sản phẩm mới cùng những công nghệ và sự tiện lợi cho người tiêu dùng, như không cần quầy tính tiền; robot sẽ thay thế người bán hàng, hay có những dịch vụ rất “đáng đồng tiền bát gạo”. Sự có mặt của các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ tạo ra sự cạnh tranh cao trên thị trường và tạo động lực cho các nhà bán lẻ trong nước thay đổi.
Năm 2018 tiếp tục ghi nhận sự tham gia thị trường của các nhà bán lẻ nội và ngoại thông qua việc mở rộng mạng lưới, đa dạng mô hình kinh doanh. Phát triển mạnh mẽ về quy mô vẫn là chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, B’s mart, Family Mart, Ministop, 7 Eleven, Shop&Go... Các tập đoàn bán lẻ khác như Big C, Aeon, Auchan, Lotte, Saigon Co.op… cũng đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hệ thống nhằm gia tăng thị phần.
Vietnam Report nhận định Việt Nam đang là một trong những thị trường tiêu dùng lớn ở châu Á do tăng trưởng kinh tế và chi tiêu tiêu dùng gia tăng, với tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức rất cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ đạt ước đạt khoảng 160 tỉ USD vào năm 2020. Theo giới phân tích với việc duy trì đà tăng trưởng này, trước mắt doanh thu bán lẻ có thể cán mốc được 150 tỉ USD trong năm 2019.
Hùng Lê
Nguồn The Saigon Times