Chuyển đổi vai trò của nhà quản lý để phát triển doanh nghiệp
Trong môi trường kinh doanh không ngừng thay đổi ngày nay, các nhà quản lý cũng cần phải chuyển đổi vai trò của mình theo nhiều hướng để thích nghi và đưa doanh nghiệp phát triển.
“Trước hết hãy sa thải tất cả các nhà quản lý. Hãy hình dung các nhà lãnh đạo nhóm, giám đốc các phòng ban… của các tổ chức đã mất quá nhiều thời gian cho việc giám sát công việc của người khác như thế nào…”, Gary Hamel, một chuyên gia quản trị nổi tiếng người Mỹ, giáo sư thỉnh giảng khoa Quản trị chiến lược của Trường Kinh doanh London đã phát biểu như thế trên tờ Harvard Business Review cách đây bảy năm.
Nay, các giáo sư bộ môn Khởi nghiệp và đổi mới Joseph Pistrui đến từ Trường Kinh doanh IE ở Marid và Dimo Dimov đến từ Đại học Bath ở Anh cho rằng vấn đề mà đa số tổ chức đang gặp chỉ đơn giản là quản trị chưa được hiệu quả và vai trò của nhà quản lý vẫn chưa thay đổi cho phù hợp với xu hướng của thời đại.
Hơn 100 năm qua, nhà quản lý đã được gắn liền với năm chức năng chính do học giả Henri Fayol đưa ra, đó là hoạch định, tổ chức, tuyển dụng và bố trí nhân sự, chỉ đạo và kiểm soát. Theo các giáo sư nói trên, học thuyết này chỉ phù hợp với bối cảnh môi trường kinh doanh ổn định và tổ chức đang theo đuổi một mục tiêu cố định; còn trong môi trường kinh doanh không ngừng thay đổi ngày nay, các nhà quản lý cũng cần phải chuyển đổi vai trò của mình theo những hướng sau để thích nghi và đưa doanh nghiệp phát triển.
Chuyển từ chỉ đạo sang hướng dẫn
Ngày nay, khi những người máy (robot) được phát triển trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thực hiện thay con người ngày càng nhiều nhiệm vụ phức tạp hơn, kể cả công việc của những chuyên gia pháp luật hay các nhà quản lý tài chính thì một vị trí để giám sát hay chỉ đạo nhân viên không còn cần thiết nữa. Xu hướng này đang diễn ra trong thời gian qua, nhiều nhân viên được thay thế bằng những robot, nhất là trong các công việc thiên về lao động thủ công, có tính lặp lại và ít sáng tạo.
Theo giáo sư Pistrui và Dimov, điều các nhà quản lý hiện nay cần thay đổi là suy nghĩ khác về tương lai để tạo ra những tác động của AI lên ngành của mình. Điều đó có nghĩa là các nhà quản lý phải dành nhiều thời gian hơn để khai phá các ứng dụng của AI, giúp nhân viên mở rộng kiến thức, học hỏi từ thử nghiệm để phát triển ra các thực tiễn mới.
Jack Ma, nhà sáng lập của Tập đoàn Alibaba ở Trung Quốc, gần đây đã nói: “Chúng ta cần phải dạy những điều khác với máy móc. Nếu chúng ta không thay đổi cách dạy của mình thì 30 năm tới chúng ta sẽ gặp rắc rối”. Jack Ma muốn nói đến giáo dục ở góc độ bao quát hơn, theo đó việc học hỏi, chứ không phải bản thân kiến thức, sẽ tạo ra sức mạnh cho các tổ chức trong tương lai và các nhà quản lý phải đóng vai trò “hạt nhân” của quá trình này.
Những nhà lãnh đạo giỏi nhất là những người biết tận dụng sức mạnh của tập thể, của các nhóm đồng nghiệp xung quanh để có được nhiều góc nhìn cho các vấn đề hơn, từ đó đưa ra được những giải pháp tối ưu.
Từ hạn chế sang mở rộng
Có quá nhiều nhà quản lý vẫn đang thực hành cách quản lý vi mô, họ không giao phó hay trao quyền quyết định cho nhân viên cấp dưới và luôn muốn giám sát công việc của họ. Khuynh hướng quản trị này sẽ hạn chế khả năng phát triển tư duy và khả năng ra quyết định của nhân viên – những yếu tố vốn cần thiết để tạo ra ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Theo các giáo sư nói trên, các sếp ngày nay cần phải tạo điều kiện cho nhân viên thể hiện những suy nghĩ tốt nhất của họ. Điều này đồng nghĩa với việc khuyến khích nhân viên học từ các đối thủ cạnh tranh cũ cũng như mới và tư duy theo những diễn biến hiện tại của thị trường.
Từ độc quyền sang dung nạp
Không ít sếp nghĩ rằng mình mới là người đủ thông minh để ra các quyết định mà không cần đến sự giúp đỡ của bất cứ ai khác. Tuy nhiên, các giáo sư nói trên cho rằng khi đối diện với những tình huống mới, những nhà lãnh đạo giỏi nhất là những người biết tận dụng sức mạnh của tập thể, của các nhóm đồng nghiệp xung quanh để có được nhiều góc nhìn cho các vấn đề hơn, từ đó đưa ra được những giải pháp tối ưu. Các giáo sư khuyên các nhà quản lý nên tập hợp những phong cách tư duy đa dạng để cùng giải quyết các vấn đề thách thức mà tổ chức đang phải đương đầu.
Từ lặp lại đến đổi mới
Các nhà quản lý thường muốn hoạt động trong một môi trường mà mọi thứ đều có thể dự đoán được với những quy trình, hệ thống và các thước đo hiệu quả công việc sẵn có. Những điều này sẽ tốt cho tổ chức về mặt vận hành, tạo ra sự ổn định trong một thời gian dài, nhưng giáo sư Pistrui và Dimov cho rằng, môi trường làm việc như thế sẽ dẫn nhà quản lý đến chỗ chỉ tập trung vào những điều mình biết. Trong khi đó, các tổ chức cần những nhà quản lý có tư duy sáng tạo và đổi mới.
Idris Mootee, Tổng giám đốc của Idea Couture Inc., đã nói về điều này như sau: “Khi một công ty đang mở rộng, khi một nhà quản lý bắt đầu phát biểu rằng “công ty của chúng ta đang làm rất tốt” hoặc khi một doanh nghiệp có bài và hình ảnh đăng trên trang bìa của một tạp chí quốc gia, cũng là lúc doanh nghiệp ấy cần phải nghĩ đến cái mới. Khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, việc thay đổi là điều dễ thấy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần biết rằng thành công không nên là lý do khiến họ quên lãng việc sáng tạo và đổi mới. Thời điểm tốt nhất để đổi mới là mọi thời điểm”.
Từ giải quyết vấn đề chuyển sang tạo thách thức
Nhiều nhà quản lý thường cho rằng nhiệm vụ chính của họ là “dập tắt lửa”, tức giải quyết các vấn đề phát sinh một cách tự nhiên từ hoạt động doanh nghiệp. Các giáo sư nói trên cho rằng cách tư duy này sẽ không thích hợp với một doanh nghiệp đang phát triển. Với một doanh nghiệp như vậy, đòi hỏi các nhà quản lý phải đi đầu trong việc tìm ra những cách tốt hơn để vận hành, bằng cách tạo ra thách thức cho nhân viên, kích thích họ phát hiện những cách làm mới và tốt hơn để doanh nghiệp phát triển; hoặc bằng cách hình dung lại những điều đã làm tốt nhất từ trước đến nay.
Từ làm chủ doanh nghiệp sang làm một doanh nhân
Một vị sếp có tinh thần doanh nhân là người có thể giúp nhân viên nhìn thấy những điều mà họ trước đó không nhận ra và dám làm những điều mà họ từng né tránh.
Nhiều nhân viên có khuynh hướng muốn làm hài lòng sếp của mình, trong khi sếp lại mong muốn nhiều thứ, từ khách hàng, thông tin của đối thủ cạnh tranh, sản phẩm mới, các xu hướng thị trường, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp…
Và những ai từng phải làm việc cho một vị sếp với tinh thần của một “ông chủ” sẽ cảm nhận được áp lực của việc làm hài lòng sếp ra sao. Các giáo sư Pistrui và Minov cho rằng, ngày nay các nhà quản lý nên chuyển từ vai trò của một ông chủ sang vai trò của một doanh nhân.
Một vị sếp có tinh thần doanh nhân là người có thể giúp nhân viên nhìn thấy những điều mà họ trước đó không nhận ra và dám làm những điều mà họ từng né tránh. Suy nghĩ như một doanh nhân đơn giản là mở rộng tầm nhận thức và tăng cường hành động – những điều cần thiết để tìm ra những hướng phát triển mới.
Đông Dương / HBR
Nguồn Doanh Nhân+