Bookaholic #7: “90-20-30” - 90 Bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ
Mượn câu chuyện của một bạn thực tập để kể lại cuộc sống hằng ngày của Copywriter tại một agency sáng tạo, cuốn sách 90-20-30 của anh Huỳnh Vĩnh Sơn không chỉ mới lạ trong hình thức truyền tải mà còn mang đến những chia sẻ, những bài học vỡ lòng tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng giá trị. Được đúc kết từ chính những trải nghiệm của tác giả trong 10 năm làm nghề cùng giọng điệu hài hước đặc trưng, đây hứa hẹn sẽ là một cuốn sách thú vị, mang lại cái nhìn cận cảnh về nghề Copywriter dành cho các bạn trẻ có ý định hoặc vừa bước chân vào ngành quảng cáo.
Trong số thứ 7 của Bookaholic lần này, Brands Vietnam có buổi trò chuyện trực tiếp với anh Huỳnh Vĩnh Sơn để lắng nghe những chia sẻ của anh về cuốn sách thứ hai của mình.
* Trước tiên, cảm ơn anh đã nhận lời tham gia Bookaholic #7 của Brands Vietnam. Anh có thể chia sẻ với độc giả từ đâu anh có cảm hứng và ý tưởng viết cuốn sách này?
Khi viết sách hay dạy bất kỳ khóa học nào, Sơn cố gắng chia sẻ những điều đáng nghe-nhưng-chưa-ai-nói. Ngành quảng cáo của Việt Nam tính đến nay đã hơn 20 “tuổi” nhưng chưa có một cuốn sách nào về nghiệp vụ, do chính người Việt viết. Sơn muốn là người đầu tiên viết một cuốn sách về chủ đề đó. Những bài học trong cuốn sách này là những đúc kết rất thật khi làm nghề copywriter của Sơn.
Quá trình hình thành ý tưởng cho cuốn sách thứ hai này khá dài. Cách đây khoảng một năm, khi Sơn đã dạy được khoảng 20 lớp sáng tạo lớn, nhỏ. Sơn nhận ra các học viên của mình đến từ nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau, từ sinh viên cho đến các anh chị lớn tuổi trong và ngoài ngành marketing, truyền thông. Nhưng khi cùng Sơn ngồi xuống nghĩ ý tưởng cũng như chấp bút nội dung, tất cả đều như người mới bắt đầu! Chúng ta sai những lỗi rất giống nhau. Khi đó Sơn mới nghĩ tại sao mình không giúp nhiều người hơn, vì đâu phải ai cũng có thể đi học. Vậy là Sơn bắt đầu hệ thống lại các bài học về ý tưởng, câu chữ mà Sơn nghĩ rằng một người viết lách ý tưởng nên có.
Sơn cũng chưa thực sự bắt tay vào viết liền vì Sơn không thích một cuốn sách gồm 90 bài học “liệt kê” bài số một như thế này, bài số hai như thế kia, như vậy rất chán. Và Sơn nghĩ không ai thích bị dạy dỗ cả, đọc sách vậy mệt lắm! Sơn bỗng nảy ra ý tưởng về chủ đề cho cuốn sách là Mentorship – người lớn hướng dẫn người nhỏ. Như vậy khi các bạn đọc sách sẽ không có cảm giác mình đang bị dạy dỗ, thay vào đó là cảm giác “xem phim”, quan sát diễn biến của 2 thầy trò copywriter. Vậy là ý tưởng cho cuốn sách là sáng tạo nhập môn, chủ đề là Mentorship. “Được rồi đó!”, Sơn bắt tay vào viết trong 12 tháng ròng rã.
* Cuốn sách có hình thức thể hiện rất đặc biệt, phần lớn là các trích đoạn hội thoại giữa các nhân vật, đan xen với một số mẩu truyện tranh và các đoạn độc thoại. Tại sao anh có ý tưởng chọn cách kết hợp nhiều hình thức như thế này cho cuốn sách?
Tính Sơn thích nghịch ngợm và làm những thứ người khác chưa làm. Vì linh hồn của sách là Mentorship nên buộc phải có nhân vật. Có Senior, có Intern, rồi phải có thêm Account, có cả Managing Director cho vui. Và Sơn không muốn đặt tên cho nhân vật vì một phần Sơn thấy đặt tên sẽ khó nhớ, Sơn gọi tên nhân vật bằng con số luôn. Intern bây giờ thường khoảng 20 tuổi, năm ngoái Sơn 30 tuổi, rồi cô nàng Account là 29. Các bạn bây giờ thường thực tập 3 tháng, là 90 ngày. Vậy là các nhân vật và tên cuốn sách “90-20-30” ra đời.
Một trong những thể nghiệm về hình thức thể hiện của Sơn là truyện tranh (comic). Sơn nghĩ “sách về ngành mình đã làm rồi, hay bây giờ mình làm truyện tranh về ngành đi!”. Trong cuốn sách này có khoảng 20 truyện tranh ngắn. Vậy bài học như thế nào thì Sơn sẽ quyết định chọn làm truyện tranh? Đó là những bài học liên quan đến tư duy (mindset). Khi nói về mindset sẽ rất dễ rơi vào vòng dạy bảo vì đó là tư tưởng hành nghề của cá nhân. Chẳng hạn nếu nói “hãy trân trọng khách hàng vì họ cũng có nỗi lòng riêng” nghe rất kiểu giáo huấn. Sơn vẽ thành một cảnh truyện mọi người đi về taxi sau buổi họp và chuyện bi hài sau đó. Xem xong, người đọc tự rút ra cái hiểu của riêng mình.
Cách thể hiện thứ hai trong cuốn sách này là hội thoại. Dựng thoại là một thế mạnh của Sơn. Nhiều anh sếp cũ và đồng nghiệp nhận xét Sơn dựng thoại khá “nét” và thể hiện tính cách nhân vật tốt. Vậy là cuốn sách này Sơn quyết định bung thế mạnh của mình. Cái khó của thoại là chỉ có thể bàn được trên chính xác “job” nào đó thôi. Tuy nhiên, có một số bài học Sơn muốn nói rộng hơn là kĩ năng, đưa lên thành mindset, khi đó Sơn sử dụng những đoạn độc thoại nội tâm nhân vật để có nhiều đất mà trải lòng hơn. Sơn thích độc thoại vì đây mới là nơi thể hiện thật sự cái tôi của mình, thể hiện rõ cá tính của Sói Ăn Chay. Là tác giả, Sơn đặc biệt thích 10 ngày cuối cùng, lúc đó là cuối chặng đường nên Sơn có dịp đưa vào nhiều bài độc thoại mang dấu ấn cá nhân hơn.
Mình được dạy những điều cơ bản đầu tiên, nhưng sẽ thật sự hiểu nó cuối cùng!
* Trong số 90 bài học trong cuốn sách, có bài học nào mà anh thích nhất không?
Thật ra cuốn sách này có 90 bài học, nhưng Sơn đã viết đến 150 bài. Khi Sơn viết được khoảng 7 tháng, đọc lại và bỏ hẳn 40 bài vì thấy không đủ hay. Nói vậy để thấy thật ra bài nào Sơn cũng mến hết, đều là những “job” cũ từng chiến đấu cùng đồng đội mà. Nhưng nếu phải chọn, Sơn sẽ chọn câu chuyện “chán nhất”! Đó là những ngày đầu tiên của sách, về công ty cho thuê máy in. Mình được dạy những điều cơ bản đầu tiên, nhưng sẽ thật sự hiểu nó cuối cùng! “Job” với công ty cho thuê máy in đến vào lúc Sơn đã đi làm ở năm thứ 9 rồi. Khi đó, khách hàng muốn Sơn đi theo đến kho của các khách hàng của họ. Sơn được đến kho của Viettel, của Điện Máy Xanh, của Bách Hóa Xanh và thấy hàng trăm máy in họ cho thuê đang in liên tục các hóa đơn. Một dịch vụ đơn giản nhưng khi được chứng kiến, mình mới thấy quy mô cũng như tầm quan trọng của nó. Khách hàng chia sẻ với Sơn rất nhiều và đưa cho Sơn xem một brochure cũ do các bạn IT viết vừa mắc cười mà vừa dễ thương. Đi với khách hàng một ngày như vậy, Sơn cảm nhận được rằng khi viết ra một câu copy, Sơn có thể hình dung được khá rõ nó có phù hợp với ngành hàng, với cái “chất” thật sự của dịch vụ hay không. Chắc nhờ vậy, chỉ qua vòng đầu tiên, khách hàng đồng ý gần hết các copy và cả slogan của Sơn. Trước giờ, mọi người hay nói làm sáng tạo phải thâm nhập thực địa này nọ, nhưng trong công ty quảng cáo, đôi khi bận rộn quá nên những bài học cơ bản đó lâu rồi Sơn không được làm. Và “job” này như một bài thi học kỳ dành cho Sơn vậy. Sơn gói ghém tất cả những gì đã được học và cũng vỡ ra nhiều bài học mới. Cho nên, chuỗi năm bài đầu tiên trong cuốn sách là những bài học cơ bản nhất mà Sơn được học vào những năm đầu tiên đi làm và vỡ ra ngay sát thời điểm viết cuốn sách này.
* Với thành công từ cuốn sách đầu tiên “Ý tưởng này là của chúng mình”, anh có lo lắng cuốn sách thứ hai này sẽ không vượt qua được cái bóng quá lớn đó?
Không lo, mà là lo đến mức “ám ảnh”! Cuốn sách thứ hai này chắc chắn không thể được nhiều độc giả ưa thích như cuốn “Ý tưởng này là của chúng mình” được. Những người mua cuốn này sẽ là fan của Sơn và những người có quan tâm đến câu chữ một chút, còn độc giả bình thường thì chắc sẽ không chọn. Cầm lên đọc dễ thấy “nhức đầu”.
Nhưng nếu Sơn không viết cuốn này thì chắc sẽ không có ai viết.
Một phần là vì Sơn thích chia sẻ, một phần vì Sơn đi dạy nhiều nên Sơn có nhiều thấu hiểu và câu chuyện để làm chất liệu viết. Nên, Sơn nghĩ là mình phải viết thôi, viết để khi mọi người đọc xong cuốn “Ý tưởng này là của chúng mình” và bước chân vào ngành rồi thì đọc cuốn này, các bạn sẽ có những năm tháng đầu làm nghề trôi chảy và ít nhất cũng hạn chế được kha khá lỗi mà suốt những năm qua đa số ai cũng mắc phải. 90 ngày trong cuốn sách này thật sự tương đương với tầm 3 năm làm nghề, vì trong thực tế không thể nào thực tập 3 tháng mà ngày nào cũng học được một bài học rõ ràng như vậy. Đến nay, đọc những phản hồi của các bạn, Sơn rất vui vì cách các bạn đón nhận nó hoàn tòan khác với “Ý tưởng này là của chúng mình”, vậy là chí ít, Sơn cũng đã vượt qua được chính mình rồi, thoát khỏi cái bóng của tác phẩm đầu tiên.
* Quá trình làm cuốn sách này của anh có những khó khăn như thế nào?
Thật ra những khó khăn đều là do Sơn tự đặt ra cho mình thôi. 90 bài học này Sơn có thể viết trong vòng 6 tháng là xong, nhưng Sơn kéo dài đến 12 tháng vì hai lý do. Thứ nhất, Sơn phải chọn lọc những bài học đắt giá nhất. Thứ hai, từng câu tổng kết in đậm trong sách Sơn phải mài giũa cho sắc bén. Vì Sơn đã đi làm 10 năm rồi nên Sơn có thể nói ra một đúc kết dễ dàng. Nhưng câu đó chỉ “dễ hiểu” trong mắt Sơn thôi chứ các bạn trẻ đọc không hiểu. Vì vậy Sơn phải tìm cách diễn đạt sao cho một người ngoài ngành đọc vào vẫn có thể hiểu được.
Càng đọc về cuối sách, các bài học sẽ mang tính chất tổng hợp và mindset nhiều hơn.
Bên cạnh đó, tìm ngữ cảnh cho các tình huống sao cho vừa lạ, vừa phù hợp là rất khó. Không phải tình huống nào cũng mở đầu bằng cách cô nàng 20 cầu cứu anh chàng 30. Sơn phải tìm nhiều ngữ cảnh mới và đối chiếu với các bài đã viết để không bị trùng. Khi có ngữ cảnh rồi Sơn bắt đầu dựng thoại. Khi dựng thoại thì phải nghĩ tình tiết và “voice” của nhân vật. Nói như thế nào để phù hợp và thể hiện cá tính của một cô nàng 20, anh chàng 30 hay cô nàng Account,… Một câu chuyện chỉ dài 3 trang nhưng có khi Sơn viết đến hơn 10 tiếng mới xong. Cuối mỗi bài, hai nhân vật hay nói đùa với nhau một câu, Sơn cũng cố làm sao cho câu đùa đó liên kết ngược lại về bài học. Nên mỗi câu chuyện viết xong, Sơn thấy y như mình vừa hoàn thành một “phim ngắn” vậy.
Ngoài ra, các tình huống vẽ truyện tranh sẽ mất gấp 3 lần thời gian. Sơn phải chọn câu chuyện giàu hình ảnh, sau đó viết kịch bản và nghĩ cách thể hiện câu chuyện một cách điện ảnh. Sau đó Sơn phải brief cho hai cô gái minh họa sao cho họ hiểu hết cái hồn của bài học. Và đến với những trường kì sửa và hoàn thiện. Có lúc Sơn và visualizer gọi viber 2 tiếng đồng hồ chỉ để trao đổi cách vẽ một khung truyện nào đó thôi.
Sau khi viết xong, Sơn dành ra một tháng chỉ để chỉnh sửa, biên tập lại. Lý do mất thời gian như vậy là vì, Sơn muốn sắp xếp các bài học từ cơ bản đến nâng cao. Càng đọc về cuối sách, các bài học sẽ mang tính chất tổng hợp và mindset nhiều hơn. Khi Sơn viết từng truyện riêng lẻ thì không có vấn đề gì, nhưng khi sắp xếp lại, Sơn phải sửa lại thoại rất nhiều để hợp lý hơn với thời gian cô nàng 20 bắt đầu thực tập. Chẳng hạn như mới đến ngày thứ 3, hai nhân vật không thể trò chuyện quá thân với nhau được. Vậy là Sơn phải điều chỉnh lại cho trung lập hơn. Và càng về sau thì cả hai người này phải thân hơn, nói năng cởi mở hơn.
* Anh có điều gì muốn gửi gắm đến các độc giả của cuốn sách?
Có hai điều Sơn muốn gửi gắm.
Thứ nhất, trong sách là những bài học Sơn đã lựa chọn rất kỹ để độc giả, dù các bạn làm về Content hay Copywriter cũng đều có thể hiểu và thực hành. Thậm chí Marketer hoặc các doanh nghiệp nhỏ đọc xong cuốn sách này cũng có thể tự viết được. Cho đến bây giờ, nhiều lúc đối mặt với công việc Sơn vẫn nhớ tới những lời khuyên, những bài học mà các anh chị sếp từng nói với Sơn cách đây 10 năm. Đó là những tài sản không phải ai cũng có được và Sơn đã chia sẻ hết trong cuốn sách này. Sơn mong rằng cuốn sách có thể giúp các bạn có những năm tháng vào nghề thật đẹp. Có lẽ dụng ý này của Sơn khá thành công vì từ lúc ra mắt sách đến giờ, nhiều bạn chia sẻ với Sơn là sách giúp các bạn “đỡ khổ” hơn rất nhiều!
Dụng ý thứ hai của Sơn thì mới chỉ một vài người nhận ra thôi. Sơn mong sau khi đọc cuốn sách này, nhiều bạn sẽ biết và cân nhắc nghề Account! Ngành quảng cáo Việt Nam sẽ phát triển và văn minh hơn nếu chúng ta có nhiều Account giỏi hơn. Account là đầu tàu của một dự án, nếu họ vững chãi và hiểu nghề, họ sẽ mang về bản brief đúng. Hiện tại trong ngành có các anh chị Account rất giỏi nhưng số lượng còn ít quá. Sở dĩ như vậy là vì ít người biết đến nghề Account này. Các bạn mới tốt nghiệp nếu có định hướng làm trong ngành quảng cáo thường chỉ nghĩ về làm Creative. Trong khi Account là nghề rất trí tuệ, đầy thử thách và đòi hỏi nhiều bản lĩnh. Xuyên suốt cuốn sách này, Sơn làm nổi bật hình ảnh và vai trò của cô nàng Account, rất xinh đẹp, giỏi giang và luôn che chắn cho đội ngũ Creative. Nhiều người đọc và nói là không có Account nào hoàn hảo như vậy cả. Đúng là vậy, nhưng nếu bạn xem mỗi câu chuyện có nàng Account 29 này là một người Account khác nhau thì Sơn thề là có thiệt. Những mẩu chuyện liên quan đến Account đều là người thật 100%, do chính Sơn tiếp xúc và làm việc cùng. Có những Account giỏi như vậy đó, và họ mới là người dẫn dắt dự án thành công tốt đẹp.
Sơn mong các bạn yêu thích quyển sách này và càng mong hơn nếu như quyển sách này kích thích bạn nảy nở những bài học cho riêng mình. Vì Sơn tin trên bước đường hành nghề, không gì đáng giá bằng những đúc kết từ chính bản thân.
* Rất cảm ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị về cuốn sách này. Chúc anh nhiều thành công!
Độc giả có thể đặt mua sách tại: https://book.rio.vn/products/90-20-30-basic-version
Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcast cùng chuyên mục tại đây.
Lamda Nguyễn / Brands Vietnam
Brands Vietnam