Startup Việt 2018: Dấu ấn từ những con số triệu USD
Năm 2018, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam tiếp tục diễn ra sôi động, thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước với nhiều thương vụ gọi vốn thành công hàng triệu USD.
Dưới đây là 10 sự kiện đáng chú ý của startup Việt năm 2018 do ban biên tập NDH lựa chọn:
Để cho vay, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, Chính phủ quyết định thành lập quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, để rót vốn đầu tư vào các startup. Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng lập.
Theo dự thảo Nghị định đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng, vốn điều lệ do Ngân sách Nhà nước cấp cho quỹ là 2.000 tỷ đồng. Điều kiện cho vay là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Lãi suất cho vay không vượt quá 80% mức thấp nhất của lãi suất cho vay thương mại, trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại có trên 50% vốn sở hữu Nhà nước.
Ngày 30/8, VinaCapital thông báo thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, quy mô 100 triệu USD để đầu tư vào các startup công nghệ. Quỹ này cũng công bố 2 khoản đầu tư đầu tiên vào Logivan và FastGo, các startup về giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam. Trong đó, giá trị đầu tư của VinaCapital Ventures và các đối tác Ethos Partners, Insignia Venture Partners vào Logivan là 1,75 triệu USD, còn con số đầu tư vào FastGo không được tiết lộ.
Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures không giới hạn về thời gian nắm giữ và giá trị từng khoản đầu tư từ 2 đến 10 triệu USD. VinaCapital có thể đầu tư ít hơn số vốn cam kết trong trường hợp trở thành nhà đầu tư chiến lược hoặc có khả năng kêu gọi cùng đầu tư với mạng lưới đối tác lớn.
Cuối tháng 11, Topica Edtech Group công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 50 triệu USD trong vòng gọi vốn series D, từ Northstar Group. Đến nay, đây là khoản rót vốn lớn nhất cho một công ty giáo dục trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á.
Topica Edtech Group cung cấp các khoá học trực tuyến bằng tiếng Anh, với hơn 2.000 khóa học ngắn hạn và là nền tảng cho 12 trường đại học khu vực Đông Nam Á cung cấp chương trình giảng dạy và cấp bằng trực tuyến.
Northstar Group là quỹ đầu tư cổ phần tư (Private Equity) có trụ sở tại Singapore, hiện quản lý hơn 2 tỷ USD vốn đã cam kết, dành riêng cho các doanh nghiệp giai đoạn tăng trưởng ở Đông Nam Á.
Tháng 8, hệ thống website & ứng dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến Vntrip.vn công bố gọi vốn thành công lần 3 từ IHAG Holding - tập đoàn đầu tư toàn cầu của Thụy Sỹ - với mức định giá 45 triệu USD.
Vntrip.vn được sáng lập bởi ông Lê Đắc Lâm, một doanh nhân thuộc thế hệ 8X. Tháng 7/2016, startup này nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ nhà đầu tư thiên thần của Alibaba. Chỉ một năm sau đó, công ty tiếp tục nhận được 10 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Mới đây, Vntrip.vn tuyên bố sáp nhập đơn vị cung cấp vé máy bay giá rẻ tại Việt Nam Atadi vào hệ thống của mình. Đây được coi là thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lĩnh vực du lịch trực tuyến Việt Nam 2018.
Chương trình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ) mùa 2 tiếp tục thu hút quan tâm lớn từ cộng đồng startup. Kết thúc chương trình, các nhà đầu tư cam kết rót vốn vào 27 dự án, với hơn 206,5 tỷ đồng (tương đương 8,9 triệu USD), gấp 1,8 lần tổng vốn đầu tư trong mùa đầu tiên.
Trong đó, thương vụ giá trị nhất thuộc về Shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch CEN Group với 23 tỷ đồng đầu tư cho startup Power Centric. Nhà đầu tư này cũng tham gia vào thương vụ bạc tỷ lớn thứ 2 của chương trình khi cùng ông chủ của Intracom Nguyễn Thanh Việt rót 17 tỷ đồng cho công ty công nghệ y tế Plasma.
Dù là khách mời, Shark Nguyễn Thanh Việt là nhà đầu tư rót vốn nhiều nhất mùa 2 với hơn 47 tỷ đồng, tiếp theo là Chủ tịch Sunhouse - Shark Nguyễn Xuân Phú (37,2 tỷ), và Shark Phạm Thanh Hưng (gần 34 tỷ).
Base.vn - startup do cựu sinh viên Stanford Phạm Kim Hùng sáng lập - vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ hai với sự tham gia của 2 quỹ đầu tư lớn Alpha JWC Ventures và Beenext. Cùng tham gia còn có 500 Startups và VIISA – 2 quỹ đã tham gia ở vòng Seed. Với 1,3 triệu USD, thương vụ này đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất từ trước tới nay vào một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ B2B tại Việt Nam.
Bắt đầu phát triển từ 2016 và chính thức ra mắt thị trường vào 2017, Base.vn là nền tảng Saas đầu tiên trong khu vực được xây dựng để thống nhất quá trình quản trị và điều hành doanh nghiệp từ nhân sự, công việc, tài chính đến sales-marketing. Đến nay, startup này đã phục vụ cho hơn 500 doanh nghiệp tại Việt Nam trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như VIB, VPBank, ACB, The Coffee House, McDonald's...
Tập đoàn Vingroup vừa quyết định thành lập công ty con Vingroup Ventures, với ngành nghề kinh doanh chính là Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Công ty có vốn điều lệ 70 tỷ đồng, Vingroup sở hữu 70%. Ngoài ra, 2 cổ đông khác của doanh nghiệp là bà Thái Vân Linh (sở hữu 10%) và Nguyễn Hồng Quân (sở hữu 20%). Bà Linh hiện cũng là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là Tổng giám đốc của Vingroup Ventures.
Bà Thái Vân Linh sinh năm 1977, thường được mọi người gọi là Shark Linh sau khi tham dự chương trình Shark Tank Việt Nam. Bà Linh từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn tài chính, ngân hàng lớn như Giám đốc marketing của Stamps, The .tv Corporation. Hiện Shark Linh là Giám đốc vận hành và chiến lược của VinaCapital.
Trong danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á của tạp chí Forbes năm 2018, Việt Nam có 5 đại diện, bao gồm: Phạm Anh Đức - sáng lập và điều hành công ty cổ phần Vicare; Tống Nhật Dương - đồng sáng lập Homage; Lưu Thế Lợi và Trần Huy Vũ (Victor Trần) - đồng sáng lập, Kyber Network; Nguyễn Văn Quang Huy - đồng sáng lập và CTO, Holistics.
Theo Forbes, những nhân vật được lựa chọn đều là người có tầm ảnh hưởng, tạo xu hướng và góp phần tạo nên thành công ở lĩnh vực mà họ đại diện.
Ngày 8/4, ứng dụng gọi xe Uber chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam sau khi hãng này bán lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab. Trái với lo ngại của nhiều người về vị thế độc quyền của Grab, thị trường Việt Nam thời gian qua chứng kiến sự nở rộ của các ứng dụng gọi xe, cả nước ngoài và nội địa.
Trong đó có thể kể đến Go-Việt (ứng dụng được hậu thuẫn bởi Go-Jek, startup kỳ lân của Indonesia); Aber (do nhóm kỹ sư người Việt tại Đức sáng lập), MVL (Singapore); FastGo (thuộc tập đoàn Nexttech của Việt Nam)… Gần đây nhất, ứng dụng ‘be’ của công ty BeGroup do ông Nguyễn Thanh Hải (đồng sáng lập, nguyên Giám đốc công nghệ của VNG) làm tổng giám đốc vừa ra mắt với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Sau một thời gian nghiên cứu và công bố dự thảo để lấy ý kiến đóng góp, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 38 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Việc ban hành Nghị định 38 được coi là bước tiến lớn trong việc tạo hành lang pháp lý đối với các nhà đầu tư tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, giúp khơi thông nguồn vốn cho startup.
Linh Lam
Nguồn Người đồng hành