Lion Air và Boeing: Mối hiềm khích 22 tỷ USD
Vụ tai nạn xảy ra với chiếc máy bay Boeing của hãng Lion Air khiến 189 người thiệt mạng tại Indonesia, đang dần trở thành hiềm khích trị giá 22 tỷ USD giữa hai doanh nghiệp.
Vụ tai nạn xảy ra ngày 29/10, khi chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 do Lion Air vận hành lao xuống mặt biển Java khiến 189 người thiệt mạng tại Indonesia, đang dần trở thành hiềm khích trị giá 22 tỷ USD giữa nhà sản xuất máy bay đến từ Mỹ và giới chủ của Lion Air, những người có ảnh hưởng nhất trong ngành hàng không châu Á.
Trong một vụ tranh cãi hiếm khi xảy ra giữa một hãng sản xuất máy bay, Boeing, và một trong những khách hàng lớn nhất của hãng, lãnh đạo của Lion Air đã đe dọa sẽ hủy đơn hàng đặt mua máy bay trị giá 22 tỷ USD khi ông cho rằng Boeing đang phản ứng thiếu công tâm với vụ tai nạn.
Vị khách hàng quyền lực
Người đứng lên chỉ trích công khai Boeing chính là Rusdi Kirana, ông chủ của Lion Air, và dù ông không quá nổi tiếng bên ngoài Đông Nam Á thì Kirana vẫn là một huyền thoại trong ngành hàng không.
Mười tám năm sau khi ông và hai người anh em ruột thuê một chiếc Boeing 737-200 và bắt đầu phục vụ hành khách với các chuyến bay từ Jakarta đi Bali, Lion Air giờ đã trở thành hãng hàng không lớn nhất Indonesia và là một trong những doanh nghiệp mua nhiều máy bay nhất thế giới.
"Ông ấy, với tầm ảnh hưởng tại Indonesia, hiện là một trong những nhân vật quan trọng nhất ngành hàng không Đông Nam Á", chuyên gia Shukor Yusof, nhà sáng lập hãng tư vấn hàng không Endau Analytics có trụ sở tại Kuala Lumpur cho hay.
Giấc mơ tham vọng chưa đạt được của Kirana, mở đường bay thẳng tới những điểm đến như London hay Dubai, đã đưa ông trở thành một khách hàng quan trọng của cả Boeing và Airbus. Lion Air là hãng hàng không mua nhiều máy bay 737 thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên chỉ 7 tuần sau khi chiếc 737 Max hai tháng tuổi của hãng này lao đầu xuống vùng biển gần Jakarta, Kirana đã công khai chỉ trích nhà sản xuất máy bay đến từ Mỹ.
Lion Air đang soạn thảo các tài liệu để hủy đơn hàng trị giá 22 tỷ USD với lý do Boeing đang đổ lỗi cho hãng hàng không một cách thiếu công tâm sau thảm họa với chiếc 737 Max.
"Tôi đang ở trong một tình huống rất khó khăn và họ lại quyết định rằng nên dìm tôi sâu thêm", Kirana chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn tại Jakarta, đề cập tới phản ứng của Boeing trước báo cáo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng Indonesia về vụ tai nạn. "Họ đang hành xử thiếu đạo đức trong mối quan hệ này nên chúng tôi sẽ phải đi con đường riêng".
Boeing từ chối bình luận về phát ngôn của ông Kirana, tuy nhiên trong một thông cáo, hãng sản xuất máy bay cho hay "Lion Air là một khách hàng quan trọng và chúng tôi đang hỗ trợ họ trong quãng thời gian khó khăn này. Công ty cũng cho hay "đang tìm mọi biện pháp để tìm hiểu mọi yếu tố liên quan đến tai nạn và đang làm việc mật thiết với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan".
Tranh cãi xảy ra xoay quanh tai nạn hàng không tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua. Ngày 29/10, khi chiếc máy bay Boeing 737 Max 8, chuyến bay số hiệu JT610, chở 189 hành khách và phi hành đoàn lao xuống mặt biển Java. Không có người sống sót sau vụ tai nạn.
Khách hàng lớn trở thành đối thủ khẩu chiến
Theo điều tra ban đầu, dữ liệu hộp đen cho thấy phi công phải vật lộn để giữ máy bay thăng bằng khi chỉ trong 11 phút, chiếc Boeing liên tục lao xuống hàng chục lần vì lỗi cảm biến.
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (NTSC) tháng trước đã không tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn. Tuy nhiên báo cáo lại chỉ ra lỗi cảm biến của máy bay đã không được sửa chữa trước chuyến bay gặp tai nạn dù lỗi này đã xảy ra trong chuyến bay ngay trước đó. Do đó, báo cáo này chỉ trích quy trình an toàn bay của Lion Air.
Phản ứng của Boieng trước báo cáo của NTSC đã khiến Kirana rất không hài lòng. Trong thông cáo, nhà sản xuất máy bay Mỹ nhấn mạnh rằng chiếc máy bay xấu số đã liên tục gặp trục trặc về cảm biến tốc độ và độ cao trong các chuyến bay trước đó, ngay cả khi đã có công tác bảo trì.
Và Boeing cho biết các phi công trên chuyến bay ngay trước JT610 đã khắc phục các vấn đề tương tự bằng cách làm theo các quy trình thích hợp. Hãng này cho hay "737 Max đã an toàn như bất kỳ máy bay nào đã từng bay trên bầu trời".
Kirana cho rằng phản hồi của Boeing chính là hành động đá quả bóng trách nhiệm sang phía Lion Air.
"Máy bay đó có vấn đề", ông Kirana cho hay. "Tôi là khách hàng. Tại sao họ lại làm như vậy vào thời điểm này và gây bất lợi cho tôi, tạo ra một nhận thức rằng tôi chính là người để đổ lỗi cho tai nạn này?".
Theo ông Kirana, Boeing vẫn còn khoảng 250 máy bay chưa giao cho Lion Air. Trang web công bố đặt hàng và giao hàng của Boeing cho thấy hai bên có 188 máy bay đã đặt hàng nhưng chưa được giao.
Việc hủy một đơn hàng mua máy bay mà không bị phạt tài chính gần như là bất khả thi. Trong cuộc phỏng vấn, Kirana phủ nhận giả thiết ông đang lấy lý do để cắt giảm đơn hàng lớn không cần thiết mà Lion Air đang phải chật vật để lo nguồn tiền đặt hàng. Ông khẳng định toàn bộ máy bay mà Lion Air đặt hàng tới cuối năm 2020 đều đã có kinh phí sẵn sàng.
Tuy nhiên trong tay Kirana vẫn còn những phương án khác, trong khi việc hủy một đơn hàng lớn từ một khách hàng quan trọng sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing, cho dù hãng sản xuất máy bay này có thu được một khoản tiền phạt từ Lion Air.
Theo nhà phân tích hàng không Indonesia, ông Gerry Soejatman, nếu Kirana không hủy được đơn hàng, Lion Air vẫn có thể bán lại hoặc cho thuê lượng máy bay Boeing này tới các hãng hàng không khác. Phương án đó sẽ làm méo mó thị trường máy bay 737 mới hoặc đã qua sử dụng, chuyên gia này nhận định. "Hệ sinh thái ngành hàng không luôn đan xen rất mật thiết".
Dù là sau một vụ tai nạn lớn, rất hiếm khi có một cuộc tranh cãi công khai giữa một hãng hàng không và một nhà sản xuất máy bay lớn khi mà nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên Kirana từ lâu đã là người nổi tiếng về sự cứng rắn và bền bỉ.
"Ông ấy rất trung thành với những người trong vòng thân thiết, miễn là họ không phản bội ông", chuyên gia Soejatman cho hay. "Khi đó ông ấy sẽ không khoan nhượng".
Huyền thoại ngành hàng không Đông Nam Á
Từng đi bán các sản phẩm như máy đánh chữ hay nguyên liệu làm bánh, Kirana lần đầu trải nghiệm cách ngành hàng không vận hành vào năm ông 27 tuổi khi ông cầm biển tên của một vài khách hàng để đón và giúp họ làm thủ tục để quá cảnh. Một ngày cuối những năm 1990, ông có đọc một bài báo về bán vé máy bay trực tuyến.
"Khi đó tôi nhận ra việc này có thể khiến các đại lý du lịch sập tiệm", Kirana trả lời một phỏng vấn. "Đó chính là thời điểm tôi nung nấu ý định thiết lập một hãng hàng không".
Với khoản tiết kiệm từ những công việc trước đó, Kirana cùng anh em đã thuê một chiếc máy bay, thiết kế đồng phục, thuê 4 phi hành đoàn và gây dựng Lion Air. Khi mới vận hành, hãng bay của Kirana vô danh tới nỗi các đại lý du lịch từ chối đặt cọc tiền cho ông và Kirana phải cho phép họ trả sau khi ghế đã được bán.
Hiện Lion Air là tập đoàn hàng không vận hành 350 máy bay với 300 điểm đến và 467 máy bay đang chờ giao hàng từ Boeing và Airbus. Kirana, người từng giữ vị trí cố vấn cho Tổng thống Indonesia - Joko Widodo, đang là đại sứ Indonesia tại Malaysia và không còn tham gia vận hành Lion Air hàng ngày.
Tuy nhiên chuyến bay định mệnh JT610 đã mang ông một lần nữa trở lại ghế nóng và khiến ông phải dựa vào đức tin để vượt qua khó khăn.
"Vụ việc rất nghiêm trọng", ông cho hay. "Chỉ có Chúa mới là nơi tôi có thể chia sẻ gánh nặng".
Ngô Minh / Bloomberg
Nguồn Zing News