Total bắt đầu cuộc chơi tỷ USD ở Việt Nam

Tập đoàn Total đang lên kế hoạch đầu tư một dự án điện khí tỷ USD ở Ninh Thuận. Ông lớn dầu khí của Pháp phải chăng sẽ bắt đầu cuộc chơi lớn ở Việt Nam?

Tham vọng tỷ USD

Thông tin cho biết, tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới Total (Pháp) đang lên kế hoạch đầu tư Dự án Tổ hợp Điện khí Cà Ná tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án dự kiến được Total cùng với các đối tác là Siemens, Vovatek (Nga) và Công ty TNHH Đầu tư và Công nghệ Việt Nam (A&A) triển khai với tổng công suất 4.500 MW, trong đó giai đoạn I là 1.500 MW, với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.

Thậm chí, không còn là “đang lên kế hoạch”, Total và các đối tác của mình thời gian gần đây đã liên tục tới Ninh Thuận để thảo luận các vấn đề liên quan đến dự án này. Total cũng đã đề xuất UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công thương và Chính phủ bổ sung Dự án vào quy hoạch.

Đầu tháng 11/2018, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe, Tập đoàn Total đã ký thỏa thuận với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc nghiên cứu phát triển Tổ hợp Dự án Điện khí Cà Ná Ninh Thuận. Không chỉ là xây dựng nhà máy điện, trong thỏa thuận hợp tác, Total và các đối tác của mình cũng đã nhắc đến kế hoạch xây dựng một tổng kho khí hóa lỏng (LNG), với mục tiêu không chỉ cung cấp khí tự nhiên cho nhà máy điện, mà còn cung cấp khí tự nhiên cho cả khu vực.

Total bắt đầu cuộc chơi tỷ USD ở Việt Nam

Total đang lên kế hoạch đầu tư Dự án Tổ hợp Điện khí Cà Ná tại tỉnh Ninh Thuận.

Kế hoạch đầu tư vào nhà máy điện khí ở Việt Nam trên thực tế đã được lãnh đạo của Tập đoàn Total chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhân chuyến thăm của Thủ tướng tới Singapore vào cuối tháng 4/2018. Khi đó, ông Christian Cabrol, Phó chủ tịch Tập đoàn Total, Chủ tịch Công ty Dầu khí Total khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã không giấu giếm tham vọng rằng, Tập đoàn rất quan tâm đến lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng và sản xuất điện ở Việt Nam. Vị Phó chủ tịch này đồng thời cũng cho biết, sẵn sàng hợp tác với các đối tác khác để đầu tư vào lĩnh vực này.

Chỉ 3 tháng sau khi chia sẻ kế hoạch đó với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Total đã tìm đến Ninh Thuận, đưa thêm các đối tác đầu tư mới và ít tháng sau đó, thỏa thuận đầu tiên đã được ký kết. Tất nhiên, tất cả mới đang là kế hoạch, song kế hoạch này đang mở ra một cơ hội mới ở Ninh Thuận. Sẽ không chỉ là 1-2 tỷ USD, tham vọng của Total có thể còn lớn hơn thế.

Ông lớn chơi lớn

Total có mặt tại Việt Nam từ năm 1990. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng về một khoản đầu tư lớn của một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dầu khí, Total có những bước đi khá cẩn trọng ở thị trường Việt Nam. Ban đầu, chỉ là Total Marketing & Services Việt Nam, với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khí hóa lỏng (LPG), dầu nhờn và xăng dầu.

Năm 2009, Total mua lại hoạt động dầu nhờn của Exxon Mobil tại Việt Nam, đồng thời sáp nhập với các hoạt động kinh doanh dầu nhờn của Total tại Việt Nam, đưa nhà máy dầu nhờn Total đặt tại Khu công nghiệp Gò Dầu (tỉnh Đồng Nai) vào hoạt động.

Total bắt đầu cuộc chơi tỷ USD ở Việt Nam

Có mặt từ năm 1990, Total có những bước đi khá cẩn trọng ở thị trường Việt Nam.

Sau đó, đầu tháng 7/2012, Totalgaz Việt Nam đã mua lại Công ty Năng lượng Đại Việt (Vinagas), từ đó tập trung kinh doanh và sở hữu 4 nhãn hàng gồm Elfgaz, Totalgaz, Saigon Gas và Vinagas tại Việt Nam. Ngoài ra, Total cũng kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam, đặc biệt là ở Đà Nẵng.

Từ đó tới nay, Total đã đầu tư và kinh doanh ở thị trường Việt Nam chỉ với quy mô như vậy, cho đến khi gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào đầu năm nay. Theo ông Christian Cabrol, Total có mối quan hệ tốt đẹp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và cũng tham gia một số dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam. Tuy nhiên, Total muốn mở rộng hoạt động đầu tư ở Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực điện, mà còn là trong cả lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng. Total muốn xây dựng một số hạ tầng cảng để tiếp nhận khí hóa lỏng.

Ngoài các kế hoạch trên, thông tin cho biết, Total cũng rất quan tâm đến kế hoạch bán 30% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài vào năm 2020 của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas). Hiện tại, sở hữu nước ngoài tại PV Gas chỉ là 3,31% và tổng công ty này đang muốn giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước từ 95% hiện tại xuống còn 65% trong năm 2020.

Xem ra, ông lớn Total đang có những kế hoạch lớn tại Việt Nam. Nếu những kế hoạch này trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ có cơ hội nhận được một khoản đầu tư lớn từ một trong những tập đoàn hàng đầu châu Âu.

Nguyên Đức
Nguồn Báo Đầu Tư